Làm đường chưa tốt, Myanmar đã muốn cấm xe máy, chuốc lấy hậu quả tệ hại

21/03/2016 08:56 AM | Kinh tế vĩ mô

Myanmar là một trong nhưng quốc gia ban hành lệnh cấm xe máy từ khá sớm vào năm 2003. Tuy nhiên, liệu việc cấm xe máy có thực sự đem lại một hệ thống giao thông thoáng đãng, ít tai nạn như mọi người nghĩ?

Anh U Than Htwe sống tại vùng Hlaing Tharyar, cách thủ đô Yangon 20km và phải dậy từ rất sớm để đón xe bus lúc 6h30 để đến kịp nơi làm lúc 9h.

“Đáng lẽ ra đoạn đường trên chỉ mất 1 tiếng rưỡi để đi, nhưng giờ tôi phải mất 3 tiếng di chuyển. Đến tối, tôi chỉ có thể về đến nhà khi đồng hồ chỉ 10h. Bản thân tôi không thể nghỉ ngơi một cách tử tế và phải ngủ ngay trên xe bus”, anh Htwe nói.

Trường hợp của anh Htwe chỉ là một trong số hàng triệu người dân Yangon phải chen chúc và bị tra tấn cả về thể xác lẫn tinh thần cho cuộc hành trình đến nơi làm mỗi ngày chỉ bởi một lệnh cấm của chính phủ.

Lệnh cấm xe máy

Myanmar là một trong nhưng quốc gia ban hành lệnh cấm xe máy từ khá sớm vào năm 2003. Tại thời điểm đó, Yangon vẫn còn là thủ đô và chính phủ nước này đã ban hành lệnh cấm xe máy trước tình trạng có quá nhiều tai nạn do xe máy.

Lệnh cấm này tưởng chừng đã được dỡ bỏ vào năm 2008 nhưng cuối cùng chính phủ Myanmar vẫn kiên quyết giữ quyết định này khi số lượng tai nạn bổng nhảy vọt khi các cơ quan chức năng nới lỏng quy định cấm.

Mới đầu, việc cấm xe máy khiến tình hình giao thông của Yangon trở nên thông thoáng hơn và tình trạng tai nạn cũng suy giảm.

Dẫu vậy, việc phát triển không đồng đều cơ sở vật chất hạ tầng giao thông khiến nhu cầu đi lại của người dân không được đáp ứng đầy đủ, qua đó kéo theo nhiều hệ lụy.

Bất chấp lệnh cấm xe máy tại các thành phố lớn như Yangon, số xe máy đăng ký tại Myanmar vẫn tăng 119% trong khoảng 2014-2015. Nguyên nhân chủ yếu là do thu nhập của người dân, đặc biệt là vùng nông thôn đang dần được nâng cao.

Thậm chí, số xe máy được lưu thông hiện nay tại Myanmar có thể còn cao hơn do một lượng lớn xe được lưu hành không qua đăng ký.

Với gần 4,5 triệu xe máy trên toàn Myanmar, hiện phương tiện này đang chiếm đến 84% tổng các phương tiện giao thông tại đây.

Giao thông tệ hại

Vào năm 2011, chính phủ Myanmar quyết định mở cửa thị trường nhập khẩu ô tô, vốn từng được kiểm soát bởi một số doanh nghiệp có quan hệ chặt chẽ với chính quyền.

Động thái đối phó với tình trạng thiếu hụt cơ sở hạ tầng giao thông này khiến các cửa hàng bán ô tô tại Myanmar mọc lên như nấm và giá xe hơi giảm thê thảm.

Sau đó 4 năm, trung tâm kinh tế Yangon của Myanmar cũng lâm vào tình trạng tương tự như các thành phố Bangkok, Jakarta và Manila khi có hệ thống giao thông tồi tệ nhất trong khu vực Đông Nam Á.

Tình trạng tắc đường xảy ra thường xuyên và thiếu các hệ thống giao thông công cộng.

Chính phủ đã tăng cường xây dựng cầu vượt cũng như nâng cấp hệ thống quản lý giao thông.

Tuy nhiên, chuyên gia Sanjo Akihito của Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) tại Yangon cho rằng những động thái trên của chính phủ là chưa đủ.

Theo ông Akihito, Myanmar cần xây dựng thêm các đường cao tốc và đặc biệt là nâng cao ý thức chấp hành luật pháp của người dân.

Việc xây dựng thêm các tàu điện ngầm hay mở rộng đường xá sẽ không thực sự giải quyết được vấn đề nếu thiếu sự hợp tác của người dân. Thói quen vượt đèn đỏ, đỗ xe bừa bãi và chen lấn khi tham gia giao thông dường như đã trở thành thói quen của người dân nước này từ khi sử dụng xe máy.

Hậu quả là chính phủ dù muốn cải thiện tình hình bằng lệnh cấm xe máy, nhưng mọi việc càng trở nên tồi tệ hơn khi hàng dãy ô tô kẹt cứng trên các tuyến đường giao thông.

Taxi nhiều gấp 6 lần New York

Tình hình giao thông tồi tệ đã buộc chính phủ Myanmar phải tăng cường các phương tiện giao thông ngoài xe máy nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân.

Tính đến tháng 10/2015, Yangon đã có 500.000 phương tiện giao thông ngoài xe máy, cao hơn mức 214.000 của tháng 8/2011.

Trong khi đó, có khoảng 100.000 taxi đang hoạt động tại Yangon, chiếm khoảng 1/3 số xe hơi lưu thông tại đây. Con số này cao hơn nhiều so với 14.000 taxi tại New York.

Việc cấm xe máy và mở cửa nhập khẩu ô tô khiến tầng lớp trung lưu trong xã hội có khả năng mua xe nhiều hơn. Tuy nhiên, việc tăng lượng xe hơi đồng nghĩa với việc cần mở rộng thêm đường xá cũng như các khu đỗ xe cho người dân.

Tuy nhiên, chính phủ Myanmar có vẻ đã quá chậm trong việc thay đổi đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng cho phù hợp với quy định mới và hậu quả là tình hình giao thông ngày càng trở nên tồi tệ.

Thiếu giải pháp đồng bộ

Rõ ràng, chính phủ Myanmar đã thiếu đầu tư tìm kiếm những giải pháp thay thế cho hệ thống thống giao thông.

Tất cả những gì nước này làm là xây thêm cầu vượt và nâng cấp hệ thống tín hiệu đèn giao thông. Dẫu vậy, những động thái trên không giải quyết được vấn đề nếu người dân không chấp hành luật.

Nhiều chuyên gia cho rằng Yangon nên học tập những thành phố khác trong việc tìm kiếm biện pháp thay thế giải quyết tình hình giao thông. Những hệ thống tàu điện ngầm trên cao hay dưới đất, dịch vụ xem ôm, các tuyến đường dành riêng cho xe bus, tăng phí xe hơi tại trung tâm thành phố hay hệ thống chặn xe cá nhân tại ngoại thành đều là những biện pháp hữu hiệu giải quyết tình trạng ùn tắc giao thông.

Thủ đô Bangkok của Thái Lan cũng đang gặp vấn đề về ùn tắc giao thông từ thập niên 90 đã cho xây dựng hệ thống đường sắt trên cao vào năm 1999 và tàu điện ngầm vào năm 2004. Thành phố này cũng đã cấp phép cho các dịch vụ kinh doanh xe ôm để quản lý tốt hơn, điều mà Yangon chưa thể làm bởi lệnh cấm xe máy.

Tại thủ đô Jakarta của Indonesia, chính phủ thực hiện lệnh kiểm soát chặt chẽ đối với việc sở hữu xe cơ giới, tăng thuế cầu đường và giảm trợ cấp xăng dầu. Đồng thời với đó họ cũng nâng cấp hệ thống tàu điện ngầm và xây dựng các làn xe dành riêng cho xe bus.

Dẫu vậy, chính phủ Myanmar dường như thích xây dựng cầu vượt hơn là tìm các giải pháp thay thế.

Nguyên nhân rất đơn giản, việc xây dựng các công trình cầu vượt gây ấn tượng mạnh với người dân về hình ảnh một chính phủ đang làm gì đó để cải thiện tình hình hơn là các làn xe bus hay cấp phép cho nghề xe ôm.

Những dự án cầu vượt của chính phủ Myanmar được nhiều chuyên gia đánh giá là không thực tế khi chúng không được quy hoạch hay tập trung ở những khu vực thường xuyên tắc nghẽn.

Bên cạnh đó, chuyên gia U Myat Ko Ko của Sở xây dựng Yangon cũng nhận định việc xây dựng hàng loạt chung cư thiếu chỗ để xe đã gây ra tình trạng đỗ xe bừa bãi, gây ùn tắc giao thông.

“Tất cả các khu vực trung tâm thành phố Yangon đều cần những bãi để xe cực lớn, nhưng khu vực này lại không còn đất trống cho các dự án đó nữa”, ông Ko Ko nói.

Hoàng Nam

Cùng chuyên mục
XEM