Vì sao người dân Nhật được tặng tới 3 kg thịt bò thượng hạng nếu chịu... nộp thuế?

10/01/2017 13:57 PM | Xã hội

Ở những nước khác, việc thu thuế là nghĩa vụ của mỗi công dân và việc truy thu thuế trở thành chuyện bình thường. Tuy nhiên ở Nhật Bản, thu thuế đã trở thành một thị trường cạnh tranh khốc liệt giữa các chi cục thuế với hàng loạt quà tặng, quà khuyến mãi, vé xem phim hay phiếu giảm giá.

Nhật Bản vốn nổi tiếng là một quốc gia khá đắt đỏ, tuy nhiên bạn lại có thể nhận được những thùng bia hay những cân thịt bò miễn phí nếu chịu đóng thuế đầy đủ.

Nghe có vẻ phi lý nhưng nếu bạn chấp nhận chuyển tối thiểu 30.000 Yên (260 USD) tiền đóng thuế của mình cho chi cục thuế thị trấn Yamanouchi thuộc tỉnh Nagano, họ sẽ gửi 1 thùng 24 chai bia cho bạn như một lời cảm ơn.

Tương tự, nếu bạn nộp ít nhất 50.000 Yên tiền thuế phải đóng cho chi cục thuế Miyakonojo thuộc tỉnh Miyazaki thì bạn sẽ nhận được 3kg thịt bò thượng hạng.

Vậy tại sao người dân có nghĩa vụ đóng thuế tại Nhật lại được hưởng “khuyến mãi” hậu hĩnh như vậy? Phải chăng do họ lười đóng thuế quá?

Vì sao người dân Nhật được tặng tới 3 kg thịt bò thượng hạng nếu chịu... nộp thuế? - Ảnh 1.

Thị trường cạnh tranh... thu thuế

Trên thực tế, hệ thống đóng thuế địa phương Furusato Nozei (Hometown Tax) được xây dựng từ năm 2008 này tại Nhật Bản là nhằm chống lại hiện tượng suy giảm tiền thuế tại các khu vực nông thôn, nơi số người già ngày một tăng còn lượng người lao động đóng thuế ngày một giảm.

Nhờ hệ thống này, một công dân Nhật tại Tokyo có thể đóng thuế tại các chi cục thuế vùng nông thôn khác, qua đó góp phần cải thiện thu nhập của những vùng đang gặp khó khăn này. Để bù lại, các địa phương có thể trích một phần thuế mua quà tặng lại những công dân này. Hơn nữa, hệ thống này cũng áp dụng cho tất cả những người nước ngoài làm việc và đóng thuế ở Nhật Bản.

Hiện hầu như tất cả 1.800 chi cục thuế tại Nhật Bản đều áp dụng hình thức tặng quà này để thu hút người dân đóng thuế cho họ.

Dẫu vậy, điều thú vị là sự phát triển của hệ thống thuế Nozei không xuất phát từ lòng vị tha hay thương hại, bởi văn hóa Nhật Bản rất trọng danh dự và ghét sự cảm thông. Trên thực tế, hệ thống này trở nên phổ biến là nhờ chính sách gửi các món quà đặc sản của địa phương thay lời cảm ơn cho những công dân đóng thuế.

Kết quả là những vùng có nhiều đặc sản nổi tiếng lại nhận được nhiều tiền đóng thuế hơn từ các vùng khác nhau trên cả nước, ví dụ như vùng Hokkaido nổi tiếng với thủy sản hay các nông sản khác là nơi nhận được nhiều tiền đóng thuế nhất kể từ khi chương trình Nozei được thành lập.

Trong khi đó, thủ đô Tokyo lại là thành phố chịu nhiều thiệt hại nhất khi không có mấy quà tặng. Trong năm 2016, thủ đô Tokyo đã mất khoảng 26,16 tỷ Yên tiền thuế (250 triệu USD) do hệ thống Nozei. Một số phường như Suginami thậm chí đã mất tới 730 triệu Yên (7 triệu USD), tương đương 1% thu ngân sách vì Nozei.

Vì sao người dân Nhật được tặng tới 3 kg thịt bò thượng hạng nếu chịu... nộp thuế? - Ảnh 2.

Những vùng đông dân cư như Tokyo chịu thiệt hại trong khi các vùng nông thôn lại được lợi nhờ hệ thống thuế Nozei.

Trong khi đó, các quan chức tại phường Setagaya thuộc Tokyo cho biết hệ thống thuế Nozei mới đã khiến họ mất khoảng 1,6 tỷ Yên (14 triệu USD) trong năm tài khóa tính đến tháng 3/2016, tương đương với lượng ngân sách đủ để xây 5 trường mẫu giáo mới.

Phường Setagaya với khoảng 900.000 cư dân là một trong những khu vực có dịch vụ chăm sóc trẻ em tệ nhất trên cả nước và nhiều chuyên gia dự đoán khu vực này sẽ tiếp tục thất thu về thuế trong tương lai với hệ thống thuế Nozei.

Hiện phường Setagaya đang gặp khó khăn khi họ chỉ có những món quà đơn giản như vé tham quan bảo tàng gửi tặng lại những công dân đóng thuế, hậu quả là họ chỉ thu được khoảng 15,8 triệu Yên trong năm tài khóa vừa qua.

Trái ngược lại, vùng Miyahonojo chỉ với chưa đến 164.000 người đã thu hút được 4,2 tỷ Yên tiền thuế trong năm tài khóa trước, đứng hàng top những khu vực thu nhiều thuế nhất ở Nhật Bản. Nguyên nhân chính là vùng này có rất nhiều quà tặng lại công dân đóng thuế như thịt bò, thịt lợn, thịt gà hay rượu sochu.

Hiện khoảng 90% số tiền thuế thu được của Miyakonojo đến từ những công dân ở vùng khác.

Một ví dụ nổi bật khác là thành phố Tendo của tỉnh Yamagata khi lượng thuế đóng đã tăng 1.000 lần sau khi khu vực này có các sản phẩm quà tặng như dâu tây, đào, thịt bò hay rượu sake cho các công dân chuyển khoản thuế theo hệ thống Nozei.

Trước tình hình này, nhiều phường của Tokyo và những thành phố đông dân cư khác bắt đầu gia tăng danh sách quà tặng cho người đóng thuế nhằm cạnh tranh với các chi cục thuế nông thôn. Hàng loạt những món quà độc đáo như thẻ khuyến mãi cho các quán ăn đường phố, tuyển tập thiệp ảnh về danh lam thắng cảnh, vé xem phim... đã được tung ra.

Có một sự thật thú vị là hệ thống thuế Nozei ban đầu được thiết kế để những người đóng thuế cho các địa phương được hoàn một phần thuế như để kích thích chương trình này, còn việc tặng quà chỉ là hành động tự phát, khuyến mãi thêm của một số vùng. Tùy theo số tiền đóng thuế và thu nhập mà những người nộp thuế được hoàn 10-20%, còn phần quà tặng thì vô cùng đơn giản, thậm chí chỉ là những bức thư cảm ơn.

Tuy nhiên theo thời gian, việc tặng quà cho những người đóng thuế đã dần thay thế lựa chọn hoàn một phần thuế và trở thành xu thế mới ở Nhật Bản.

Vì sao người dân Nhật được tặng tới 3 kg thịt bò thượng hạng nếu chịu... nộp thuế? - Ảnh 3.

Tổng số tiền thuế ròng tại một số chi cục thuế (tỷ Yên) trong năm 2015.

Cạnh tranh không lành mạnh?

Mặc dù hệ thống thuế Nozei khiến nhiều cùng nông thôn của Nhật Bản thu được nhiều thuế hơn, nhưng nhiều chuyên gia chỉ trích hệ thống này đang gây ra nhiều tác dụng phụ. Cụ thể, khoảng 70% tiền thuế từ hệ thống Nozei đang được dùng để trợ cấp cho chương trình mua quà tặng, qua đó đóng góp rất ít cho sự phát triển chung của toàn vùng.

Dẫu vậy, những quan chức khu vực nông thôn cho rằng chính hệ thống này sẽ kích thích việc làm và kinh tế trong vùng, qua đó gián tiếp phát triển những dịch vụ và xây dựng các cơ sở hạ tầng khác. Theo các quan chức này, hệ thống này hiệu quả hơn rất nhiều so với việc thu thuế tự động và đầu tư một cách quan liêu vào những công trình vô bổ.

Sự cạnh tranh ngày một gay gắt giữa các vùng miền để thu hút công dân đóng thuế đã khiến Bộ Nội vụ Nhật ngày một lo lắng. Theo đó, Bộ trưởng Sanae Takaichi đã phải nhấn mạnh rằng các địa phương không nên dùng những món quà đặc sản hay các phiếu mua hàng giảm giá để thu hút tiền thuế thông qua hệ thống Nozei.

Bất chấp những lời cảnh báo, tổng số tiền thuế thu được qua hệ thống Nozei đã tăng gấp 4 lần lên 165 tỷ Yên trong năm tài khóa vừa qua ngay sau khi chính phủ cho phép tăng gấp đôi số tiền thuế được đóng qua hệ thống này của mỗi công dân.

Thậm chí, Nhật Bản hiện đang tràn lan những trang web hướng dẫn người tiêu dùng nên tận dụng cách đóng thuế qua hệ thống Nozei như thế nào cho hợp lý để có thể mua được các đặc sản vùng miền một cách hiệu quả nhất.

Vì sao người dân Nhật được tặng tới 3 kg thịt bò thượng hạng nếu chịu... nộp thuế? - Ảnh 4.

Trang web hướng dẫn đóng thuế theo hệ thống Nozei sao cho hiệu quả nhất để tận dụng các quà tặng.

Hiện Thủ tướng Shinzo Abe đang có ý định mở rộng hệ thống thuế Nozei nhằm thu hút người dân đóng thuế cũng như kích thích kinh tế địa phương, đồng thời cổ vũ người dân tăng cường chi tiêu trước rủi ro giảm phát cũng như tăng trưởng chậm đang đe dọa nền kinh tế Nhật Bản.

Thêm vào đó, hệ thống thuế Nozei là một công cụ hữu hiệu để người dân toàn Nhật Bản đóng góp cho các vùng thiên tai, động đất hay bão lũ. Năm 2011, tổng số tiền đóng thuế qua hệ thống Nozei đã đạt kỷ lục 65 tỷ Yên khi nhiều người Nhật Bản tham gia ủng hộ những vùng chịu ảnh hưởng của sóng thần, trong đó những công dân của thủ đô Tokyo là lượng người đóng thuế tích cực nhất.

Nhật Bản ngày nay đang gặp rất nhiều khó khăn trong việc đối phó với tình trạng lão hóa dân số, khiến nền kinh tế tăng trưởng chậm, tiêu dùng giảm sút. Hiện tượng thành phố ma đang dần xuất hiện nhiều hơn ở Nhật Bản. Theo ước tính của Bộ Nội vụ, số phụ nữ Nhật trong khoảng 20-39 tuổi sẽ giảm khoảng 50% vào năm 2040, qua đó đe dọa lớn hơn đến cấu trúc dân số nước này.

Trong suốt 17 năm qua, các chi cục thuế Nhật Bản đã phải vật lộn với nan đề cắt giảm chi phí công khi thất thu từ thuế do dân số lão hóa quá nhanh, khiến số người lao động đóng thuế giảm.

Theo giáo sư Hiroyuki Kishi của trường đại học Keio-Tokyo, chương trình Nozei là một giải pháp tạm thời cho tình trạng dân số lão hóa quá nhanh ở Nhật Bản gây thất thu thuế nhưng không phải là một biện pháp lâu dài.

Băng Tâm

Cùng chuyên mục
XEM