Ứng dụng mua sắm Trung Quốc - mục tiêu trấn áp mới của Ấn Độ

18/12/2019 14:00 PM | Kinh doanh

Chính phủ Ấn Độ đang hướng đến xử lý các ứng dụng mua sắm được phát triển bởi các nhà cung cấp Trung Quốc.Các ứng dụng này gần đây gia tăng thị phần đáng kể trên thị trường bán lẻ trực tuyến của quốc gia Nam Á này.

Sau khi đã có những biện pháp thắt chặt quản lý đối với các ông lớn trong ngành bán lẻ thế giới như Amazon và Walmart, chính phủ Ấn Độ giờ đây đang nhắm đến ứng dụng mua sắm được phát triển bởi các nhà cung cấp Trung Quốc, gần đây đã tăng thị phần đáng kể trên thị trường bán lẻ trực tuyến của quốc gia Nam Á này.

Trong động thái mới nhất, người đứng đầu cơ quan quản lý ngoại thương của Ấn Độ cuối tuần trước thông báo những đơn hàng, dưới dạng quà tặng, được gửi từ nước ngoài sẽ không được phép thông quan nếu như chưa thanh toán thuế nhập khẩu, đặt dấu chấm hết cho “lỗ hổng” pháp lý mà nhiều công ty Trung Quốc tập trung khai thác trong suốt thời gian qua.

Đây được coi là hành động mạnh tay nhất của chính phủ Ấn Độ nhằm xoa dịu các nhà bán lẻ nội địa. Họ cho rằng các ứng dụng bán lẻ Trung Quốc đã “lấn át” các doanh nghiệp nội địa trên thị trường nhờ giá thấp, đi liền với đó là việc không bị áp thuế nhập khẩu hàng loạt các loại thuế quan và nhiều quy định pháp luật khác.

“Hàng hóa Trung Quốc xâm nhập vào thị trường Ấn Độ có mức giá chỉ bằng 50% đến 60% giá của các nhà cung cấp nội địa”, theo người phát ngôn của Hiệp hội các nhà bán lẻ trực tuyến Ấn Độ, cơ quan đại diện cho hơn 3.500 doanh nghiệp bán lẻ địa phương. “Điều đó tác động tiêu cực lên nhà sản xuất nhỏ, khiến hàng triệu lao động có nguy cơ mất việc làm”.

Hiệp hội tổ chức một buổi tuần hành trong tháng 3 nhằm kêu gọi chính phủ phải hành động để đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp địa phương. Họ sẽ còn tổ chức nhiều hơn những sự kiện như thế nếu như “lời kêu gọi của chúng tôi không được đáp ứng”.

Chính phủ Ấn Độ gần đây yêu cầu Amazon và Walmart-Flipkart phải thống kê ra 5 đối tác bán hàng lớn nhất của họ tại thị trường Ấn Độ, cùng với đó là các kế hoạch marketing mà hai ông lớn này đang hợp tác với các đối tác bán lẻ. Hành động trên nhằm điều tra liệu những doanh nghiệp này có thực hiện các biện pháp chiết khẩu “siêu ưu đãi” hay “nhấn chìm” giá bán, những “mánh khóe” được coi là có tác động tiêu cực lên các doanh nghiệp, cửa hàng trong nước.

Club Factory, nhà cung cấp dịch vụ lớn nhất trong số các công ty Trung Quốc đang làm ăn tại Ấn Độ, là ứng dụng mua sắm trực tuyến được tải nhiều nhất trên quy mô toàn cầu trong tháng 11, theo dữ liệu thu thập bởi Sensor Tower. Có đến 27 triệu người dùng điện thoại thông minh, phần lớn là tại Ấn Độ, đã cài đặt ứng dụng của Club Factory trong tháng trước, giữa thời điểm mà các đơn vị bán hàng đang chạy đua tung ra các chương trình khuyến mại nhân dịp lễ Diwali.

Club Factory cũng là ứng dụng được tải nhiều nhất tại Ấn Độ trong khoảng thời gian từ tháng 7 đến tháng 9 năm nay.

Những động thái cứng rắn nhằm vào các ứng dụng mua sắm đến từ Trung Quốc như Club Factory và Shein, chắc hẳn sẽ khiến nhiều người mua hàng bất ngờ, giống như trường hợp của chuyên viên truyền thông Paromita Sarkar đến từ Mumbai, người từng là “fan cứng” của Myntra, website bán hàng của Ấn Độ và đã được Walmart mua lại.

“Tôi thích sử dụng Club Factory hoặc Shein vì các mặt hàng đa dạng”, cô cho biết. “Các sản phẩm thời trang và phụ kiện trên hai ứng dụng trên khá hợp thời, nếu đem so sánh với Myntra. Giá các sản phẩm trên Club Factory và Shein cũng khá dễ chịu. Trải nghiệm trên hai ứng dụng này giống hệt như khi bạn đang đi bộ mua sắm trên các con phố ở Delhi vậy”.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Thương mại Ấn Độ Piyush Goyal cho biết tất cả các nhà cung cấp dịch vụ mua sắm trực tuyến phải thực hiện việc đăng ký kinh doanh tại Ấn Độ để có đủ cơ sở quản lý về mặt pháp lý. Hải quan Ấn Độ trong tháng 6 đã tịch thu 500 kiện hàng của Shein trong một nhà kho tại Mumbai, khi cho rằng các mặt hàng trong đó có giá trị được khai không đúng với thực tế. Cơ quan này gần đây cũng đã thu giữ nhiều kiện hàng đáng nghi tại Delhi, Bangalore và nhiều cửa khẩu khác trên toàn quốc.

Trước khi quyết định chấm dứt các “ưu đãi thuế”, các cơ quan chức năng đã cân nhắc hạn chế số lượng hàng hóa một người đặt mua trong một năm, nhưng cuối cùng đã đi đến kết luận rằng điều đó là quá phức tạp. Giống như nhiều quốc gia khác, các kiện hàng được gắn mác “quà tặng”, và có giá trị khai báo thấp hơn 5,000 rupee tại Ấn Độ (tương đương 70,48 USD) sẽ được hưởng đặc quyền “miến thuế”. Các nhà lập pháp ban đầu muốn tạo điều kiện cho mục đích tặng quà giữa các cá nhân trong và ngoài nước, nhưng các nhà cung cấp dịch vụ bán hàng trực tuyến lại lợi dụng “lỗ hổng” đó để gia tăng lợi nhuận của mình.

Thị trường Ấn Độ đóng góp đến 60% doanh thu của Club Factory. Công ty có trụ sở tại Hàng Châu, trong tháng 10 đã thu về 100 triệu USD tiền đầu tư từ vòng gọi vốn mới nhất với sự góp mặt của các nhà đầu tư nổi tiếng như IDG Capital và quỹ đầu tư quản lý bởi tập đoàn Bertelsmann, Đức. Ứng dụng này hiện chỉ đứng sau Amazon và FlipKart, sở hữu bởi Walmart, về số lượng người dùng ở thị trường Ấn Độ.

Ứng dụng mua sắm Trung Quốc - mục tiêu trấn áp mới của Ấn Độ - Ảnh 1.

CEO Vincent Lou của Club Factory. Ảnh: AP.

“Chúng tôi nhìn thấy tương lai thị trường bán lẻ trực tuyến của Ấn Độ sẽ là kỷ nguyên của FAC, tức sân chơi của 3 công ty lớn là Flipkart, Amazon và Club Factory”, theo Vincent Lou, nhà sáng lập kiêm CEO của Club Factory.

“Chiến lược cạnh tranh về giá của Club Factory vẫn là lợi thế lớn. Chúng tôi đang tăng trưởng nhanh chóng tại thị trường Ấn Độ và nhu cầu của người tiêu dùng tại đây cũng không ngừng tăng lên”.

Công ty cũng đã đưa vào vận hành 3 nhà kho tại quốc gia Nam Á này. Đây là điều khác biệt giữa Club Factory với các đối thủ đồng hương, khi họ chỉ đơn thuần hiện diện hợp pháp tại đây. Với ngôi sao Bollywood Ranveer Singh và cựu hoa hậu thế giới Manushi Chillar giữ vai trò đại sứ thương hiệu, Club Factory đang bán hơn 1 triệu sản phẩm dành cho các khách hàng Ấn Độ. Số đơn hàng thưc hiện trong một ngày cũng khá ấn tượng: 25.000.

Shein ngừng tiếp nhận các đơn hàng từ Ấn Độ trong vòng khoảng 2 tháng kể từ đợt kiểm tra cao điểm của hải quan nhưng đã quay trở lại hoạt động. Ứng dụng này đứng thứ 7 trong danh sách các ứng dụng mua sắm được tải nhiều nhất toàn cầu trong tháng 11. Công ty cũng đang vận chuyển khoảng 10.000 đơn hàng đến Ấn Độ mỗi ngày. AliExpress của Alibaba Group holding và Remove, một ứng dụng Trung Quốc khác, cũng nhận được khối lượng đơn hàng tương tự từ phía các khách hàng Ấn Độ.

Áp lực từ chính phủ Ấn Độ buộc các ứng dụng mua sắm Trung Quốc phải thành lập đơn vị kinh doanh tại Ấn Độ lại có thể trở thành mối đe dọa tiềm tàng đến các nền tảng bán lẻ nội địa. Nhờ có các nhà kho tại chính quốc gia Nam Á này, Club Factory đã có thể cắt giảm thời gian vận chuyển hàng hóa trung bình xuống dưới 12 ngày.

Tuy đó là một sự cải thiện đáng kể so với các ứng dụng đồng hương khác, khi khách hàng phải đợi đến vài tuần mới nhận được hàng, Club Factory vẫn cần phải nỗ lực để có thể bắt kịp với các ứng dụng nội địa như Myntra, khi thời gian giao hàng bình quân của họ rơi vào khoảng từ 5 đến 7 ngày.

“Sự thành công của các công ty Trung Quốc sẽ phụ thuộc rất nhiều vào cách họ cải thiện quá trình hoàn thành các đơn hàng cũng như chất lượng sản phẩm”, theo Vidhya Shankr, giám đốc công ty tư vấn và kiểm toán Grant Thornton, chi nhánh Ấn Độ.

Theo Trọng Đại

Cùng chuyên mục
XEM