Công bố giá bán Galaxy S8 chậm hơn FPT Shop nửa ngày, TGDĐ ngay lập tức đã phải trả giá đắt

31/03/2017 15:13 PM | Công nghệ

TGDĐ hiện nắm giữ trên 40% thị phần bán lẻ di động tính theo doanh thu, trong khi FPT Shop chỉ giữ khoảng 15%. Vì vậy, việc số đơn hàng của những chiếc flagship như S8 chỉ ngang ngửa FPT Shop, và thậm chí cũng không hơn Viễn thông A là tín hiệu đáng báo động của TGDĐ.

Ngày 29/3 vừa qua, dòng điện thoại đời mới nhất của Samsung là Galaxy S8 và S8+ đã chính thức được giới thiệu trên toàn cầu.

Không chỉ người dùng phấn khích, mà cả các nhà bán lẻ cũng phải gấp rút chuẩn bị cho đợt tăng doanh số bán tốt nhất năm 2017.

Minh chứng là chỉ vài giờ sau khi sự kiện ra mắt Galaxy S8 kết thúc, các ông lớn tại Việt Nam như TGDĐ, FPT Shop, Viettel Store hay Viễn Thông A đều đồng loạt tung ra chương trình đặt hàng trước.

Nhưng duy chỉ có FPT Shop là đưa ra được giá bán cụ thể cho Galaxy S8 ngay trong đêm 29/3, cùng những hình ảnh minh họa chính xác nhất.

Còn như TGDĐ - nhà bán lẻ di động số 1 Việt Nam, thì phải tới 11 giờ trưa hôm sau (30/3) mới có thông tin chi tiết, nhưng hình ảnh minh họa cũng không chính xác.

Và chính việc thiếu quan tâm tới người tiêu dùng đó - đã ngay lập tức tác động nặng nề tới doanh số mở bán chiếc S8 của TGDĐ.

Cụ thể, theo số lượng đơn đặt hàng được công bố, tới 22h30 ngày 30/3, nghĩa là tròn 24 giờ sau khi S8 chính thức ra mắt, số lượng đặt mua tại TGDĐ chỉ là 1463 chiếc, chỉ hơn FPT Shop đúng 30 chiếc.

Dù vẫn đứng đầu, nhưng con số công bố này cho thấy chuỗi bán lẻ đang rất có "vấn đề". Nếu nhìn vào bảng thống kê, dễ thấy số lượng đơn đặt hàng Samsung S8 tại TGDĐ, FPT Shop và Viễn thông A không có sự chênh lệch nhiều.

Điều này tương tự như sự kiện ra mắt Galaxy S7 hồi năm ngoái, khi FPT Shop đã nhanh chóng vượt mặt TGDĐ về lượng đơn đặt hàng trước.

Nên nhớ, TGDĐ hiện nắm giữ trên 40% thị phần bán lẻ di động tính theo doanh thu, trong khi FPT Shop chỉ giữ khoảng 15%. Vì vậy, việc số đơn hàng của những chiếc flagship như S8 chỉ ngang ngửa FPT Shop, và thậm chí cũng không hơn Viễn thông A là tín hiệu rất đáng báo động của TGDĐ.

Bên cạnh đó, điều này cũng chỉ ra một thực tế, khoảng cách giữa ông lớn số 1 và số 2 trong ngành bán lẻ di động tại Việt Nam đang ngày một thu hẹp lại. Với tính năng đặt hàng trước, TGDĐ không cho thấy điểm gì nổi trội so với đối thủ, nếu không muốn nói là thiếu sự chu đáo hơn.

Vì nhìn vào định hướng phát triển chuỗi bán lẻ di động của TGDĐ lẫn FPT Shop, người ta đều sẽ nhìn thấy một điểm chung trong năm 2017 này, đó là cả 2 đều không nhấn mạnh việc ngừng phát triển số lượng điểm bán, mà thay vào đó là hệ thống quản trị, tối ưu doanh số từng điểm.

Nói theo cách khác, FPT Shop lẫn TGDĐ đều định hướng năm nay sẽ phát triển chất lượng, làm sao đáp ứng nhu cầu khách hàng tốt nhất. Mặc dù vậy, sự kiện ra mắt chiếc flagship đầu tiên của năm 2017 cho thấy FPT Shop đang tỏ ra là người tập trung hơn.

Còn nhớ, từng trả lời câu hỏi: "Đi sau đối thủ tới 5 năm, và để đối thủ vươn lên vị trí số 1, chị có thấy tiếc không?", bà Nguyễn Bạch Điệp - TGĐ FPT Retail cũng đưa ra cái nhìn rất lạc quan:

"Đúng là FPT Retail đã đi sau rất xa so với các thương hiệu hàng đầu hiện nay và bất lợi về thời gian rất lớn, nhưng người đi sau lại có thuận lợi là học được cái hay của người đi trước, trả giá ít hơn, đỡ rủi ro hơn, và việc này cũng không quá tệ".

Đứng thứ 2, FPT Shop vẫn rất lạc quan. Vậy phải chăng TGDĐ sau khi nhận thấy thị trường bán lẻ di động sắp bão hòa, DN này lại mải mê tìm kiếm những vùng đất mới, như Điện máy Xanh, và bỏ bê trận địa cũ?

Chu Lang

Cùng chuyên mục
XEM