Trước khi về Vinfast, ông James B.DeLuca từng có thu nhập 13 tỷ đồng/tháng, gấp đôi số Vingroup trả cho cả HĐQT trong một năm
Năm 2015, Vingroup từng chi ra 5,5 tỷ đồng trả lương một năm cho cả Hội đồng quản trị 10 người của tập đoàn này. Tuy nhiên, số tiền này không bằng một nửa thu nhập ông DeLuca từng đút túi trong một tháng
Hôm nay, tham vọng chinh phục ‘giấc mơ ô tô thương hiệu Việt’ đã được tập đoàn Vingroup tái khẳng định một cách đầy mạnh mẽ.
Một cách chính thức, vị sếp cũ của hãng sản xuất ô tô hàng đầu thế giới General Motors – ông James B.DeLuca – đã trở thành Tổng giám đốc đầu tiên của Nhà máy sản xuất ô tô VinFast tại Hải Phòng.
Và có vẻ như, cái giá của lời khẳng định này là không hề rẻ một chút nào. Trong những năm tháng ông DeLuca còn làm việc ở cương vị lãnh đạo của General Motors, các báo cáo đều thể hiện rằng ông này thường xuyên nằm trong top những người được trả mức lương ‘khủng’ nhất toàn tập đoàn.
Ông James B.DeLuca từng giữ chức vụ Phó Chủ tịch điều hành hoạt động sản xuất toàn cầu của General Motors (Global Manufacturing, Manufacturing Engineering, and Labor Relations) trong những năm cuối cùng làm việc tại tập đoàn này.
Chức vụ Phó Chủ tịch của ông được xếp vào loại Executive Vice President (EVP) (Trong các tập đoàn rất lớn, chức Phó Chủ tịch tập đoàn thường được chia thành nhiều loại nhằm thực hiện các nhiệm vụ khác nhau: Executive Vice President - EVP, Vice President - VP, Assistant Vice President - AVP…).
Trong các báo cáo thường niên năm 2014 và 2015 của General Motors, vị Tân Tổng giám đốc Nhà máy VinFast đều được nhắc đến trong đội ngũ Ban Lãnh đạo (Management Team hay Leadership Team).
Đến năm 2016, tên ông không còn xuất hiện do đây là lúc ông đã quyết định nghỉ hưu sau 37 năm làm việc, trong đó có 16 năm tại General Motors
Số liệu thu nhập năm 2015 của một vài thành viên Ban Lãnh đạo GM (Nguồn: Morningstar)
Điều đáng tiếc là mọi báo cáo của General Motors đều không chỉ ra con số lương cụ thể của từng thành viên trong Ban Lãnh đạo tập đoàn này, bao gồm cả của ông DeLuca.
Tuy nhiên, chúng ta hoàn toàn vẫn có thể dựa vào số lương công bố của những người đồng cấp EVP - những người sẽ có tương đương mức lương với ông Deluca - để làm những phép suy ra có độ tin cậy cao.
Cụ thể, năm 2015 – năm cuối cùng vị Tân Tổng Giám đốc Nhà máy VinFast làm việc tại General Motors – trang Morningstar ghi nhận những người đồng cấp với ông với con số thu nhập như sau:
- Ông Chuck Stevens (EVP giám đốc tài chính hay CFO) có tổng thu nhập 8,1 triệu USD trong cả năm.
- Ông Mark Reuss (EVP phụ trách phát triển sản phẩm toàn cầu, mua hàng và chuỗi cung ứng) có tổng thu nhập 10,2 triệu USD trong cả năm.
- Ông Craig Glidden (EVP phụ trách về mặt luật pháp hay CLO) có tổng thu nhập 8,4 triệu USD trong cả năm.
Tất cả những con số này đều được ‘chặn trên’ bởi số thu nhập của Chủ tịch tập đoàn là ông Daniel Ammann (ông này hưởng mức thu nhập 11,8 triệu USD năm 2015).
Số liệu thu nhập năm 2015 của một vài thành viên Ban Lãnh đạo GM (Nguồn: salary.com)
Sang tới năm 2016 – thời điểm ông James B.DeLuca đã nghỉ - thì mức lương của những người nắm chức vụ EVP hầu như không thay đổi nhiều. Trang salary.com đưa ra thông kê vào năm này như sau:
- Ông Mark Reuss (EVP phụ trách phát triển sản phẩm toàn cầu, mua hàng và chuỗi cung ứng) có tổng thu nhập 8,3 triệu USD trong cả năm.
- Ông Chuck Stevens (EVP giám đốc tài chính hay CFO) có tổng thu nhập 7,5 triệu USD trong cả năm.
Những mức thu nhập này này đều được ‘chặn trên’ bởi con số tương tự của ông Daniel Ammann (ông này có thu nhập 10,2 triệu USD trong năm 2016). Cũng theo trang salary.com thì những con số này chỉ bao gồm khoảng một nửa là lương cứng, còn lại là thu nhập từ cổ phiếu và một số khoản tiền khác).
Từ những số liệu kể trên, có thể thấy rằng trước khi được được mời về VinFast làm việc, ông James B.DeLuca có thể đã được General Motors trả tới 7 triệu USD – 10 triệu USD cho mỗi năm.
Con số này tương đương với 160 tỷ đồng – 227 tỷ đồng. Chia theo tháng, Tân Tổng giám đốc Nhà máy VinFast có thể đã từng bỏ túi từ 13 tỷ đồng – 19 tỷ đồng thu nhập hàng tháng.
Giờ đây, khi đã được VinFast ‘chiêu mộ’, câu hỏi được đặt ra là mức lương mà tập đoàn Vingroup trả cho vị cựu lãnh đạo General Motors là cao đến mức nào. Có một điều chắc chắn là con số đó sẽ không thể kém cạnh mức lương rất khủng mà ông DeLuca từng có, trong thời gian còn làm việc cho hãng sản xuất xe hàng đầu thế giới.
Thế nhưng nếu như vậy, câu hỏi lại sẽ được đặt lại cho chính quỹ lương của Vingroup. Nên nhớ rằng cũng vào năm 2015, một thông báo phát ra từ Vingroup đã xác nhận chi ra 5,5 tỷ đồng trong cả năm 2015 để trả lương cho Hội đồng quản trị gồm 10 người của tập đoàn này.
Như vậy vào năm đó, lương Vingroup trả cho cả 10 con người ‘chóp bu’ của tập đoàn này trong một năm chưa bằng nổi số tiền ông DeLuce đút túi trong một tháng.
Jurgen Klinsmann trong màu áo Spur - Kết quả của một thường vụ thuyết phục bằng niềm tin sắt đá vào tương lai
Trong làng bóng đá thế giới cũng có một câu chuyện tương tự như cách Vingroup 'chiêu mộ' người tài để biến giấc mơ của mình thành hiện thực. Đó là mùa hè năm 1994, huyền thoại bóng đá người Đức Jurgen Klinsmann, lúc đó đang trên đỉnh châu Âu, bất ngờ chuyển tới thi đấu cho một câu lạc bộ ‘làng nhàng’ của nước Anh lúc đó là Tottenham Hotspur (Spur).
Người ta kể rằng, vị chủ tịch của Spurs lúc đó đã tới thuyết phục Jurgen Klinsmann chỉ bằng niềm tin sắt đá rằng câu lạc bộ của mình có thể vươn xa tới đâu, đạt được những thành tựu gì và họ cần sự có mặt của cầu thủ người Đức như một điều không thể thiếu. Sau khi được thuyết phục, Klinsmann đã quyết định giảm lương và đến với đội bóng phía Bắc London.
Kết quả, một mùa giải thành công đã tới với Spur.
Và, câu chuyện của Vingroup cũng có thể sẽ như vậy.