Triết lý thú vị của SSStutter - "local brand" thời trang cho nam giới: Phải nhạy cảm như một cô gái thì khách hàng mới cảm nhận được

08/09/2023 09:53 AM | Kinh doanh

Founder & CEO của hãng thời trang SSStutter chia sẻ đằng sau mỗi chữ S trong tên thương hiệu đều có ý nghĩa. Đầu tiên là “Serve” – hãy phục vụ cộng đồng. Thứ hai là “Sensitive” – hãy nhạy cảm với những thứ khách hàng cần. Thứ 3 là “Slow” - hãy phát triển thật chậm.

Triết lý thú vị của SSStutter - "local brand" cho nam giới: Phải nhạy cảm như một cô gái thì khách hàng mới cảm nhận được - Ảnh 1.

Founder & CEO SSStutter Thư Lê.

SSStutter là thương hiệu thời trang nam khá quen thuộc với những khách hàng yêu thích phong cách đơn giản, gọn gàng và tinh tế, được thành lập từ năm 2014 và hiện có 6 cửa hàng tại Hà Nội và TP. HCM.

Giữa thị trường kinh doanh ngành thời trang được coi là “đại dương đỏ” vì sự cạnh tranh quá khốc liệt, Founder & CEO Thư Lê của SSStutter cho rằng để đủ sức đứng vững thì doanh nghiệp cần phải làm cầu kỳ hơn trước đây.

Sau khi làm hàng nhập rồi đến trang phục may mặc, vài năm gần đây tôi nhận thấy phải phát triển sản phẩm ở tầng cao hơn nữa là những dòng đồ thông minh. Với 1 đồng bỏ ra, khách hàng phải nhận về 2-3 thứ có giá trị trên mỗi sản phẩm. Thay vì mua một cái quần chỉ là một cái quần, giờ đây nó phải là sản phẩm đa năng, tiện dụng, chống nhăn, siêu co giãn”, CEO của SSStutter chia sẻ trong series podcast Chapter0 của Rising Vietnam.

"Một thương hiệu hãy phát triển thật chậm"

Khi được hỏi về bí quyết xây dựng một thương hiệu mạnh, Thư Lê cho biết ngay từ đầu local brand của anh đã tập trung truyền tải giá trị, bởi không có giá trị sẽ không bán được hàng. Bên cạnh đó, anh nhận thấy suy nghĩ của mình hơi ngược số đông với tư duy “3S”.

Đằng sau mỗi chữ S trong tên thương hiệu của chúng tôi đều có ý nghĩa. Đầu tiên là “Serve” – hãy phục vụ cộng đồng. Thứ hai là “Sensitive” – hãy nhạy cảm với những thứ khách hàng cần. Nhiều khi mình phải như một cô gái, cầu kỳ hơn người bình thường một chút thì khách hàng mới cảm nhận được.

Thứ 3 là “Slow”. Đa phần các thương hiệu đều mong muốn phát triển nhanh. Nhưng đối với tôi, một thương hiệu hãy phát triển thật chậm, vì không thể nào ép một đứa bé lớn nhanh được. Nó cần phải ăn cơm, học hỏi và sai lầm. Tôi nghĩ chữ S cuối cùng còn là “Sai lầm”. Hãy sai lầm nhiều lên”, Thư Lê nêu quan điểm.

CEO của SSStutter thẳng thắn chia sẻ rằng tất cả những thứ anh làm đều sai, nhưng SSStutter lại là lần đúng duy nhất.

Trong cuộc sống nhiều khi mình chỉ cần đúng một lần. Bạn có thể thua 50 lần, nhưng bạn thắng một lần vẫn là thắng. Nên theo tôi thì hãy sai nhiều lên để có một lần đúng thôi”, anh bày tỏ.

Triết lý thú vị của SSStutter - "local brand" cho nam giới: Phải nhạy cảm như một cô gái thì khách hàng mới cảm nhận được - Ảnh 2.

Một cửa hàng của SSStutter với logo gồm 3 chữ S.

Yếu tố con người quyết định tới 90% trong mọi vấn đề

Chia sẻ về những kinh nghiệm khi xây dựng và phát triển SSStutter, Thư Lê cho biết bài học đầu tiên đối với một người làm kinh doanh nói chung, không chỉ trong lĩnh vực thời trang, là hãy biết quản lý tài chính.

Đa phần mọi người khi thoát khỏi tầng kiếm tiền từ 10 triệu lên 20 triệu, rồi từ 20 triệu sẽ lên được 50 triệu. Có một bí mật là từ 50 triệu sẽ lên 100 triệu và 200 triệu rất nhanh.

Tuy nhiên, thường chúng ta kiếm rất nhiều nhưng lại không giữ được đồng nào sau hành trình vất vả đấy, vì không biết cách cất tiền vào đâu và tái đầu tư như thế nào. Chúng ta thường tiêu hết, đặc biệt khi còn trẻ. Nên lời khuyên của tôi là hãy biết về kế toán, tài chính và cách quản lý tiền bạc trước khi làm bất cứ cái gì”, anh cho hay.

Đối với SSStutter, doanh nghiệp thường gặp khó khăn về dòng tiền vào thời điểm xuân – hè mỗi năm, bởi lúc này nhu cầu mua sắm của mọi người giảm.

Vậy nên trong thời trang thường có 2 mùa. Mùa đầu tiên là mùa gieo trồng, thứ 2 là mùa gặt. Mùa gieo trồng là xuân – hè, mùa gặt hái là thu – đông. Vào mùa gặt hái chúng ta hãy biết cách tiết kiệm, tích lũy và cất đi”, vị CEO đưa ra lời khuyên.

Sau quản lý tài chính, Thư Lê đánh giá bài học thứ hai cần quan tâm là vấn đề con người.

Đây là bài học từ thời còn trẻ, khi tôi rất tự kiêu và nghĩ rằng không có nhân viên vẫn còn tôi, công ty sẽ sống ổn. Đến khi mất một số người rồi, tôi mới nhận ra đáng lẽ mình nên trưởng thành hơn, lắng nghe và giải quyết nhu cầu của họ nhiều hơn thì họ sẽ ở lại và công ty sẽ cùng đi lên. Tất cả các vấn đề, 90% là từ con người”, anh kết luận.

Minh Anh

Cùng chuyên mục
XEM