Thị trường xe máy bão hoà, Honda chật vật tìm đường sinh tồn ở Việt Nam
Khi thị trường xe máy Việt Nam bắt đầu bão hoà, Honda buộc phải tìm mọi cách để duy trì đà tăng trưởng.
Từng "xưng vương" tại thị trường Việt Nam nhưng hiện nay nhà sản xuất xe máy tới từ Nhật Bản là Honda đang phải vật lộn tìm hướng đi mới trong bối cảnh thị trường bắt đầu bão hoà.
Thâm nhập vào Việt Nam từ 2 thập kỷ trước, Honda đã nhanh chóng chiếm 70% thị phần tại đây. Tuy nhiên dù từng được mệnh danh là “vương quốc xe máy” cùng với Ấn Độ và Indonesia nhưng hiện tại Việt Nam lại trở thành thị trường đầu tiên có dấu hiệu bão hoà.
Chính vì vậy, những nỗ lực của Honda nhằm giữ được đà tăng trưởng tại thị trường Việt Nam sẽ mở cánh cửa bước vào tương lai cho mảng kinh doanh xe máy tại các thị trường mới nổi nói chung.
Dây chuyền sản xuất linh hoạt
Tại tỉnh Vĩnh Phúc, Honda Việt Nam sản xuất dòng xe số Wave Alpha và xe tay ga Vision cùng trên một dây chuyền sản xuất. Tháng 7 năm ngoái, Honda chính thức lắp ráp nhiều mẫu mã xe trên 2 trong tổng số 4 dây chuyền sản xuất tại 3 địa điểm khác nhau - phương pháp hết sức tân tiến tại một đất nước đang phát triển như Việt Nam.
Không chìm đắm trong hào quang, Honda đã có phản ứng nhanh nhạy với những thay đổi của thị trường. Doanh số bán xe gần như không thay đổi trong suốt 5 năm qua khi thị trường bão hoà ở những thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Nếu như trước đây chỉ cần sản xuất hàng loạt vài mẫu xe là đủ thì hiện tại để thúc đẩy cầu, Honda phải mở rộng các dòng sản phẩm bên cạnh việc sản xuất, lắp ráp nhiều mô hình trên cùng một dây chuyền.
Đây là biện pháp hiệu quả, rút ngắn thời gian vận chuyển và cũng hạn chế hàng tồn kho. Một nhóm công nhân tay nghề cao gồm 140 người được giao phụ trách dây chuyền hỗn hợp này.
Trong năm tài chính 2015, Honda lên kế hoạch bán 17,19 triệu chiếc xe trên toàn thế giới. Riêng tại Việt Nam, năm ngoái công ty đã bán được 1.997.000 chiếc.
Hiện ở Việt Nam, Honda có 680 đại lý, nhiều hơn 40% so với đối thủ Yamaha. Trong khi đó tại Indonesia, con số tương tự là 1.800 đại lý, hơn 50% so với Yamaha.
Một người Việt Nam đã lái chiếc Honda Dream suốt 22 năm qua nói rằng ông có ý định lái chiếc xe này thêm 10 năm nữa bởi việc thay thế và sửa chữa phụ tùng rất rẻ và thuận tiện.
Trong khi đó, Yamaha cũng đang đẩy mạnh mạng lưới bán hàng tại Đông Nam Á. Họ nhắm tới tăng 170% số đại lý tại Indonesia, lên mức 3.200 đại lý cho tới năm 2018.
Để cải thiện tình trạng hiện tại, Honda cần đẩy mạnh tập trung vào những tỉnh thành ở địa phương. Đầu năm nay, công ty đã hợp tác cùng đối tác địa phương cung cấp những gói mua xe trả góp nhắm tới nhóm khách hàng là lao động nông nghiệp.
Họ cũng thiết kế lại hệ thống đánh giá, phân loại đại lý lên tới thang điểm 1.000. Những đại lý kinh doanh tốt sẽ nhận được giải thưởng trong khi đó, những đại lý hoạt động kém sẽ được chỉ dẫn, hỗ trợ cần thiết.
Honda cũng đang phải tính tới tương lai lâu dài khi xe máy sẽ không còn là phương tiện gắn liền với cuộc sống hàng ngày nữa.
Nhằm quảng bá cho các phân khúc xe tầm trung (được khách hàng xem như một món đồ chơi thay vì phương tiện đi lại), công ty bắt đầu tổ chức các giải đua xe máy từ tháng 2/2015.
Những dòng xe MSX nhập khẩu từ Thái Lan và một số mẫu giới hạn khác sẽ tham gia cuộc thi này. Năm ngoái, giải đấu đã diễn ra tại 4 địa điểm bao gồm Bình Dương và Đà Nẵng với hơn 100 người tham gia.
Ô tô dần thay thế xe máy, Honda phải làm gì?
Khi kinh tế ngày càng phát triển, thị trường xe máy phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ xe hơi là điều không thể tránh khỏi.
Theo thống kê từ Bộ Kế hoạch và Đầu Tư, GDP bình quân đầu người của Việt Nam sẽ đạt mức 3.200 - 3.500 USD vào năm 2020. Điều này đồng nghĩa với việc lượng người có thể sở hữu xe ô tô cũng ngày một tăng lên.
Dĩ nhiên Honda cũng sản xuất xe ô tô vì vậy sự gia tăng nhu cầu xe hơi không phải là vấn đề quá đáng lo ngại. Tuy nhiên, công ty cũng không thể bỏ bê mảng kinh doanh xe máy. Nếu Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á quyết định giảm thuế đánh vào ô tô, rõ ràng xe máy sẽ rơi vào tình thế bất lợi.
Trong buổi lễ kỷ niệm 20 năm gia nhập thị trường Việt Nam vào tuần trước, Tổng giám đốc Honda Việt Nam là ông Minoru Kato lại lạc quan cho rằng thị trường vẫn còn nhiều khoảng trống và công ty sẽ tập trung vào những dòng xe cao cấp.
Trước đó tại thị trường quê nhà Nhật Bản, mảng kinh doanh xe máy của Honda cũng bắt đầu suy yếu khi ô tô lên ngôi. Chính vì vậy, Honda hoàn toàn không muốn điều tương tự xảy ra tại thị trường Việt Nam.
Cuối cùng, Honda cũng thực hiện nhiều chính sách ưu đãi nhằm giữ chân nhân viên như tổ chức ngày hội gia đình, cải thiện bếp ăn ở công ty…
Thành công của Honda một phần nhờ việc chuyển giao được bí quyết cho các công nhân địa phương, tạo ra dây chuyền sản xuất chất lượng cao.
Tỷ lệ nghỉ việc tại Honda ở mức 4%, con số này giảm xuống 1% nếu loại bỏ các công nhân ký hợp đồng tạm thời. Đây là tỷ lệ cực kỳ ấn tượng đổi với một đất nước có lực lượng lao động thường xuyên thay đổi công việc như Việt Nam.
Tuy vậy, mức lương tối thiểu tại Việt Nam đã tăng lên hơn 10% trong vòng 1 năm, đẩy chi phí lao động tăng cao. Điều này rất có thể trở thành con dao 2 lưỡi đối với tỷ lệ duy trì nhân viên đặc biệt cao của Honda khi chi phí ngày môt tăng và tỷ lệ nhân viên già hoá.