[Chuyện nghề] Nhọc nhằn nghề hướng dẫn viên du lịch cho Tây
Hướng dẫn viên du lịch được trả thù lao không khác phương thức của nghề massage: Lương bèo bọt và chỉ sống nhờ tiền Tip. Nhưng, không phải cứ làm việc với Tây là nhàn hạ và nhiều tiền như nhiều người vẫn tưởng.
Nội dung nổi bật:
- Thu nhập cao, được đi du lịch suốt ngày, gặp nhiều bạn bè thú vị khắp năm châu... là những gì người ta nói về công việc của tôi. Thực tế, tụi tôi thường đùa với nhau rằng công việc của tụi tôi không khác gì gái gọi và thù lao thì giống gái Massage: Sống bằng Tip chứ không sống nổi bằng lương
- Agoda là một chiêu rất hiểm mà nhiều Tourist không cần biết đúng – sai cứ đưa ra với Guide (Hướng dẫn viên). Agoda.com là một trang chuyên review về khách sạn, tour, du thuyền... uy tín. Công ty tôi thậm chí còn căn cứ vào review tích cực, tiêu cực trên Agoda để cân nhắc thưởng, phạt Guide phụ trách tour được nhắc đến trong review
- Dù có quan tâm đến tiền Tip, quan hệ giữa các Guide và Tourist (khách du lịch) không đơn thuần là vấn đề tiền bạc. Nó như một trải nghiệm mới, về con người mới, đất nước mới, những vấn đề xã hội ở nhiều nơi trên thế giới. Và đã có lúc, tưởng chừng như tôi là Tourist chứ không phải Guide.
Tôi đã làm nhiều nghề: Hành chính, biên dịch, phiên dịch, trợ lý... Và hướng dẫn viên du lịch là nghề đòi hỏi nhiều nhất, rộng nhất và sâu nhất về cả kiến thức, năng lực chuyên môn, phẩm chất lẫn khả năng ứng xử, giao tiếp, sự dẻo dai và tâm lý ổn định.
Trong nghề hướng dẫn viên du lịch, thì công việc hướng dẫn viên du lịch cho khách Tây của tôi được cho là thuộc hàng “sang chảnh” nhì, tuy không bằng hướng dẫn viên du lịch các tour nước ngoài, nhưng ít ra thì cũng sướng hơn hướng dẫn viên du lịch cho khách nội, hoặc nhọc nhằn hơn nữa là hướng dẫn viên du lịch cho trẻ em, học sinh, sinh viên của các trường. Và ít ra, cũng phần nào tương xứng với bằng Giỏi của một trường chuyên ngoại ngữ của tôi.
“Hi everyone, my name is Tank. Yes, it’s Tank, but I’m not dangerous!”
(Chào mọi người, tôi là Tank (tôi chọn một cái tên thú vị gần giống tên mình). Vâng, là Xe tăng, nhưng tôi không nguy hiểm)
Tôi thường bắt đầu cuộc trò chuyện với các khách của mình như vậy. Ấn tượng bao đầu rất quan trọng. Và thực ra ấn tượng trong suốt chuyến đi cũng quan trọng không kém. Nó sẽ là yếu tố chủ đạo giúp cho tiền Tip (tiền bo) sau mỗi cuộc đi tour của tôi ít hay nhiều.
Thuộc phân khúc “sang chảnh”, nhưng hướng dẫn viên du lịch cho Tây cũng không "sang chảnh" là mấy: Lương bèo bọt và chỉ sống nhờ tiền Tip. Sau 2 tháng thử việc không lương, lương của một lính mới như tôi là 150.000 đồng/ngày đi tour. Vâng, tính theo ngày đi tour, vì không phải ngày nào cũng có tour, nhất là vào những mùa thấp điểm. Và theo ngày tour, 1 tháng có chừng 10 – 11 ngày.
Ngày làm 16 tiếng, đêm được bo... 20.000 đồng
Tôi rời nhà từ lúc 6h sáng, để kịp đến công ty nhận tour, và phân xe, tài xế. Sau đó là những chuyến lòng vòng quanh khu phố cổ đón khách. Có một khu phố mà chúng tôi thường nhấp nhổm mỗi lần đón khách (tôi không tiện nêu tên). Khách ở đó thường là “khách cỏ” – những vị khách là sinh viên nước ngoài, hoặc những người nghỉ việc lấy trợ cấp thất nghiệp rồi sang Việt Nam du lịch.
Tùy địa điểm tour gần như City Tour (tour vòng quanh Hà Nội), Ninh Bình, chùa Hương hay xa như Hạ Long, mà tôi sẽ về được đến Hà Nội lúc 7h, 9h hoặc 10h tối. Chúng tôi phải đảm bảo luôn phục vụ khách thường trực từ A-Z, từ lúc lên xe bắt đầu tour đến lúc kết thúc hành trình. Cuối hành trình, khách, tùy vào độ “duyên”, nhiệt tình của Guide, mà bo 2 – 5 USD. Có lần, cả tôi và tài xế được bo 20.000 đồng.
Cũng có lần, khách toàn “khách đẹp” – các khách da trắng châu Âu hoặc khách Hàn, Singapore…, cả ngày đi tour đều rất hài lòng, nhưng vì 1 em bé khóc ròng rã và quấy phá vì mệt trong những phút cuối về Hà Nội mà cả tôi và anh tài xế đều không được nhận 1 đồng. Tôi nhìn anh tài xế chua chát khi nghĩ đến vợ và con ở nhà mong ngóng tiền bo.
Thu nhập quy lương của chúng tôi rất thấp, chỉ ở mức 1,5 – 2 triệu đồng/tháng, nên khoản thu nhập chính gia đình tôi trông chờ là ở tiền Tip và tiền “chung chia” (khoản trích % từ các tiệm ăn và các shop dọc đường).
Những tình bạn gắn bó
Dù có quan tâm đến tiền Tip, quan hệ giữa các Guide chúng tôi và các khách tour (Tourist) không đơn thuần là vấn đề tiền bạc. Nó như một trải nghiệm mới, về con người mới, đất nước mới, những vấn đề xã hội ở nhiều nơi trên thế giới. Và có những lúc, tưởng chừng như tôi là Tourist chứ không phải Guide.
Nhưng, không phải tour nào cũng suôn sẻ. Thách thức lớn nhất của Guide là xử lý sự cố với khách hàng.
Thường khi đặt tour, các khoản phí sẽ bao gồm cả chi phí ăn trưa, chia làm suất người lớn và suất trẻ em (bằng 1/2 suất người lớn). Có bận, một gia đình Ấn Độ gồm hai vợ chồng, người vợ đang mang thai và 2 đứa con nhỏ đi tour. Nhưng để tiết kiệm, họ chỉ order (đặt trước) 2 suất người lớn và 1 suất trẻ em. Hai đứa nhỏ ăn rất khỏe. Và chừng ấy thức ăn là không đủ.
Sau khi nằng nặc đòi quyền lợi với những lập luận “chúng tôi không cần biết”, “ăn uống là nhu cầu tối thiểu’”… họ được thêm 2 suất ăn. Tất nhiên, chi phí cho 2 suất ăn đó trừ vào tiền của Guide vì “không đưa ra lời giải thích thỏa đáng” như lời họ nói, kèm theo lời đe dọa sẽ đưa chuyện thiếu thức ăn lên Agoda.com (một trang chuyên về review khách sạn, du thuyền, tour du lịch...).
Tiền, dù rất quan trọng, nhưng khi để giải quyết một tranh chấp thì không có ý nghĩa nhiều. Agoda là một trang rất quan trọng với công ty tôi, tới mức có riêng một chế độ thưởng, phạt khi có review tích cực, hoặc tiêu cực trên trang này.
Dù đã được đào tạo về xử lý xung đột với khách hàng, tôi vẫn choáng với lời đe dọa này. Lúc đó, 2 vị khách tốt bụng khác đã vỗ vai tôi trấn an: “Mày yên tâm, tao đã chứng kiến toàn bộ vụ việc và sẽ review tốt về tour trên Agoda. Nếu gia đình kia có đưa review tiêu cực, tụi tao cũng sẽ nói giúp trên đó”. Rất may, review tiêu cực kia tôi không thấy, còn 2 vị khách tốt bụng vẫn review rất tốt về tour trên Agoda. Đến giờ, chúng tôi vẫn giữ liên lạc với nhau.
Agoda là một chiêu rất hiểm mà nhiều Tourist không cần biết đúng – sai cứ đưa ra với Guide. Có bận đi tour Chùa Hương, dù đã khuyên khách hàng – là một nữ du khách – rằng đường trơn, chị nên cân nhắc đi cáp treo thay vì đi bộ, khách hàng đã bỏ ngoài tai và kiên quyết đi bộ. Đến khi mệt rã, nữ du khách ấy đã quay sang đổ lỗi cho Guide vì không ngăn cản khách quyết liệt, và review về việc Guide không nhiệt tình với khách cũng đã đến công ty. Còn review ấy có được post lên Agoda như lời dọa của du khách đó hay không, tôi không kiểm tra nữa.
Bon chen nghề nghiệp
Đừng nghĩ là Guide một mình một tour thì không có bon chen. Cái bon chen lớn nhất là về thu nhập. Mà như đã nói ở trên, thu nhập của Guide phụ thuộc phần lớn vào tiền Tip và tiền “chung chia”. Do đó, Hạ Long trở thành môt tour “béo bở” khi số lượng khách du lịch thường đông, khách “sộp” hơn, và mua sắm nhiều hơn các điểm khác. Có những bận cao điểm, thu nhập từ tour này của tôi trung bình là hơn 2 triệu đồng/1 ngày tour.
Nhưng Guide thì lại không thể chọn tour. Chọn tour là công việc của người điều tour. Chỉ cần Guide không có quan hệ tốt với người điều tour thì công việc của Guide đó chỉ có thể gọi là “bi kịch”.
Tôi đã rơi vào “bi kịch” đó. Và không còn muốn trụ lại trong mùa du lịch thấp điểm.
Bài viết được ghi lại theo lời kể của Thanh Nguyễn - từng là hướng dẫn viên du lịch nước ngoài các tour nội địa của một công ty du lịch gần khu phố cổ Hà Nội.
>> [Chuyện nghề] Chàng trai Việt nặn sushi giữa lòng Tokyo
Bảo Bảo (ghi)