Đến bao giờ thì người Việt có thu nhập 2000 USD/tháng

07/02/2017 19:54 PM | Kinh tế vĩ mô

Báo cáo mới đây của PwC chỉ rõ thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam sẽ tiệm cận 2000 USD/tháng vào năm 2045 và vượt mức này vào năm 2050

Mới đây, công ty PwC (PricewaterhouseCoopers) đã vừa công bố kết quả nghiên cứu “Thế giới năm 2050” mang tên “The long view: how will the global economic order change by 2050” (tạm dịch: “Trật tự thế giới toàn cầu sẽ thay đổi ra sao đến năm 2050?”. Theo đó, báo cáo này đã đưa ra nhiều dự báo về tình hình kinh tế của 32 nền kinh tế lớn nhất chiếm tổng cộng 85% GDP toàn thế giới. Một điều đặc biệt, báo cáo này đã nhắc đến Việt Nam như là một trong những điểm sáng trong các nền kinh tế được nói đến.

Cụ thể, ngay đầu báo cáo, Pwc khẳng định rằng “Việt Nam có thể là nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất từ nay đến năm 2050 và sẽ đứng thứ 20 về GDP năm 2050”. Về mặt số liệu, từ năm 2016 đến năm 2050, PwC dự đoán kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng với tốc độ trung bình 5,1%, cao hơn 2 nước xếp nhì là Philippines và Nigeria.

Ấn tượng, hơn khi nhắc đến GDP bình quân trên đầu người, PwC đã đưa ra những dự đoán rất tốt cho thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam, với mức tăng trưởng hàng năm lần lượt là 5,2% trong giai đoạn 2016 – 2020, tăng 4,9% trong giai đoạn 2021 – 2030, tăng 4,5% 2031 – 2040 và tăng 4,5% trong giai đoạn 2041 – 2050.

Đến bao giờ thì người Việt có thu nhập 2000 USD/tháng  - Ảnh 1.

Với mức tăng đầu ấn tượng này, PwC đã đưa ra dự đoán cho mức thu nhập bình quân đầu người theo số tuyệt đối. Chia theo mỗi tháng thì đến năm 2045, mỗi người Việt sẽ kiếm được xấp xỉ 2000 USD/tháng, đến năm 2050 thì thu nhập mỗi người đã lên đến 2350 USD/tháng. Như vậy, có thể nói giấc mơ lương 2000 USD/tháng không chỉ cho sinh viên mới ra trường mà là cho một người lao động bình thường trong xã hội có lẽ sẽ không còn xa vời nữa.

Ngoài ra, công ty kiểm toán hàng đầu thế giới còn dự đoán đến năm 2050, Việt Nam sẽ có GDP (tính theo PPP) là 3,2 nghìn tỷ USD, dân số đạt đến 112,8 triệu người. Với thế và lực này, PwC đưa ra dự đoán rằng chúng ta sẽ là một nền kinh tế vượt Canada, Italy và lọt vào top 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Nói về diễn biến trên thế giới, các chuyên gia của PwC nhận định cán cân quyền lực kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục xu hướng dịch chuyển từ các nền kinh tế phát triển sang các nền kinh tế mới nổi từ nay đến năm 2050.

“Các thị trường mới nổi sẽ chiếm tỷ trọng lớn hơn trong GDP toàn cầu về dài hạn mặc dù một số đang trong tình trạng khó khăn thời gian gần đây”, PwC cho biết.

Theo đó, quy mô kinh tế toàn cầu có thể tăng gấp 2 vào năm 2042 và mức tăng trưởng thực tế hàng năm khoảng 2,5% (giai đoạn 2016 – 2050). Các thị trường mới nổi và đang phát triển sẽ là động lực chính của sự tăng trưởng này.

Cụ thể, các nước trong nhóm E7, gồm Brazil, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Mexico, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tăng trưởng trung bình 3,5% trong 34 năm tới, cao hơn mức 1,6% của nhóm G7 (gồm Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Vương quốc Anh và Mỹ).

“Chúng ta sẽ tiếp tục chứng kiến sự chuyển dịch quyền lực kinh tế từ các nước đã phát triển sang các nền kinh tế mới nổi tại châu Á và các khu vực khác. Nhóm E7 có thể chiếm gần 50% GDP toàn cầu vào năm 2050, trong khi tỷ trọng của các nước G7 sẽ giảm xuống chỉ còn hơn 20%”, ông John Hawksworth, Chuyên gia kinh tế trưởng của PwC kiêm đồng tác giả của báo cáo nhận định.

Vượng Lê

Cùng chuyên mục
XEM