CEO sàn TMĐT phá sản Leflair kể về lần suýt gọi được 40 triệu USD và điều hối tiếc nhất khi gây dựng công ty: Khi không độc lập tài chính, bạn chẳng thể tự đưa ra quyết định cho chính DN mình!
"10 năm qua, thế hệ chúng ta đã đọc quá nhiều sách về Facebook và Google, tiếp xúc quá nhiều với thế giới của "công nghệ" và "vốn mạo hiểm" - nơi người ta huy động đến cả hàng trăm triệu USD. Trên thực tế, các doanh nghiệp này chỉ chiếm phần rất nhỏ, nhưng lại được truyền thông tung hô khiến nhiều người hiểu lầm rằng đây là cách duy nhất để xây dựng một doanh nghiệp", CEO Leflair tâm sự.
Sau những lùm xùm phá sản ôm khoản nợ 2 triệu USD hồi đầu năm đến lệnh truy tìm của cảnh sát TP.HCM đầu tháng 7, ông Loic Gautier – Cofounder kiêm CEO sàn thương mại điện tử Lefair - mới đây đã xuất hiện trên một kênh truyền thông Việt Nam.
Trong video phỏng vấn dài hơn 30ph với Vietcetera, Loic đã trải lòng về những thách thức với Leflair trong giai đoạn cuối, lần suýt gọi được vốn 40 triệu USD, và cả điều ông hối tiếc nhất đến thời điểm này.
Dưới đây, chúng tôi xin trích lược lại chia sẻ của CEO trẻ người Pháp trong giai đoạn cuối của một startup thương mại điện tử - lĩnh vực tưởng chừng như chỉ dành cho những ông lớn với cuộc chơi "đốt tiền".
Lần gọi vốn "hụt" 40 triệu USD
Loic Gautier (phải) và người đồng sáng lập Leflair Pierre Antoine Brun (trái).
Chúng tôi quay trở lại con đường gọi vốn vào cuối năm 2019, khoảng cuối tháng 10. Năm 2019, chúng tôi dự đoán doanh thu của Leflair sẽ vượt 100 - 200 triệu USD.
Chúng tôi sử dụng vốn để nâng cấp hoạt động cho công ty, về công nghệ, hệ thống, nhân sự, mở rộng mạng lưới sang Philippines. Vì vậy, chúng tôi muốn kêu gọi đầu tư trong 2019 để có thể nâng cấp cơ sở hạ tầng khi nhận được khoản đầu tư 30 - 40 triệu USD, đẩy mạnh về quảng cáo, marketing và tăng doanh thu gấp 2, 3, 4, thậm chí 5 lần.
Đừng khởi nghiệp với suy nghĩ rằng bạn có thể kiếm hàng tấn tiền, vì về mặt thống kê, điều đó không xảy ra
Đây không phải chiến lược xa lạ, mà là một cách thức vẫn hay sử dụng cho các startup như chúng tôi. Nhưng thật không may, đây là một năm rất-rất-rất khác, xu hướng kinh doanh cũng thay đổi.
Chúng tôi đã thảo luận với nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm (VC) và quỹ đầu tư tư nhân (PE) ở Châu Âu, Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… và nhận được rất nhiều sự quan tâm. Bởi rõ ràng, tôi không phải người duy nhất đặt niềm tin vào kinh tế Việt Nam. Cả thế giới đều quan tâm đến Việt Nam và Đông Nam Á.
Nhưng cùng lúc đó, ngày càng có nhiều tranh cãi xung quanh những gì đã xảy ra với các doanh nghiệp như WeWork…
Một lời khuyên cho các doanh nhân là đừng khởi nghiệp với suy nghĩ rằng bạn có thể kiếm hàng tấn tiền, vì về mặt thống kê, điều đó không xảy ra.
"Tôi đã quá tự tin, chỉ muốn chứng minh mọi người sai, và họ không nên nghi ngờ doanh nghiệp này"
Ảnh: Báo Đầu tư.
Dù sẽ có rất nhiều người có thể không đồng tình với tôi, nhưng tôi vẫn tin rằng tăng trưởng (Growth) là câu trả lời cho mọi vấn đề mà một startup có thể có. Bạn nên luôn theo đuổi sự tăng trưởng vì nó có thể giúp bạn giải quyết các vấn đề khác mà bạn gặp phải.
Nếu bạn thuộc tuýp người "được ăn cả, ngã về không", thì cảm giác "về không" không dễ chịu gì
Nhưng có những lúc có thể tôi đã quá tự tin vào quan điểm của mình và khiến mọi người nghi ngờ khả năng phát triển và giá trị cộng thêm của công ty, tức là nghi ngờ thời gian và công sức mà bạn bỏ ra để phát triển sản phẩm. Nó làm tôi rơi vào tâm lý chỉ muốn chứng minh rằng mọi người sai và họ không nên nghi ngờ doanh nghiệp của tôi.
Tâm lý đó có thể cho bạn rất nhiều năng lượng để giải quyết và khắc phục vấn đề. Nhưng nếu bạn thuộc tuýp người "được ăn cả, ngã về không", thì cảm giác "về không" không dễ chịu gì, không dễ chịu cho cho bản thân bạn và không dễ chịu cho tất cả những người đồng hành với bạn khi thất bạn xảy ra.
Các nhà đầu tư sẽ ổn. Đúng là họ mất rất nhiều tiền, và trách nhiệm của CEO là để giải quyết điều đó. Nếu các cổ đông không hưởng được lợi, thì có nghĩa là CEO đã không làm tốt việc của mình. Nhưng, có nhiều người bị ảnh hưởng nhiều hơn và không dư dả tài chính như các cổ đông.
Chắc chắn là các cổ đông sẽ tức giận, nhưng họ có đến 10 hoặc thậm chí 20 khoản đầu tư khác. Còn những người đồng hành cùng bạn, team của bạn, họ có những chi phí phải trả, như một khoản thế chấp, một chiếc xe, hoặc họ sắp kết hôn, hoặc vừa có một đứa con… Họ có nhiều khó khăn phải vượt qua nhất, và đó cũng là điều làm tôi thấy đau lòng nhất.
Điều tôi hối tiếc nhất: Thành lập một công ty khi chưa quá dư dả về vốn
Đồ họa: Hương Xuân.
Nếu được hỏi về điều hối tiếc nhất, tôi sẽ nói đó là việc thành lập một công ty khi chưa quá dư dả về nguồn vốn - Đó vừa là ưu, vừa là nhược điểm.
Nhìn vào quá khứ, thực tế là có rất nhiều người chỉ khởi nghiệp sau khi đạt được những thành công nhất định và có sự độc lập về tài chính. Bên cạnh đó, đa phần các doanh nghiệp không cần vốn đầu tư mạo hiểm để phát triển đến một quy mô đáng kể, tuy sẽ mất nhiều thời gian hơn để đạt được quy mô đó nếu "tự bơi".
Trong 10 năm qua, thế hệ chúng ta đã đọc quá nhiều sách về Facebook và Google, tiếp xúc quá nhiều với thế giới của "công nghệ" và "vốn mạo hiểm" - nơi người ta huy động đến cả hàng trăm triệu USD. Trên thực tế, các doanh nghiệp này chỉ chiếm phần rất nhỏ, nhưng lại được truyền thông tung hô khiến nhiều người hiểu lầm rằng đây là cách duy nhất để xây dựng một doanh nghiệp. Không, đó thực sự không phải là cách duy nhất để xây dựng một doanh nghiệp.
Tôi nghĩ điều tôi muốn đạt được trước lần khởi nghiệp tiếp theo của mình là đảm bảo rằng nếu có điều gì xảy ra với công ty, tôi có thể tự bỏ vốn của mình ra cứu nó. Tôi có thể tự đưa ra quyết định và không phải phụ thuộc vào bất kỳ ai khác. Tôi muốn đảm bảo rằng tôi có thể xoay sở trong mọi tình huống, cả tích cực lẫn tiêu cực.
Trong vài năm nữa, chắc chắn tôi sẽ lại kinh doanh ở Việt Nam, và rất có thể ở nước ngoài nữa, bởi tôi là người Pháp mà. Trong tương lai, tôi muốn có thể tự hào để khoe về doanh nghiệp của mình.