Xiaomi không làm nồi cơm điện cho vui mà đó là cách họ đánh bại người Nhật Bản
Các tên tuổi của Nhật Bản không phải là đối thủ của Trung Quốc trên lĩnh vực smartphone, và giờ đây, họ cũng sẽ bị đánh bại trên mặt trận điện gia dụng.
Vài tuần sau khi ra mắt mẫu smartphone đầu bảng Mi 5, Xiaomi bất ngờ vén màn một sản phẩm khá đặc biệt: nồi cơm điện cao tần. Với giá thành vào khoảng 999 NDT (tức khoảng 3,4 triệu đồng), nồi cơm của Xiaomi rẻ hơn các loại nồi cao tần thông thường.
Nhưng những người hiểu rõ lịch sử của Xiaomi sẽ không mấy bất ngờ về bước đi này. Kể từ năm 2014, Xiaomi đã liên tục ra mắt các thiết bị gia dụng có kết nối Wi-Fi, ví dụ như "điều hòa thông minh" hoặc "máy lọc khí thông minh". Với sản phẩm nồi cơm điện, Xiaomi không chỉ mang tham vọng cải thiện bữa ăn cho người dân châu Á.
Mục tiêu của hãng smartphone đứng thứ 4 toàn cầu là giúp cho Trung Quốc trở thành một thế lực mới trên thị trường thiết bị điện tử người tiêu dùng chất lượng cao.
Mục tiêu này đã được CEO Lei Jun hé lộ khi tham gia cuộc họp cao cấp thường niên giữa cơ quan lập pháp Trung Quốc và các tổ chức cố vấn hàng đầu quốc gia vừa diễn ra vào tháng 3 vừa qua. Theo ông Jun, nồi cơm điện đang là biểu tượng của sự kém cỏi của ngành sản xuất tại Trung Quốc so với đối thủ Nhật Bản:
"Vào đầu năm ngoái đã có những thông tin cho biết nhiều người Trung Quốc đến Nhật Bản để mua nồi cơm điện và bệ toilet. Lúc đầu tôi nghĩ mọi người chỉ 'sính' đồ ngoại một cách vô lý. Nhưng sau đó tôi thử nghiên cứu nồi cơm điện Nhật và tôi nhận ra rằng chúng thực sự tốt. Khả năng chế tạo nồi cơm điện của người Nhật vượt xa Trung Quốc".
Xiaomi đã luôn tự đặt ra nhiệm vụ nâng cao vị thế của Trung Quốc với tư cách là một nhà sản xuất. Từ những ngày đầu tiên, Xiaomi xây dựng danh tiếng của mình tại nước nhà bằng cách xoáy sâu vào khả năng đánh bại các đối thủ lớn cả về doanh số lẫn chất lượng dù vẫn là một nhà sản xuất "Made in China" chính hiệu. Lei Jun đã nhiều lần bày tỏ tham vọng tạo ra một thương hiệu Trung Quốc được người tiêu dùng toàn cầu biết đến và yêu mến như Samsung và Sony. Xiaomi đã luôn khẳng định mục đích của mảng phần cứng là "thúc đẩy tầm cỡ của ngành sản xuất Trung Quốc với một khái niệm sản phẩm 'Made in China' hoàn toàn mới".
Nồi cơm điện của các hãng Nhật Bản luôn được người tiêu dùng Trung Quốc thèm muốn.
Bryan Ma, một nhà phân tích tại IDC khẳng định: "Nếu bạn nhìn vào các nhà sản xuất Trung Quốc một cách tổng thể, bạn sẽ thấy quan niệm phổ biến là họ có chất lượng kém cỏi. Do đó, khả năng chứng minh với thế giới rằng các sản phẩm của Xiaomi là rất tốt sẽ giúp đánh bại quan niệm đó".
Nồi cơm điện là một lĩnh vực hợp lý để bắt đầu. Theo số liệu của Euromonitor, vào năm 2015, người tiêu dùng Trung Quốc đã dành tới 1,6 tỷ USD để mua nồi cơm điện. Midea, một nhà sản xuất nội địa với thị phần 30% trên thị trường nồi cơm điện, cũng tham gia sản xuất các thiết bị gia dụng khác như máy giặt, tủ lạnh với trị giá thị trường lên tới 19,8 tỷ USD.
Nhưng người tiêu dùng Trung Quốc vẫn chú ý nhiều hơn tới các thương hiệu nước ngoài. Theo công ty nghiên cứu thị trường China Market Monitor, giá trang bị của một nồi cơm điện Trung Quốc bán trên mạng chỉ là 574 NDT (chưa tới 2 triệu đồng), trong khi nồi cơm điện nước ngoài bán ra có giá trang bị là 2.523 Tệ (khoảng 8,7 triệu đồng).
Thị phần của các thương hiệu nồi cơm điện tại Trung Quốc.
Cùng lúc, các công ty Nhật Bản vẫn làm chủ thị trường nồi cơm điện cao cấp. Các mẫu nồi cơm điện tân tiến từ Panasonic hay Mitsubishi có thể bán ra với giá gần 1.000 USD (khoảng 22 triệu đồng). Các mẫu nồi cơm điện này sở hữu những tính năng thú vị, ví dụ như "nồi sắt chế tạo thủ công" hay các tùy chọn thay đổi bề mặt hạt cơm theo ý muốn của người dùng. Người dùng Trung Quốc rất yêu thích các loại nồi này: doanh số nồi cơm điện nhập khẩu từ Nhật Bản sang Trung Quốc đã tăng 20 lần so với năm 2005.
Nhưng nếu Lei Jun thực hiện được mục tiêu của mình, người dân Trung Quốc sẽ chuyển sang sử dụng những chiếc nồi Trung Quốc có giá chỉ 150 USD.