Tranh cãi "quyền mua bán" chỗ để xe ô tô chung cư

19/03/2016 13:00 PM | Kinh tế vĩ mô

Cho rằng quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng còn nhiều điểm vô lý, Hiệp hội bất động sản TP.HCM đề nghị sửa đổi.

Toàn quyền bán chỗ để xe ô tô

Từ ngày 2/4 tới đây Thông tư số 02/2016/TT-BXD ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư của Bộ Xây dựng chính thức có hiệu lực. Theo đánh giá của Hiệp hội Bất động sản TP.HCM ( HoREA ), thông tư này đã đưa ra cơ chế vận hành và quản lý các hoạt động của nhà chung cư, cụm nhà chung cư có tính khả thi hơn, tăng cường công tác quản lý, giám sát của cơ quan Nhà nước và chủ sở hữu chung cư cũng như thể hiện được vai trò quan trọng của cơ quan Nhà nước trong các hoạt động của nhà chung cư.

Tuy nhiên, theo HoREA, một số quy định cần điều chỉnh phù hợp hơn với thực tế.

Theo HoREA, quy định "người mua chỗ để xe ô tô nếu có nhu cầu chuyển nhượng hoặc cho thuê chỗ để xe này thì chỉ được chuyển nhượng, cho thuê cho các chủ sở hữu, người đang sử dụng nhà chung cư đó hoặc chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư" quy định tại khoản 4d, điều 8 của Thông tư 02 vẫn còn bất cập.

Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch HoREA cho rằng quy định này vô hình trung đã hạn chế quyền của chủ sở hữu nhà chung cư đang sở hữu chỗ để xe ô tô và tạo lợi thế hơn cho chủ đầu tư. Bởi chủ sở hữu nhà chung cư chỉ được chuyển nhượng, cho thuê lại chỗ để xe ô tô cho những người đang sử dụng nhà chung cư đó hoặc chuyển nhượng lại cho chủ đầu tư. Bên cạnh đó, thông tư đã không hạn chế quyền của chủ đầu tư đã sở hữu chỗ để xe ô tô.

Ông Châu nêu ví dụ, một chung cư có 10 chỗ để xe ô tô nhưng 2 người ở tại chung cư đó không mua. Sau đó trong số 8 người đã sở hữu chỗ để xe trước đó muốn bán lại và 2 người kia cũng không muốn sở hữu. Như vậy theo quy định, nếu người trong chung cư không mua thì chỗ để xe đó sẽ được chủ đầu tư mua lại. Không loại trừ chủ đầu tư bán các suất để xe này cho người không ở tại chung cư vì luật không quy định hành vi này.

“Ở nhiều nước, thị trường mua bán chỗ để xe ô tô tự do, sau khi chung cư đưa vào sử dụng đều có quy định ưu tiên bán chỗ để xe ô tô cho chủ sở hữu chung cư. Nhưng sau đó, chủ sở hữu được toàn quyền chuyển nhượng chỗ để xe ô tô này, người bên ngoài cũng có quyền mua lại chỗ để xe ô tô của chung cư nếu có nhu cầu”, ông Châu cho hay.

Chủ tịch HoREA kiến nghị nếu người sở hữu chỗ để xe ô tô có nhu cầu chuyển nhượng, cho thuê thì phải ưu tiên cho người ở tại chung cư được mua, thuê. Trường hợp người trong chung cư không có nhu cầu thì chủ sở hữu chỗ để xe đó có quyền chuyển nhượng, cho thuê đối với các cá nhân nào có nhu cầu.

Người có tiền án, tiền sự thì không được tham gia ban quản trị?

Trong thời gian qua, tại TP.HCM liên tục xảy ra những vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và tập thể cư dân liên quan đến các vấn đề về hoạt động của ban quản trị. Trong nhiều vụ việc chủ đầu tư lấy lý do chưa hội đủ điều kiện để tổ chức hội nghị nhà chung cư, ban quản trị chưa có nên chiếm dụng khoản phí bảo trì trong một thời gian dài. Tại khoản 2a, điều 13 Thông tư 02 chỉ quy định số lượng người tham dự chứ không giới hạn mốc thời gian cụ thể trong việc tổ chức hội nghị nhà chung cư.

Để tránh trường hợp chủ đầu tư dây dưa, kéo dài việc tổ chức hội nghị nhà chung cư HoREA kiến nghị nên có quy định, trong trường hợp hội nghị nhà chung cư lần đầu không thành thì không chậm quá 30 ngày phải tổ chức lần hai. Đồng thời, nếu hội nghị nhà chung cư lần hai cũng không thành thì không chậm quá 7 ngày chủ đầu tư phải đề nghị UBND cấp phường tổ chức hội nghị nhà chung cư.

Một bất cập có liên quan đến cơ cấu nhân sự trong ban quản trị chung cư cũng được HoREA nêu ra. Cụ thể, quy định "thành viên Ban quản trị nhà chung cư phải là chủ sở hữu đang sử dụng nhà chung cư đó", theo HoREA là chưa phù hợp. Bởi thực tế cho thấy ở nhiều chung cư cao cấp đa số chủ sở hữu căn hộ đều cho người khác thuê lại. Do vậy nếu quy định “phải là chủ sở hữu đang sử dụng nhà chung cư” mới được là thành viên ban quản trị thì vô tình tước đi quyền của nhiều chủ sở hữu căn hộ.

Ngoài ra, ông Lê Hoàng Châu còn cho rằng quy định thành viên ban quản trị nhà chung cư là người không có tiền án tiền sự là đã tạo ra sự phân biệt đối xử, hạn chế quyền công dân. Theo ông Châu, người chấp hành xong án phạt tù, đã có quyền công dân thì được quyền ứng cử vào Ban quản trị nhà chung cư, còn việc người đó có được bầu vào Ban quản trị hay không là do sự tín nhiệm của cư dân. Do vậy, Hiệp hội đề nghị bỏ quy định này.

Theo Phương Anh Linh

Cùng chuyên mục
XEM