Bí quyết sống khỏe của người Nhật: Tập thể dục vào mùa đông

25/12/2019 09:46 AM | Sống

Run rẩy đốt cháy rất nhiều calo và nó sẽ giúp biến mỡ trắng thành mỡ nâu.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có một bảng xếp hạng gọi tắt là HALE (healthy life expectancy at birth), định nghĩa bằng số năm tuổi sống khỏe mạnh trung bình của dân số từng quốc gia. Khác với độ tuổi trung bình, HALE chỉ tính số năm tuổi từ khi bạn sinh ra cho tới trước khi bạn bị một khuyết tật hoặc một căn bệnh hành hạ.

Theo dữ liệu của WHO năm 2016, độ tuổi khỏe mạnh trung bình của toàn thế giới là 63. Trong đó, Nhật Bản là quốc gia có HALF cao nhất, 75 tuổi. Người dân ở Mỹ chỉ sống khỏe mạnh trung bình đến năm 69 tuổi.

Giải thích cho độ tuổi HALF cao của người Nhật Bản có thể bao gồm nhiều nguyên nhân, từ chế độ dinh dưỡng DNA và các yếu tố lối sống khác. Tuy nhiên, các nhà khoa học cho biết một trong số các nghiệm của phương trình này có thể đến từ thói quen tập thể dục dưới thời tiết lạnh của người Nhật.

"Tất cả những người lớn lên ở Tokyo đều nghĩ rằng tập thể dục trong mùa đông giúp bạn tránh xa bác sĩ, và người Nhật rất hay tập thể dục vào mùa đông", Shingo Kajimura, phó giáo sư và giám đốc phòng thí nghiệm tại Đại học California, San Francisco (UCSF) cho biết. "Bây giờ chúng ta [người Mỹ] có thể mới thấy điều đó rất có ý nghĩa".

Bí quyết sống khỏe của người Nhật: Tập thể dục vào mùa đông - Ảnh 1.

Tập thể dục vào mùa đông đem lại rất nhiều lợi ích, nhưng có một số điều cần lưu ý.

Phòng thí nghiệm của Kajimura tại UCSF hiện đang tập trung nghiên cứu quá trình trao đổi chất và cân bằng năng lượng, đặc biệt là chức năng của các tế bào mỡ cơ thể. Ông nói rằng tập thể dục trong thời tiết lạnh có thể đem lại một số lợi ích.

Đầu tiên, việc run rẩy đốt cháy rất nhiều calo. "Rùng mình là một quá trình rất tốn năng lượng và mệt mỏi", Kajimura nói. Nếu mục tiêu của bạn là giảm cân, tập thể dục dưới trời lạnh có thể cho hiệu quả cao hơn.

Một số nghiên cứu của Kajimura cũng đã chỉ ra việc tiếp xúc với nhiệt độ lạnh từ môi trường sẽ giúp cơ thể chuyển đổi mỡ trắng thành mỡ nâu. Mỡ trắng được coi là các tế bào mỡ không lành mạnh, trong khi mỡ nâu là loại mỡ sinh nhiệt giúp bạn tăng chi tiêu năng lượng ngay cả trong trạng thái nghỉ ngơi.

Nói cách khác, với mỡ nâu, bạn có thể đốt cháy nhiều calo hơn, ngay cả khi đang ngồi một chỗ không làm gì.

Nghiên cứu của Kajimura và nhiều nhà khoa học khác còn nghi ngờ mỡ nâu có thể hạn chế lượng đường trong máu và thậm chí chống lại các rối loạn chuyển hóa như bệnh tiểu đường. "Bây giờ, đây chỉ là một giả thuyết", ông nói. "Nhưng chúng tôi sẽ điều tra thêm".

Kajimura cho biết một giả thuyết nữa mà ông đang kiểm tra, đó là mỡ nâu giúp cơ thể lọc các sản phẩm phụ được gọi là chất chuyển hóa, thường được giải phóng trong quá trình tập luyện. Bằng chứng cho thấy một số chất chuyển hóa nhất định có thể góp phần khiến bạn bị mệt mỏi hoặc đau nhức sau khi tập thể dục.

"Vì vậy, việc kết hợp kích thích lạnh với tập luyện thể dục là một ý tưởng tuyệt vời", ông nói. "Tôi rất khuyến khích bạn nên tập thể dục ngoài trời vào sáng sớm hoặc bơi trong nước lạnh".

Bí quyết sống khỏe của người Nhật: Tập thể dục vào mùa đông - Ảnh 2.

Tiếp xúc với nhiệt độ lạnh từ môi trường sẽ giúp cơ thể chuyển đổi mỡ trắng thành mỡ nâu.

Ngoài việc thay đổi quá trình chuyển hóa mỡ và chống lại sự mệt mỏi, tập luyện dưới thời tiết lạnh cũng đem lại một số lợi ích khác.

Mike Jett, giảng viên và giám đốc phòng thí nghiệm về sinh lý học tại Đại học Louisville ở Kentucky giải thích: Dù trong bất kỳ trường hợp và hoàn cảnh nào, cơ thể của bạn cũng có một ưu tiên hàng đầu là duy trì thân nhiệt.

Tập thể dục tạo ra nhiệt, vì vậy, nếu bạn tập thể dục dưới trời nóng, bạn sẽ đổ mồ hôi. Đó là lúc cơ thể đang phải gồng mình để chống lại sự gia tăng nhiệt quá mức.

Trong hầu hết các trường hợp, nó không quá nghiêm trọng, nhưng nếu đặt trên thang đo của những vận động viên chuyên nghiệp đang cạnh tranh chức vô địch và phá kỷ lục, thi đấu vào mùa hè hay mùa đông là cả một vấn đề cần tính toán.

"Nếu nhiệt tích lũy, hiệu suất tập luyện của bạn sẽ suy giảm", Jett nói. Trong khi đó, tập luyện hoặc thi đấu dưới điều kiện mát mẻ dường như là điều kiện tối ưu nhất. Cơ thể có thể dành tất cả các nguồn lực của mình để tạo ra hiệu suất, thay vì phải mất thêm năng lượng để điều chỉnh nhiệt độ, Jett nói.

Thậm chí, ngay cả tinh thần của bạn cũng có thể nhận được một số lợi ích từ việc tập luyện trong mùa đông.

Một nghiên cứu nhỏ năm 2004 tại Phần Lan cho thấy đi bơi vào mùa đông đã giúp 36 người trung niên chống lại căng thẳng, mệt mỏi và cải thiện sức khỏe tổng thể. Tiếp xúc với nước lạnh dường như kích hoạt hệ thống thần kinh trung ương, và kích thích sự lưu thông của các hormone có thể thúc đẩy tâm trạng và năng lượng, các tác giả viết.

Bí quyết sống khỏe của người Nhật: Tập thể dục vào mùa đông - Ảnh 3.

Tiếp xúc với nước lạnh dường như kích hoạt hệ thống thần kinh trung ương, và kích thích sự lưu thông của các hormone có thể thúc đẩy tâm trạng và năng lượng

Tất nhiên, có những rủi ro liên quan đến việc tập thể dục trong thời tiết lạnh - đặc biệt là nếu bạn tập nặng trong điều kiện băng giá.

Bạn có thể nhìn vào những vận động viên đang phải tập luyện và thi đấy trong thế vận hội mùa đông, họ thường gặp phải các rối loạn đường hô hấp, Michael Kennedy, phó giáo sư nghiên cứu chuyển động cơ thể, thể thao và giải trí tại Đại học Alberta, Canada cho biết.

Mọi người có thể bị ho, thở khò khè, khó thở và tích tụ chất nhầy trong cổ họng. Đó là những dấu hiệu của tổn thương phổi do cảm lạnh, Kennedy nói. Hai dấu hiệu đáng quan tâm nhất đó là cảm giác nóng rát trong phổi hoặc bạn cảm thấy vị tanh của máu trong miệng. Đây là những triệu chứng cho thấy bạn đang gặp phải những tổn thương nặng trong phổi, có thể ảnh hưởng tới sức khỏe và chức năng lâu dài của hệ hô hấp.

Nếu ai đó tập luyện quá tích cực trong thời tiết băng giá mà không được bảo vệ, họ có thể bị viêm phổi, sẹo mô phổi, hen suyễn… Kennedy khuyến cáo nếu mọi người quyết định ra ngoài và tập luyện khi nhiệt độ xuống dưới 4 độ C, họ nên có các biện pháp bảo vệ phổi của mình, chẳng hạn như che miệng bằng mũ len liền khẩu trang hoặc quấn khăn nhanh khô quanh cổ.

Ngoài ra, còn một lưu ý nhất định bạn phải nhớ, sau khi tập thể dục, đừng đột ngột đi từ ngoài trời lạnh vào nhà, phải đợi cho đến khi hơi thở của đã chậm lại bình thường.

"Có một hiệu ứng gọi là ‘gánh nặng của việc ấm lên’, xảy ra khi mà hơi thở của bạn vẫn còn gấp sẽ khiến nhiều hơi nước bị hút ra khỏi đường thở hơn", Kennedy nói. Khi đường hô hấp của bạn bị khô, nó sẽ dễ bị tổn thương hơn.

Cuối cùng, tập thể dục dưới thời tiết lạnh cũng có thể gây rủi ro cho những người mắc bệnh tim. Khi bạn tiếp xúc với nhiệt độ thấp, cơ thể sẽ cố gắng ngăn chặn sự mất nhiệt bằng cách thu nhỏ các mạch máu, Kimimura giải thích. Điều này có thể làm tăng huyết áp của một người và có thể là tin xấu cho người bị tăng huyết áp hoặc mắc bệnh tim, ông nói.

Bí quyết sống khỏe của người Nhật: Tập thể dục vào mùa đông - Ảnh 4.

Bạn chỉ nên tập luyện vào mùa đông khi đã có chiến lược bảo vệ cơ thể đúng cách, tránh không khí quá khô, tránh thời tiết băng giá, có khăn quấn để bảo vệ mũi, miệng và cổ.

Nhưng kết hợp lại, hầu hết các nghiên cứu cho thấy rằng việc tập thể dục trong điều kiện mát mẻ hoặc lạnh là tốt cho bạn. Điều đó không có nghĩa là bạn nên mặc quần đùi và áo phông để chạy ở ngoài trời khi nhiệt độ xuống dưới 10 độ.

Bạn chỉ nên tập luyện vào mùa đông khi đã có chiến lược bảo vệ cơ thể đúng cách, tránh không khí quá khô, tránh thời tiết băng giá, có khăn quấn để bảo vệ mũi, miệng và cổ.

Theo ZKnight

Cùng chuyên mục
XEM