#Why: Tại sao bạn làm việc như trâu nhưng mãi chưa được tăng lương, trong khi lương của sếp lại càng ngày càng cao?
Đừng tự hỏi tại sao lương mình mãi không tăng và rồi nhìn vào lương sếp mình một cách thèm thuồng nữa. Lý thuyết kinh tế này sẽ cho bạn biết câu trả lời.
Kinh tế học không chỉ bó hẹp trong giảng đường hay ngân hàng. Môn khoa học này tồn tại ở khắp mọi nơi và ảnh hưởng tới mọi thứ chúng ta làm hoặc nhìn thấy trên phim ảnh cũng như đời thực. Nó có thể giúp ta lý giải những "bí ẩn" lý thú trong cuộc sống như Vì sao ngăn mát tủ lạnh có đèn nhưng ngăn đá thì không hay,...
CafeBiz xin giới thiệu chuỗi bài #Why vào thứ 2-4-6 hàng tuần để giúp bạn thấy kinh tế học không khô khan như bạn nghĩ. Nội dung bài viết được truyền cảm hứng từ cuốn sách "Nhà tự nhiên kinh tế" của tác giả Robert H. Frank.
Đã đi làm thì ai mà chẳng muốn được tăng lương ?
Chắc hẳn bạn đã bao nhiều lần nhìn vào sếp mình, với mức lương nhiều hơn bạn phải đến vài con số nếu viết ra, và mong muốn một ngày lương của mình sẽ có lúc được “thăng” đến mức đó. Thế nhưng, có vẻ như đó ngày đó đang ngày càng xa vời khi lương sếp cứ ngày một cao, sếp cứ ngày một giàu mà chuyện lương bạn tăng vẫn chẳng thấy đâu.
Đó không còn là điều “có vẻ” nữa. Trong thực tế, các con số thông kê rằng đều chỉ ra rằng trong nhiều thập niên trở lại đây, mức tăng thu nhập đã hầu như không đổi ở mức dưới 3%/năm. Tuy nhiên vấn đề ở đây là, đa số phần tăng của thu nhập kia hầu như đều đã vào túi của những người đứng ở nấc trên cùng của thang thu nhập, mà sếp bạn là ví dụ điển hình.
Vì thế, dù mức lương trung bình hiện nay tương đương với mức lương năm 1975 xét trong tương quan về sức mua, nhưng số tiền kiếm được của 1% người có thu nhập cao nhất thì đã cao gấp 3 lần ngày trước. Nói cách khác, những người lương càng cao thì mức tăng thu nhập càng lớn.
Ví dụ như hiện nay giám đốc các tập đoàn lớn nhất của Mỹ có thu nhập cao gấp 500 lần so với thu nhập của những người lao động bình thường.
Hãy so sánh mức tăng lương của các CEOs (đường màu tím) và của các công nhân (đường màu xanh lá) qua thời gian để thấy sự khác biệt
Cũng tại Mỹ, còn nhớ, ngay trong năm khủng hoảng 2009, CEO từ những công ty hàng đầu nước Mỹ vẫn nhận mức lương tăng tới 54,3%, trong khi lương của người lao động gần như vẫn chỉ đi ngang.
Một thống kê khác, kể từ hồi cuối những năm của Tổng thống Jimmy Carter (1979 - 1980), tất cả những chỉ số cơ bản của xứ Cờ hoa đều đã tăng mạnh, duy chỉ có mức lương của người lao động là vẫn ì ạch: chỉ số S&P 500 của Mỹ tăng 503,4%, lương các vị CEO tăng 997,2%, nhưng lương người lao động chỉ tăng 10,9%.
Còn tại Anh, lương cấp quản lý tăng 92% trong vòng hơn 9 năm qua, nhưng lương trung bình của công nhân chỉ tăng vừa đủ bù mức lạm phát.
Như vậy, tại sao lại có tình trạng này ?
Trong số rất nhiều yếu tố tác động, một nguyên nhân quan trọng là việc tăng tốc độ thay đổi công nghệ đã làm tăng ảnh hưởng của những cá nhân xuất sắc nhất, mà sếp bạn chính là ví dụ.
Chính công nghệ thông tin hiện đại cùng với chi phí vận chuyện giảm và hàng rào thuế quan hạ thấp đã mở rộng quy mô thị trường cho các doanh nghiệp. Ngày trước, một công ty sản xuất lốp xe chỉ cần trở thành nhà sản xuất tốt nhất nước là đã có thể tồn tại, nhưng ngày nay, công ty đó phải cạnh tranh với hàng loạt đối thủ mạnh khác trên toàn thế giới.
Tất nhiên, ảnh hưởng và sự cạnh tranh cao hơn nói trên tất nhiên không phải là lý do duy nhất lý giải sự gia tăng trong thu nhập của lãnh đạo.
Lý do thật sự nằm ở, với bối cảnh cạnh tranh như vậy, vai trò của các vị lãnh đạo đối với mỗi doanh nghiệp sẽ ngày càng tăng lên, quyết định của các cấp này sẽ đóng vai trò quan trọng hơn đối với lợi nhuận ròng của công ty, nhất là so với chỉ một nhân viên bình thường như bạn. Vì thế, đơn giản là lương họ sẽ cao hơn.
Nếu như vẫn chưa hiểu rõ thì hãy nhìn vào lý thuyết kinh tế dưới đây mang tên Lý thuyết về sự bù đắp những khác biệt về lương (Theory of compensating wage diferentials), đã được Adam Smith đề cập đến lần đầu tiên trong tác phẩm Sự phồn thịnh của các quốc gia.
Cụ thể, theo lý thuyết này, trên thị trường hàng hóa, giá một sản phẩm phụ thuộc vào thuộc tính của sản phẩm đó. Ví dụ như tivi có độ nét cao có giá trị cao hơn tivi thông thường.
Trên thị trường lao động, tình hình cũng tương tự: mức lương của một công việc nào đó phụ thuộc vào tính chất công việc: Tính chất công việc càng phức tạp, càng có tính đóng góp cao thì mức lương càng cao. Có lẽ đến đây mọi thứ đã rõ ràng: hãy tự hỏi xem công việc của bạn và sếp bạn, thứ nào có tính phức tạp cao hơn ?
Nói thêm về lý thuyết kinh tế trên thì có thể nói nó đã trở nên đặc biệt hữu dụng trong việc lý giải vì sao trong trường hợp các yếu tố khác là tương đương, những công việc nguy hiểm, khó khăn hơn hoặc có điều kiện làm việc kém hơn (như chỗ làm tồi tệ, hôi hám) lại có mức lương cao hơn.
Ví dụ như những người thợ điện, phi công máy bay hay thợ gài bom thường được đãi ngộ thoải mái; trong khi đó, những bạn sinh viên mới ra trường, làm những công việc đơn giản như nhập dữ liệu, gọi điện cho khách hàng…lại có mức lương thấp.