Vì sao người Nhật luôn làm điều này với điện thoại di động của mình khi đi tàu điện ngầm?
Dường như tiếng chuông điện thoại di động hoàn toàn biến mất khi người Nhật bước chân lên tàu điện ngầm.
Nếu bạn đã 1 lần trải nghiệm trên chuyến tàu điện ngầm ở Nhật Bản, hẳn bạn sẽ ngạc nhiên khi nhận thấy tiếng chuông điện thoại di động và những cuộc nói chuyện điện thoại dường như là 1 vật vô hình nơi đây.
Bởi lẽ hầu như mọi người khi bước chân lên tàu điện ngầm hay phương tiện công cộng đều tắt chuông, thậm chí tắt nguồn... điện thoại. Trong trường hợp có cuộc gọi quan trọng thì họ sẽ miễn cưỡng bắt máy nhưng trò chuyện cực nhỏ, và chỉ vài câu rồi tắt ngay với vẻ ngượng ngùng, xấu hổ.
Vì sao vậy?
Đó là bởi, người Nhật luôn tôn trọng quyền riêng tư cá nhân. Bạn biết đấy, những chuyến tàu điện ở Tokyo luôn kín người, đặc biệt ở giờ cao điểm thì trong trạng thái tắc nghẽn.
Việc bạn được nhân viên nhà ga "chèn", cố nhồi nhét lên tàu rồi đóng cửa lại là hết sức bình thường.
Việc bạn phải chịu đau chút xíu để được "nhồi" lên tàu là chuyện thường như cơm bữa.
Trong không gian chật chội như vậy, việc bạn rút điện thoại lên và nghe sẽ ảnh hưởng khá lớn đến những người xung quanh.
Không chỉ vậy, vì quá bận rộn nên nhiều người Nhật Bản thường tranh thủ đọc sách hay chợp mắt khi đi tàu điện ngầm. Bạn sẽ bị cho là gây mất trật tự công cộng và khiến người xung quanh cảm thấy khó chịu nếu cứ để tiếng chuông điện thoại hoặc nói chuyện oang oang đó.
Và nếu là 1 cuộc gọi điện thoại tranh cãi thì rất có thể bạn sẽ bị mời xuống ngay ở ga kế tiếp.
Rất nhiều người Nhật tranh thủ ngủ hay đọc sách trên tàu, việc bạn nói chuyện điện thoại oang oang sẽ gây ảnh hưởng đến người xung quanh.
Người Nhật không chỉ tôn trọng quyền riêng tư mà còn rất kỷ luật nữa. Trên tất cả các khoang tàu đều dán tấm biển yêu cầu hành khách tắt chuông, tắt nguồn điện thoại và họ chỉ cần tuân thủ quy tắc này mà thôi.
Nhưng có lẽ hơn tất cả, trong không gian nhỏ hẹp như vậy, mặc dù hành khách đều không quen nhau nhưng bạn không muốn cuộc trò chuyện riêng tư của mình lọt vào tai người bên cạnh, phải không?