Toyota chứng minh cho cả thế giới thấy 'không vội làm xe điện' là đúng: 1 startup làm 9 năm vẫn lỗ, càng bán càng không có lãi

13/10/2023 10:04 AM | Kinh doanh

Trái với các startup xe điện đốt tiền mà càng bán càng lỗ, những thương hiệu Nhật Bản như Toyota nhiều khả năng muốn duy trì nguồn thu để có thể chạy đua trong dài hạn, chậm nhưng chắc chắn và đúng hướng hơn là vội vàng để rồi mắc sai lầm.

Toyota chứng minh cho cả thế giới thấy 'không vội làm xe điện' là đúng: 1 startup làm 9 năm vẫn lỗ, càng bán càng không có lãi - Ảnh 1.

Tờ Nikkei Asian Review nhận định bài học của startup xe điện Nio-Trung Quốc cho thấy việc vội vàng đổ tiền vào thị trường này không hề dễ dàng như nhiều người tưởng tượng.

Đây cũng chính là một trong những lý do mà Toyota không quá vội vàng đổ tiền vào ngành ô tô điện này.

Hãng Nio vốn nhận được rất nhiều đầu tư cho nghiên cứu và phát triển nhưng đã suốt 9 năm trôi qua, startup xe điện Trung Quốc này vẫn chưa có lãi.

Thậm chí cứ mỗi chiếc xe điện bán ra, hãng này lại lỗ thêm 35.000 USD/chiếc.

Toyota chứng minh cho cả thế giới thấy 'không vội làm xe điện' là đúng: 1 startup làm 9 năm vẫn lỗ, càng bán càng không có lãi - Ảnh 2.

Đốt tiền

Được thành lập từ năm 2014, Nio nổi tiếng với việc hợp tác cùng bên thứ 2 để phát triển sản phẩm của mình, nghĩa là hãng này không có nhà máy và tự chủ được nguồn cung cứng như ông lớn BYD.

Công ty này cho ra mắt sản phẩm đầu tiên vào năm 2018 và niêm yết trên sàn chứng khoán New York cùng năm.

Khác với BYD khi tập trung phát triển chiều dọc và tự chủ chuỗi cung ứng, Nio lại nhắm đến việc xây dựng công nghệ sạc, ắc quy, hệ thống bán dẫn và phần mềm điều khiển xe điện của mình, còn mảng sản xuất thì thuê ngoài với bên thứ 3, tương tự như những gì Apple làm với iPhone.

Tuy nhiên, điều khiến Nio thu hút sự chú ý của giới truyền thông là khả năng “đốt tiền” của startup này.

Trong khoảng năm 2016 đến tháng 6/2023, hãng này đã chi tới 36,8 tỷ Nhân dân tệ, tương ứng 5,15 tỷ USD cho nghiên cứu phát triển (R&D) công nghệ.

Con số này ngang bằng với tổng chi cho R&D của Mitsubishi Motors, vốn là hãng xe hơi có doanh số theo đơn vị nhiều gấp 7 lần Nio.

Năm 2020, khi Nio gần như cạn vốn thì chính quyền địa phương Trung Quốc đã rót 1 tỷ USD để mua 24% cổ phần, thế rồi một ngân hàng quốc doanh dẫn đầu một nhóm các nhà đầu tư cũng bơm thêm 1,6 tỷ USD nữa để cứu hãng xe điện non trẻ này.

Mặc dù chưa thu được đồng lãi nào suốt 9 năm qua nhưng Nio vẫn không từ bỏ việc “đốt tiền” của nhà đầu tư.

Trong năm nay, Nio dự kiến sẽ chi nhiều hơn nữa cho R&D và ước tính sẽ vượt con số 1,55 tỷ USD mà hãng Suzuki Motors dùng để chi cho nghiên cứu công nghệ.

Tính riêng trong năm 2022, tỷ lệ chi phí R&D do với doanh số của Nio lên đến 22%, cao hơn nhiều so với 3,8% của Tesla và 4,3% của BYD, hai ông lớn trong ngành xe điện.

Toyota chứng minh cho cả thế giới thấy 'không vội làm xe điện' là đúng: 1 startup làm 9 năm vẫn lỗ, càng bán càng không có lãi - Ảnh 3.

Đáng chú ý hơn, chi phí nhân sự chiếm đến 60% khoản chi R&D của Nio. Mức lương bình quân của nhân sự hãng này lên đến 670.000 Nhân dân tệ mỗi năm, thuộc hàng khá cao ở Trung Quốc dù startup này đang lỗ nặng.

Doanh số năm 2022 của Nio đã tăng gấp 6 lần so với cách đây 3 năm, đạt mức 49,2 tỷ Nhân dân tệ nhưng khoản lỗ trong hoạt động kinh doanh cũng tăng từ 11 tỷ Nhân dân tệ lên 15,6 tỷ Nhân dân tệ cùng kỳ.

Một nguyên nhân khiến Nio đốt quá nhiều tiền bên cạnh R&D là chi phí xây dựng các điểm đổi ắc quy.

Hãng đã cho lắp đặt hơn 1,300 trạm đổi ắc quy trên toàn Trung Quốc và dự kiến sẽ xây dựng thêm 1.000 trạm nữa trong năm nay. Bình quân mỗi trạm đổi ắc quy này tiêu tốn khoảng 3 triệu Nhân dân tệ.

Trong nửa đầu năm 2023, Nio báo cáo khoản lỗ kinh doanh đến 11,1 tỷ Nhân dân tệ, cho thấy khả năng cao startup xe điện này sẽ tiếp tục không có lãi năm nay.

Công ty cũng đã tuyển dụng 11.000 nhân viên cho mảng nghiên cứu, nhưng lại chỉ bán được 8.000 chiếc xe mỗi tháng, kém xa so với hơn 430.000 chiếc trong quý II của nhà Elon Musk.

Tính riêng trong quý II, hãng xe điện non trẻ này đã lỗ đến 835 triệu USD, tương đương lỗ 35.000 USD trên mỗi chiếc xe bán ra.

Đây là thông tin tiêu cực với nhà đầu tư khi kể từ đầu năm 2023, Trung Quốc đã dần cắt giảm các khoản trợ cấp cho ngành xe điện.

Hậu quả của sự cắt giảm này là doanh số theo đơn vị trong quý II/2023 của Nio đã giảm xuống mức thấp nhất 2 năm qua bất chấp hãng liên tục đốt tiền.

Toyota chứng minh cho cả thế giới thấy 'không vội làm xe điện' là đúng: 1 startup làm 9 năm vẫn lỗ, càng bán càng không có lãi - Ảnh 4.

Tình hình của Nio khó khăn đến mức vào tháng 9/2023, hãng đã phải quyết định phát hành trái phiếu bằng đồng USD với tổng trị giá 1 tỷ USD, qua đó cho thấy khó khăn về tài chính bắt đầu xuất hiện.

Cổ phiếu của Nio đã giảm 10% kể từ cuối năm 2022 đến nay, trong khi giá cổ phiếu của Tesla lại tăng đến 110% cùng kỳ.

Chậm nhưng chắc

Theo Nikkei, câu chuyện của Nio chẳng có gì lạ với Tesla khi đế chế nhà Elon Musk cũng chỉ có lãi từ năm thứ 18 sau khi thành lập.

Tuy nhiên việc Nio bắt chước thành công của Tesla là điều khá khó khăn khi tại thời điểm trước đây, đế chế Elon Musk đã thống trị thị trường vì là người tiên phong trong ngành.

Thế nhưng hiện tại, thị trường xe điện lại quá đông đối thủ và sự cạnh tranh gay gắt, khi Phương Tây tích cực hỗ trợ ngành xe điện để chạy đua cùng Trung Quốc.

Bởi vậy tờ Nikkei nhận định dự đoán của một số hãng xe Nhật Bản như Toyota là chính xác khi không quá vội vàng nhảy vào thị trường.

Suy cho cùng, với tài lực của mình thì hãng xe Nhật hoàn toàn có thể đi sau nhưng giành thắng lợi cuối cùng về dài hạn nếu đi đúng hướng.

Cũng theo Nikkei, các hãng xe Nhật Bản dự kiến sẽ chi hàng trăm tỷ đến nghìn tỷ Yên cho chiến lược đầu tư trung-dài hạn với ngành xe điện.

Để có thể duy trì được một kế hoạch dài hơi với khoản tiền đầu tư khổng lồ như vậy thì các hãng ô tô sẽ cần đảm bảo doanh thu của mình thay vì đốt tiền “vô tội vạ” như Nio đang làm.

Toyota chứng minh cho cả thế giới thấy 'không vội làm xe điện' là đúng: 1 startup làm 9 năm vẫn lỗ, càng bán càng không có lãi - Ảnh 5.

Một số ước tính cho thấy các startup xe điện có thể sẽ cần bán được 200.000 chiếc ô tô mỗi năm thì mới có thể đạt điểm hòa vốn.

Ví dụ như Nissan Motor, hãng xe hơi dẫn đầu mảng xe điện Nhật Bản ở nội địa cũng chỉ bán được 130.000 chiếc năm 2022.

Báo cáo của hãng nghiên cứu MarkLines cho thấy ngay cả với tài lực hùng hậu về con người, cơ sở hạ tầng, công nghệ...thì mảng xe điện của Nissan vẫn khá mờ mịt.

Tờ Nikkei nhận định với tình hình cần đầu tư quá nhiều vốn, doanh thu thì khó tăng mạnh vì cạnh tranh quá lớn còn người tiêu dùng có quá nhiều lựa chọn.

Thêm nữa việc Elon Musk lại dẫn đầu cuộc chiến dìm giá khiến thị trường trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn rất nhiều với các thương hiệu ô tô truyền thống.

Quay trở lại với Nio, hãng xe điện này đã gây bất ngờ cho các nhà đầu tư khi cho ra mắt dòng smartphone tự sản xuất ngày 21/9/2023.

Sản phẩm này có thể kết nối hoạt động tự lái của xe điện Nio và cho thấy hãng không muốn bị bó buộc chỉ là công ty làm xe điện.

Tương tự, Tesla cũng đang có hướng triển khai xây dựng một hệ sinh thái bao quanh xe điện.

Với doanh số 1,8 triệu chiếc từ đầu năm đến nay, đế chế Elon Musk đang muốn xây dựng nên mạng lưới hệ sinh thái tương tự như những gì Apple đã làm với iPhone.

Việc dữ liệu người dùng có thể tích hợp vào phần mềm lái xe điện và mạng lưới trạm sạc, Tesla đang cố gắng xây dựng một nền tảng kinh doanh tương tự như các hãng công nghệ lớn Google, Amazon hay Apple đã và đang làm.

*Nguồn: Nikkei

Băng Băng

Cùng chuyên mục
XEM