Udemy: Một trong những kẻ may mắn hiếm hoi trong đại dịch COVID-19

13/08/2020 14:00 PM | Kinh doanh

Với 150.000 khóa học, từ cách chiến thắng tại poker trực tuyến đến các nguyên tắc cơ học lượng tử, startup giáo dục trực tuyến Udemy đang phát triển mạnh mẽ trong thời kỳ đại dịch COVID-19.

Bất chấp kết quả kinh doanh lạc quan, Gregg Coccari, CEO của Udemy, đang trải qua cảm xúc lẫn lộn. Tính tới đầu tháng 6, đại dịch COVID-19 đã khiến hàng chục triệu người mất việc, nhưng công ty ông điều hành lại đang phát triển mạnh mẽ. Coccari chia sẻ: "Tất nhiên, chúng tôi rất vui mừng về điều đó, nhưng chúng tôi phải chứng kiến nhiều người bị cho thôi việc và vật lộn với khó khăn."

Rất nhiều người trong số đó đã đăng ký vào một trong 150.000 lớp học trực tuyến của Udemy, hầu hết các khóa học được bán với giá từ 10-20 USD. Website này cung cấp các khóa học dưới 65 ngôn ngữ khác nhau và khách hàng tới từ 190 quốc gia. Chỉ riêng trong tháng 5, Udemy đã ghi nhận 25 triệu lượt đăng ký mới, so với con số 9 triệu vào tháng 5 năm ngoái.

Bên cạnh những học viên độc lập, bộ phận dành cho doanh nghiệp của Udemy, bán đăng ký hàng năm với giá 360 USD/người dùng cho các công ty bao gồm Adidas và Toyota, cũng đang bùng nổ. Một số lớp học được ưa chuộng nhất bao gồm các cách thức tốt nhất để thực hiện hội nghị truyền hình trên Zoom và quản lý một nhóm ảo.

Theo Coccari, từ tháng 3 đến tháng 5, doanh số của Udemy đã tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2019. Nhu cầu lớn có thể sẽ thúc đẩy doanh thu của Udemy vượt ngưỡng 400 triệu USD trong năm nay.

Udemy đang được hưởng lợi từ quy định cách ly xã hội trên toàn thế giới. Trong khi các trường học gặp nhiều khó khăn để tổ chức giảng dạy trực tuyến, Udemy chỉ đơn giản tiếp tục tận dụng mô hình kinh doanh mà nó tiên phong. Udemy là nền tảng cho các khóa học không cấp bằng chứng nhận được giảng dạy bởi các hướng dẫn viên là những người tự ghi lại các lớp học bằng video và trả lời các câu hỏi từ các học viên trên bảng tin của Udemy. Công ty này thu một phần, thường là 50%, phí của các khóa học. Người dùng quyết định khóa học nào có lưu lượng truy cập nhiều nhất bằng cách chấm điểm và đánh giá chúng.

Udemy: Một trong những kẻ may mắn hiếm hoi trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 1.

Nhà sáng lập Eren Bali

Nhà sáng lập Eren Bali, chủ tịch hội đồng quản trị của Udemy, đã lên ý tưởng cho công ty của mình sau khi lớn lên ở một ngôi làng nghèo khó ở đông nam Thổ Nhĩ Kỳ, nơi anh theo đuổi đam mê toán học của mình bằng cách nghiên cứu các vấn đề của bộ môn này trên mạng.

Anh tin rằng những người hướng dẫn trực tuyến giỏi không cần tới bằng cấp. Bali cho biết: "Chúng tôi muốn tạo ra một công ty giáo dục dựa trên mô hình thương mại điện tử nơi mà bất kỳ chuyên gia nào trên thế giới cũng có thể dạy khóa học của riêng họ." Anh đã thử ra mắt phiên bản phát livestream của Udemy ở Thổ Nhĩ Kỳ vào năm 2007. Tuy nhiên, nó đã vấp phải thất bại ở quê nhà.

Sau đó, SpeedDate, một trang web hẹn hò trực tuyến có trụ sở tại Thung lũng Silicon, đã tuyển dụng anh làm kỹ sư. Anh cùng hai nhà đồng sáng lập đã tái khởi động Udemy tại Mỹ vào năm 2010 sau khi bị hơn 200 nhà tài trợ từ chối.

Nhà đầu tư trong lĩnh vực công nghệ giáo dục Daniel Pianko, công ty University Ventures, hối tiếc khi bỏ lỡ đầu tư vào Udemy. Anh chia sẻ: "(Vào thời điểm đó) Tôi nghĩ rằng ý tưởng này quá điên rồ. (Thực tế) Đây là một ý tưởng hoàn toàn mang tính cách mạng, khi một người nào đó không liên hệ với một trường đại học có thể dạy một khóa học." Nguyên nhân được cho là vào thời điểm 10 năm trước, giáo dục trực tuyến tại là một sân chơi bị chi phối bởi những gã khổng lồ vì lợi nhuận có danh tiếng như Đại học Phoenix.

Các khóa học đầu tiên của Udemy bao gồm cách kiếm tiền từ chơi poker trực tuyến và cách tán tỉnh phụ nữ. Nhưng những nhà sáng lập sớm nhận ra rằng các kỹ năng coding và kinh doanh như khoa học dữ liệu và team building có nhu cầu cao hơn. Hiện tại, những khóa học đó chiếm 2/3 tổng số khóa học của Udemy. Tuy nhiên, nền tảng này vẫn mở cửa cho bất cứ ai muốn giảng dạy. Các khóa học như vẽ chân dung cũng đã được ưa chuộng ở thời kỳ đại dịch COVID-19.

Các trang web giáo dục trực tuyến của các đối thủ như LinkedIn Learning và Coursera lại chọn chiến thuật hợp tác với các giáo sư đại học (Coursera) hoặc sàng lọc rất kỹ lưỡng những người hướng dẫn (LinkedIn Learning) và từ chối hầu hết các ứng viên. Ngược lại, hướng dẫn viên của Udemy chỉ cần đáp ứng sáu mục trong danh sách các yêu cầu tối thiểu như đăng ít nhất 30 phút nội dung video mỗi khóa học. Tất cả các chủ đề đều được chào đón ngoại trừ một danh sách ngắn các nội dung như khiêu dâm, súng đạn và ngôn từ gây kích động thù địch. Thêm vào đó, một nhóm nhỏ các hướng dẫn viên hàng đầu của Udemy kiếm được tới 1 triệu USD/năm. Theo Coccari, thu nhập của hàng trăm giáo viên hướng dẫn lên tới ít nhất sáu con số một năm và con số đó có thể sẽ tăng gấp đôi trong năm nay.

Udemy: Một trong những kẻ may mắn hiếm hoi trong đại dịch COVID-19 - Ảnh 2.

Gregg Coccari, CEO của Udemy

Bali rời vị trí CEO vào năm 2014 và công ty đã trải qua hai người kế nhiệm nữa trước khi Coccari tiếp quản vào năm ngoái. Vào tháng 2/2020, Coccari đã chốt được khoản đầu tư trị giá 50 triệu USD từ Benesse Holdings, tập đoàn giáo dục và chăm sóc người cao tuổi sở hữu trường ngoại ngữ Berlitz.

Thỏa thuận này đã đưa tổng số vốn đầu tư vào Udemy lên tới hơn 200 triệu USD và phá vỡ mức định giá của công ty này từ 710 triệu USD đến 2 tỷ USD. Mặc dù quy định cách ly xã hội của Nhật Bản được nới lỏng hơn so với các quốc gia khác, doanh thu tại Nhật Bản của Udemy trong 5 tháng đầu năm 2020 đã tăng gấp ba doanh số trong cùng kỳ năm ngoái, theo CEO của Benesse Tamotsu Adachi.

K Nguyễn

Cùng chuyên mục
XEM