Từng là nước hạnh phúc nhất thế giới, giờ đây 1/8 dân số Bhutan sống trong cảnh nghèo đói, bị loại khỏi bảng xếp hạng hạnh phúc toàn cầu

19/11/2024 15:58 PM | Quốc tế

Chuyện gì đang diễn ra với quốc gia từng hạnh phúc nhất thế giới?

Từng là nước hạnh phúc nhất thế giới, giờ đây 1/8 dân số Bhutan sống trong cảnh nghèo đói, bị loại khỏi bảng xếp hạng hạnh phúc toàn cầu- Ảnh 1.

Theo hãng tin CNN, đất nước Bhutan đang có sự biến đổi nhanh chóng. Quốc gia 700.000 người này từng được mệnh danh là nơi hạnh phúc nhất thế giới thì giờ đây thậm chí còn chẳng được xếp hạng trong số 143 quốc gia.

Trong khi đó Thủ tướng Tshering Tobgay của Bhutan khi nhậm chức vào năm 2023 thậm chí đã phải thừa nhận nền kinh tế quốc gia này bên bờ vực sụp đổ.

Hãng tin CNBC cho hay ngành du lịch chưa thể phục hồi hoàn toàn sau đại dịch khiến tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ tăng lên gần 30% và 1/8 dân số sống trong cảnh nghèo đói.

Số liệu của Ngân hàng thế giới (World Bank) thì cho thấy tốc độ tăng trưởng kinh tế của Bhutan không đổi quanh mức 1,7% suốt 5 năm qua do chính phủ không đặt quá nặng việc nâng cao tốc độ tăng trưởng bằng mọi giá. Trong khi đó dự trữ ngoại hối thì xói mòn nghiêm trọng.

Từng là nước hạnh phúc nhất thế giới, giờ đây 1/8 dân số Bhutan sống trong cảnh nghèo đói, bị loại khỏi bảng xếp hạng hạnh phúc toàn cầu- Ảnh 2.

Thủ tướng Tshering Tobgay

Bởi vậy sau cuộc bầu cử quốc hội đầu năm 2024, Bhutan đã buộc phải có những thay đổi.

Phải chăng chính kinh tế là cội nguồn cho mọi sự bất hạnh?

Xem TikTok thay vì cầu nguyện

Hãng tin CNN cho biết phần lớn du khách biết đến Bhutan nhờ 2 thứ: mức phí du lịch 100 USD/ngày để duy trì phát triển bền vững và sự ra đời của Chỉ số hạnh phúc quốc gia (GNH).

Những câu chuyện về chính phủ Bhutan quan tâm đến hạnh phúc con người hơn cả GDP hay người dân hài lòng với cuộc sống xuất hiện trên khắp các mặt báo.

Tuy nhiên Báo cáo xếp hạng chỉ số hạnh phúc toàn cầu (WHR) mới đây của Liên Hiệp Quốc lại cho thấy một sự thật ngỡ ngàng. Trong khi Phần Lan, Thụy Điển và Đan Mạch vẫn giữ vững ngôi vương thì Bhutan lại biến mất trong số 143 quốc gia và vùng lãnh thổ được xếp hạng.

Nói ngắn gọn là Bhutan bị loại ra khỏi danh sách này.

"Tôi phải nói rằng người dân của chúng tôi thực sự hạnh phúc, nhưng giờ đây do tất cả những thứ hiện đại và công nghệ du nhập, bằng cách nào đó chúng tôi ngày càng mất kết nối, khiến mọi người có xu hướng chán nản và buồn bã hơn", nhà sáng lập Tandin Phubz của trang Facebook Humans of Thimpu than thở.

Xin được nhắc rằng Bhutan là một quốc gia theo đạo Phật nên tâm linh và tôn giáo đóng vai trò rất quan trọng. Thế nhưng theo Phubz, những tiện ích giải trí hiện đại đã khiến mọi người phân tâm.

"Mọi người có xu hướng quên cầu nguyện vào buổi sáng và buổi tối. Thay vào đó họ dùng điện thoại xem TikTok, vuốt lên và xuống", anh Phubz ngán ngẩm.

Tuy nhiên sự du nhập của công nghệ và văn hóa toàn cầu không phải thứ duy nhất khiến Bhutan mất đi bản sắc và không được xếp hạng năm nay. Câu chuyện còn nằm ở kinh tế và sự thay đổi của lớp trẻ.

Từng là nước hạnh phúc nhất thế giới, giờ đây 1/8 dân số Bhutan sống trong cảnh nghèo đói, bị loại khỏi bảng xếp hạng hạnh phúc toàn cầu- Ảnh 3.

Hạnh phúc cần tiền

Chỉ số GNH đã được Cựu quốc vương Jigme Singye Wangchuck giới thiệu từ đầu thập niên 1970 và vẫn được áp dụng tại Bhutan cho đến tận ngày nay.

Tuy nhiên với tình hình kinh tế khó khăn khiến người dân nghèo đói hơn, chính phủ Bhutan đang phải thay đổi chiến lược lên GNH 2.0 nhằm cân bằng giữa phát triển kinh tế và chỉ số hạnh phúc.

"Bhutan đang phải vật lộn với một cuộc khủng hoảng kinh tế khiến quốc gia đứng trên bờ vực nguy hiểm", Tân Thủ tướng mới đắc cử của Bhutan, ông Tshering Tobgay thừa nhận.

"Chúng tôi đã quá bảo thủ nên bị tụt lại phía sau, thất bại về mặt kinh tế", Thủ tướng Tobgay nói thêm.

Năm 2023, Bhutan chào đón 103.000 du khách đến thăm, chỉ bằng 1/3 so với thời điểm trước đại dịch Covid-19 năm 2019.

Chính phủ Bhutan đặt kế hoạch thu hút trở lại hơn 300.000 du khách mỗi năm để tăng ngân sách nhưng mục tiêu rất khó đạt được.

Kể từ khi chào đón du khách vào năm 1974, Bhutan đã nhắm đến những nhóm du khách hạng sang nhằm duy trì thu nhập nhưng không ảnh hưởng đến môi trường và cuộc sống của người dân. Nhờ đó Bhutan trở nên nổi tiếng về văn hóa đặc biệt dù rất khắt khe với khách du lịch.

Giờ đây khi cần thu hút du khách nhiều hơn, Bhutan bắt đầu nới lỏng các quy định, cho phép du khách so sánh và đặt trước dịch vụ hướng dẫn viên du lịch.

Theo CNBC, ngành du lịch của Bhutan đang phục hồi chậm hơn so với các nền kinh tế Châu Á khác. Tổng lượng khách du lịch đến quốc gia này năm 2023 chỉ bằng 1/3 so với năm 2019 trước đại dịch Covid-19.

Quốc gia nổi tiếng là hạnh phúc nhất thế giới này đã phải 3 lần thay đổi "Phí phát triển bền vững", một loại thuế đối với du khách đến du lịch ở Bhutan. Ban đầu nước này nâng loại phí này lên 200 USD/người khi mở cửa trở lại vào tháng 9/2022, vấp phải nhiều tranh cãi để rồi sau đó giảm liên tiếp 2 lần vì quá ít du khách ghé thăm.

Từng là nước hạnh phúc nhất thế giới, giờ đây 1/8 dân số Bhutan sống trong cảnh nghèo đói, bị loại khỏi bảng xếp hạng hạnh phúc toàn cầu- Ảnh 4.

Trong khi đó, hãng tin Reuters cho hay hàng nghìn thanh thiếu niên Bhutan đã bỏ ra nước ngoài để xuất khẩu lao động hoặc kiếm việc làm trong bối cảnh thất nghiệp cao ở nội địa.

Tuy nhiên chính lớp trẻ ra đi này lại đang thay đổi văn hóa và tư duy tại Bhutan về "hạnh phúc".

Xung đột thế hệ

Hãng tin CNN cho hay ngày càng có nhiều người trẻ rời Bhutan để đi du học và làm việc ở nước ngoài và chính những nhân tố này đang dần thay đổi lối suy nghĩ của người dân.

Ban đầu, phong trào du học và làm việc tại nước ngoài chỉ do áp lực kinh tế cũng như sự ganh đua của các gia đình. Thế nhưng theo nhà sáng lập Phubz, những thanh thiếu niên trẻ này sẽ không còn quen thuộc với phong tục và văn hóa của Bhutan nữa sau nhiều năm ở nước ngoài.

Cô Chokey Wangmo, một du học sinh Bhutan trở về từ Ấn Độ cho biết cách sống tại quê hương đã dần lỗi thời và cần phải học hỏi để thay đổi.

Vốn là một nhà khởi nghiệp, cô Wangmo cho hay bản thân không thể tìm thấy một ngân hàng nào ở Bhutan có dịch vụ điền thông tin trực tuyến, thay vào đó mọi người đều phải đến làm trực tiếp tại quầy giao dịch.

Thậm chí những như lên lịch họp, tin nhắn ngoài văn phòng và dịch vụ khách hàng trực tuyến thường không tồn tại ở các văn phòng Bhutan.

Trong khi văn hóa truyền thống của người Bhutan là quan tâm đến nhau, hàng xóm gia đình hỗ trợ lẫn nhau, có khi cả làng sẽ đến một gia đình có em bé mới sinh hay chào đón ai đó về từ bệnh viện.

Tuy nhiên nhiều bạn trẻ giờ đây lại cảm thấy ngột ngạt khi chỉ muốn ăn tối một mình hay không muốn đón tiếp quá nhiều khách khứa trong ngày.

Mặc dù có hệ thống chăm sóc sức khỏe cộng đồng miễn phí nhưng chính phủ Bhutan lại quên mất sức khỏe tinh thần của người dân.

Từng là nước hạnh phúc nhất thế giới, giờ đây 1/8 dân số Bhutan sống trong cảnh nghèo đói, bị loại khỏi bảng xếp hạng hạnh phúc toàn cầu- Ảnh 5.

Khi đại dịch Covid-19 diễn ra, mọi người bị tách khỏi các mạng lưới quan hệ xã hội và bắt đầu nhìn nhận lại thứ bản thân thực sự muốn là gì, điều gì khiến họ thực sự hạnh phúc.

Tuy nhiên chính điều này lại tạo nên sự xung đột quan điểm giữa các thế hệ tại Bhutan.

Bản sắc văn hóa

Trước đây Bhutan nổi tiếng là quốc gia hạnh phúc nhất thế giới khi không đặt quá nặng vấn đề phát triển kinh tế lên hàng đầu. Người dân ở đất nước xinh đẹp này sống rất đơn giản, thuận theo tự nhiên và ai cũng thấy mình luôn hạnh phúc.

Kể từ thập niên 1970, các nhà lãnh đạo Bhutan đã bắt đầu ưu tiên hạnh phúc của người dân hơn tăng trưởng kinh tế và chỉ số GNH ra đời nhằm đối phó tình trạng hiện đại hóa nhanh chóng làm xói mòn các giá trị truyền thống.

Chỉ số GNH bao gồm 9 lĩnh vực: Phúc lợi tâm lý, mức sống, quản trị tốt, sức khỏe sức sống cộng đồng, đa dạng văn hóa, sử dụng thời gian và khả năng phục hồi sinh thái.

Để đạt các mục tiêu hạnh phúc này, toàn bộ chi phí cơ bản như y tế, giáo dục... đều được miễn phí ở Bhutan.

Song song với đó, chính phủ rất coi trọng việc bảo tồn sự đa dạng của các giá trị văn hóa truyền thống của đất nước. Một trong số đó là bảo tồn môi trường khi Bhutan là nước có độ phủ rừng lên đến 72%, thuộc hàng xanh nhất thế giới bất chấp việc phát triển du lịch.

Xã hội của Bhutan cũng được xây dựng dựa trên ý thức cộng đồng và sự gắn kết xã hội mạnh mẽ. Người dân yêu chuộng hòa bình, kỷ luật bất chấp tầng lớp. Chính sự gắn kết này khiến mọi người tích cực tham gia các hoạt động cộng đồng, lao động công ích, tạo nên sự đoàn kết, kết nối và cảm giác được coi trọng ở từng cá nhân.

Từng là nước hạnh phúc nhất thế giới, giờ đây 1/8 dân số Bhutan sống trong cảnh nghèo đói, bị loại khỏi bảng xếp hạng hạnh phúc toàn cầu- Ảnh 6.

Một yếu tố nữa khiến Bhutan được xếp hạng là một trong những nước hạnh phúc nhất thế giới nằm ở niềm tin Phật giáo. Quan điểm theo đuổi bình an, không cạnh tranh, sân si hay thậm chí nghĩ làm điều gì xấu với người khác đã ăn sâu vào tiềm thức người dân.

Phần lớn người Bhutan cho rằng nếu sống đẹp thì kiếp sau sẽ viên mãn, khiến họ luôn cố gắng trở thành người có ích, làm điều tốt.

Tuy nhiên liệu khó khăn kinh tế có làm mất những giá trị bản sắc văn hóa này đi hay không vẫn còn là một câu hỏi chờ lời giải đáp.

*Nguồn: CNN

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM