Tại châu Á, quảng cáo truyền thống mới là số 1

19/11/2015 08:18 AM | Marketing

Văn hóa truyền miệng, quảng cáo trên truyền hình tiếp tục tỏ ra là những đối thủ khó chơi của digital marketing tại thị trường châu Á.

Theo báo cáo mới nhất của Nielsen, hình thức quảng cáo truyền miệng và trên sóng truyền hình vẫn chứng tỏ sức hút khi tỏ ra là một phương thức hiệu quả và đánh vào niềm tin người tiêu dùng một cách trực tiếp.

Hơn 82% của người trả lời trực tuyến tại Hồng Kông nói rằng họ tin tưởng những gợi ý của bạn bè và gia đình do tâm lý social proof, thậm chí con số này còn giảm so với số liệu năm 2013 là 83%.

Có một thực tế tại châu Á là dù các phương tiện trực tuyến đang ngay càng phát triển, nhưng các phương thức quảng cáo truyền thống vẫn đóng một vị trí quan trọng trong các chiến lược marketing của các thương hiệu tại đây, điển hình quảng bá trên tạp chí, truyền hình hay tại các sự kiện offline.

Các cuộc khảo sát cho thấy hơn 40% người được khảo sát tại khu vực châu Á như Hong Kong, Singapore nói rằng họ bị ảnh hưởng bởi những trang quảng cáo trên những tạp chí hay tập san mà họ đọc, thông thường là những tạp chí về thời trang – nơi hội tụ nhiều thương hiệu từ làm đẹp, trang sức, phụ kiện cho đến tài chính.

"Trong thực tế, chúng tôi vô cùng bất ngờ khi các kênh thông tin truyền thống vẫn có chỗ đứng trong lòng khách hàng đến vậy, đặc biệt khi châu Á lại đang được coi là thị trường mới nổi thu hút nhiều công ty nước ngoài và các phương thức quảng bá mới hiện đại hơn”, dẫn lời ông Irene Chen – chuyên gia về digital marketing tại Đài Loan và Hồng Kông.

"Cụ thể, số liệu phân tích từ báo cáo về sức ảnh hưởng của quảng cáo truyền thống với khách hàng luôn ở mức hai con số. Có đến 46% lượng người tỏ ra tin tưởng 72% trong số đó dẫn tới hành động mua hàng.”

Trong khi quảng cáo kỹ thuật số có thể mang lại lợi ích đáng kể, ví dụ như có thể tiếp cận mọi lúc mọi nơi qua các sản phẩm công nghệ nhỏ gọn nhưng dường như chưa đủ để tạo nên hiệu ứng tại các quốc gia châu Á, nơi người tiêu dùng phần lớn ưa thích phong cách nhẹ nhàng và “mưa dầm thấm lâu” như quảng cáo truyền thống.

Nói như vậy không có nghĩa digital marketing không có những bước tiến khả quan tại châu Á khi tỷ lệ ủng hộ phương thức mới này đã tăng lên đáng kể so với cuối năm 2013 là 53%, tuy nhiên nếu so với cách quảng bá truyền miệng vẫn chỉ dừng lại ở mức khá khiêm tốn.

Văn hóa truyền miệng không thịnh hành ở bất cứ thị trướng nào hơn khu vực châu Á khi mà theo thống kê trung bình từ trước tới nay, có đến 88% người tiêu dùng làm theo những ý kiến của những người trước đó đã sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ.

Khảo sát cũng cho thấy 72% người xem tin tưởng các quảng cáo trên truyền hình, 70% dành cho các trang web chính thức của thương hiệu, 65% cho banner hay poster, và 66% đối với quảng cáo trên các tạp chí.

Các thương hiệu khi hoạt động tại châu Á nếu chỉ mải mê chạy theo các cách thức quảng cáo trực tuyến mới lạ và phổ biến tại phương Tây, rất có thể sẽ mất phương hướng nhãn hiệu trong lòng khách hàng ở nước sở tại.

“Người tiêu dùng châu Á cảm thấy hạnh phúc hơn với những kênh quảng cáo truyền thống, họ muốn được tương tác và mua sắm theo những phương thức qua truyền hình hay gọi điện đặt hàng.” – ông Chen cho hay.

Hơn nữa, các quảng cáo với từng sản phẩm hay mặt hàng khác nhau sẽ thu hút được sự quan tâm khác biệt, do đó nhiều thương hiệu đang có xu hướng lồng ghép những thông điệp hấp dẫn người xem vào những clip quảng cáo trên truyền hình của mình.

Trong marketing không có một khuôn mẫu hay công thức nào là chuẩn mực để áp dụng, mà gần như luôn thay đổi để phù hợp với hoàn cảnh và thời điểm. Sự hiểu biết sâu sắc về sở thích của người dân địa phương gần như là yếu tố quan trọng nhất quyết định chiến lược quảng bá tiếp thị của mỗi thương hiệu.

Tiếp cận đúng đối tượng, mang đến những thông điệp tích cực luôn là ưu tiên hàng đầu khi muốn cải thiện và nâng tầm hình ảnh tại một thị trường mới không phải quê hương.

Đây là cuộc khảo sát thăm dò ý kiến 30.000 người trả lời trực tuyến tại 60 quốc gia để đánh giá tình cảm của người tiêu dùng. Bài báo dựa trên những số liệu tại khu vực châu Á, đặc biệt là các quốc gia phát triển như Trung Quốc, Singapore, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong.

Thư Anh

Cùng chuyên mục
XEM