Apple muốn dựa Trung Quốc, giảm phụ thuộc vào Samsung
Theo Bloomberg, Apple đang thảo luận với một công ty Trung Quốc để cung ứng màn hình thế hệ mới cho iPhone tương lai.
Màn hình iPhone là linh kiện quan trọng, chủ yếu do Samsung Electronics cung ứng. Theo hãng tin tài chính Bloomberg, Apple đã thử nghiệm màn hình AMOLED của BOE, một công ty Trung Quốc, trong vài tháng nhưng chưa quyết định có bổ sung cái tên này vào danh sách cung ứng hay không.
BOE là một trong các nhà sản xuất màn hình lớn nhất Trung Quốc, đang chi gần 100 tỷ nhân dân tệ (14,5 tỷ USD) để xây dựng hai nhà máy AMOLED tại Tứ Xuyên. Các cuộc thảo luận mới ở giai đoạn đầu và có thể BOE không cung ứng màn hình cho iPhone tiếp theo nhưng muốn “hái quả” từ năm 2018 trở đi.
Nếu BOE được lựa chọn, đây sẽ là nhà cung ứng màn hình đầu tiên cho Apple không thuộc Hàn Quốc hay Nhật Bản và cũng là chiến thắng dành cho công ty vốn nổi tiếng với màn hình tivi và máy tính. Apple đang khám phá các lựa chọn mới để giải quyết vấn đề thiếu hụt màn hình OLED toàn cầu trong bối cảnh chuẩn bị ứng dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng và sắc nét hơn cho iPhone, nhằm bắt kịp với các đối thủ như Samsung, Huawei.
Màn hình là một trong các linh kiện đắt đỏ nhất của một smartphone. Màn hình OLED rất khó sản xuất, khiến Apple phải “chịu ơn” các đối tác cung ứng số lượng lớn. 4 nhà sản xuất màn hình smartphone lớn nhất hiện nay - Samsung Display, LG Display, Sharp và Japan Display - được cho là không đủ năng lực để trang bị cho tất cả iPhone mới năm nay và tình hình có thể tiếp diễn đến năm 2018. Điều này đồng nghĩa Apple chỉ được dùng OLED cho một model duy nhất trong năm kỷ niệm iPhone 10 tuổi.
Được thành lập năm 1993, BOE là nhà sản xuất tấm nền LCD lớn nhất toàn cầu tính theo giá trị thị trường, theo số liệu của Bloomberg. BOE đang xây nhà máy AMOLED uốn dẻo 46,5 tỷ nhân dân tệ tại Thành Đô.
Dù đang tăng cường năng lực sản xuất, công ty vẫn bị lỡ iPhone tiếp theo. Nhà máy chưa thể làm ra màn hình cho đến mùa hè trong khi iPhone mới thường bán vào mùa thu. Khi đạt năng suất đầy đủ, BOE cho biết có thể chế tạo 48.000 tấm nền/tháng.
Một nhà máy khác tại Miên Dương có cùng năng lực và đầu tư được kỳ vọng bắt đầu sản xuất 2 năm sau đó. Công ty hiện chỉ có một nhà máy OLED nhỏ đang hoạt động tại Inner Mongolia. Sau cùng, khi cả hai nhà máy đều sẵn sàng, chúng có thể sản xuất được tổng cộng 1,6 triệu m2 tấm nền AMOLED uốn dẻo một năm.
Apple và Samsung đã ký thỏa thuận cung ứng OLED độc quyền cho năm 2017, theo nguồn tin của Bloomberg. Tuy vậy, nó không bảo đảm gã khổng lồ công nghệ Hàn Quốc có thể sản xuất đủ màn hình để đáp ứng nhu cầu iPhone, đặc biệt khi Samsung cũng cần chúng cho các thiết bị của mình. Một số nhà phân tích dự báo Apple có thể bán được 90 triệu iPhone chỉ trong ba tháng cuối năm nay.