Vì sao Kinh Đô bán mì gói, dầu ăn dưới thương hiệu KIDO?
Kinh Đô hi vọng lịch sử sẽ lặp lại thời KIDO mua kem Wall và phát triển mạnh ở một ngành mới như kem.
Nội dung nổi bật:
- Lãnh đạo Kinh Đô cho biết, trong thời gian tới, KIDO sẽ là thương hiệu tham gia vào lĩnh vực các ngành hàng thiết yếu và thực hiện tham vọng Top 3: “Tất cả các sản phẩm từ mì ăn liền, dầu ăn, gia vị và các thực phẩm đóng gói khác sẽ đều mang thương hiệu KIDO.”
- Lý do: Kinh Đô hi vọng lịch sử sẽ lặp lại thời KIDO mua kem Wall và phát triển mạnh ở một ngành mới như kem.
Năm 2003 KIDO mua lại nhà máy kem Wall’s từ một tập đoàn đa quốc gia. 10 năm sau KIDO làm lu mờ thương hiệu kem Wall’s bằng hai nhãn kem có sức tiêu thụ đứng đầu Việt Nam là Merino và Celano.
KIDO Group ra đời – Bước sẵn sàng để bánh kẹo Kinh Đô “về” với Mondelēz
Mới đây tại lễ ký kết đồng hành cùng kênh truyền hình MTV Việt Nam, thành viên của CTCP Kinh Đô – Kinh Đô Group (MCK: KDC) KIDO được gọi “tên mới” là KIDO Group. Tên gọi mới KIDO Group được đánh giá là không có gì bất ngờ bởi sự ra đời của dòng mì gói Đại Gia Đình thương hiệu KDO được Kinh Đô tung ra hồi đầu quý IV/2014.
Trao đổi với báo giới, lãnh đạo Kinh Đô cho biết, trong thời gian tới, KIDO sẽ là thương hiệu tham gia vào lĩnh vực các ngành hàng thiết yếu và thực hiện tham vọng Top 3 mà Ban Lãnh Đạo Kinh Đô đã công bố vào Đại hội Cổ đông thường niên của KDC.
Đại diện Ban lãnh đạo KDC cho biết thêm, theo sau thành công của mì phân khúc bình dân Đại Gia Đình sẽ là các sản phẩm cao cấp, siêu cao cấp với mì tô, mì ly vào giữa năm 2015. Trong năm này, công ty cũng sẽ tung ra các sản phẩm gia vị để phục vụ cho bếp gia đình Việt mang thương hiệu KIDO.
Song song đó, với việc sở hữu 51% vốn điều lệ tại Tổng Công ty Dầu thực vật Việt Nam - Vocarimex, KDC sẽ cho ra đời các sản phẩm dầu ăn mang thương hiệu KIDO trong thời gian tới.
“Tất cả các sản phẩm từ mì ăn liền, dầu ăn, gia vị và các thực phẩm đóng gói khác sẽ đều mang thương hiệu KIDO,” vị này khẳng định. Như vậy, với các sản phẩm kem đang dẫn đầu thị trường trong nước cùng các sản phẩm từ sữa rồi mì gói, gia vị, dầu ăn và các sản phẩm khác… KIDO mới chính là tập đoàn thực phẩm mà Kinh Đô đang xây dựng.
Giới phân tích cho rằng, việc xây dựng và “đẩy” thương hiệu KIDO cũng như đưa KIDO thành tập đoàn thực phẩm là bước “sẵn sàng” cho thương hiệu bánh kẹo Kinh Đô về với Mondelēz International - Mondelēz trước khi quý II/2015.
Vì sao Kinh Đô lại đặt trọng trách này lên vai KIDO?
Với mảng bánh kẹo, thương hiệu Kinh Đô đã tạo được dấu ấn và vị thế vững mạnh trên thị trường cũng như trong lòng người tiêu dùng. Còn thương hiệu KIDO sở hữu hai nhãn kem có sức tiêu thụ đứng đầu Việt Nam (Merino và Celano), nhưng cái tên KIDO cũng chưa được nhiều người biết đến. Tại sao tập đoàn này lại chọn KIDO để giao trọng trách?
Nếu nhắc đến công ty KIDO, người ta không thể không nhắc đến thương vụ đình đám vào năm 2003: mua lại nhà máy kem Wall’s từ một tập đoàn đa quốc gia. Ngành kem lúc đó đối với Kinh Đô mà nói là một lĩnh vực hoàn toàn mới, thị trường kem Việt Nam lại chịu rất nhiều sức ép từ các hãng kem ngoại nhập. Thế nhưng khi các sản phẩm dưới thương hiệu KIDO được ra đời, phần lớn thị phần Kem trong nước lại vào tay của công ty này.
Mặc dù là một cái tên rất thành công trong ngành thực phẩm bánh kẹo, nhưng lĩnh vực thiết yếu thực tế vẫn là lĩnh vực mới của Kinh Đô. Liệu thành công của KIDO trong lĩnh vực mới có lặp lại khi KDC bước chân vào ngành hàng thiết yếu?
Ở gốc nhìn lạc quan, người ta cho rằng, lịch sử này có khả năng sẽ lặp lại lần nữa vì nếu xét về tiềm năng, KIDO cũng là công ty sở hữu hệ thống phân phối rộng khắp, hệ thống vận hành, sản xuất, bán hàng cùng nền tảng Marketing, quảng bá chuyên nghiệp. Đồng thời là một công ty con, KIDO cũng thừa hưởng những nền tảng đã làm nên thành công của Kinh Đô như nguồn lực ban lãnh đạo, định hướng chiến lược, hệ thống vận hành và cả sứ mệnh mang đến niềm vui, sức khỏe cho người tiêu dùng thông qua những sản phẩm đa dạng, chất lượng.
Xét về khía cạnh tài chính, trong những năm qua, KIDO đóng góp không nhỏ vào lợi nhuận và các dòng sản phẩm củ KIDO đều có biên lợi nhuận thuộc hàng khủng của Kinh Đô.
Thời gian tới, thị trường thực phẩm phải đón một “vị khách” mới, đó là tập đoàn KIDO. Với mục tiêu không phải làm khách ở ngành này mà tham vọng là dẫn đầu thị trường, KIDO có gặt hái được thành công trong thời tới là một “ẩn số”. Nhưng với 20 năm xây dựng, phát triển, cùng với sự hài lòng của cổ đông về lợi ích của họ, thành quả từ những toan tính của ban lãnh đạo KDC có thể là gợi ý cho lời giải “bài toán thành công” trong tương lai của thương hiệu KIDO.
>> Vì sao Kinh Đô bán mì ăn liền bình dân?
Thái Khiêm