Show diễn thời trang hay chiến dịch “rang thính”?
Các thương hiệu thời trang đang ném hàng triệu đô qua cửa sổ (vào các show diễn RTW) để kiếm tiền từ những món đồ basic, hoặc những món đồ thuộc các bộ sưu tập Chớm Thu hoặc Resort và những hợp đồng license sản xuất các sản phẩm mỹ phẩm.
Trong khi các fashionista và các tín đồ thời trang trên toàn thế giới không ngừng tung hô về các show diễn, về sự bài trí cầu kỳ, phức tạp và nghệ thuật của chính các show diễn, thực tế các thương hiệu xem đây là một công cụ marketing.
Chanel mới đây nhất giới thiệu một show diễn với “Hãng hàng không Chanel Airline.” Ngay khi show diễn đang diễn ra ý tưởng về sàn diễn của hãng được chia sẻ, được “Tweet” và cập nhật không ngừng trên Instagram và triệu triệu người nói về show diễn đó.
Show diễn thời trang mới đây của Chanel
Trong một show diễn khác trước đó, nhà thiết kế của thương hiệu Karl Lagerfeld lại đầu tư vào nghệ thuật sắp đặt. Một đại diện của Chanel chia sẻ với Vogue, họ đã mất khoảng 08 ngày để sắp đặt bối cảnh sàn catwalk này. Riêng thời gian thu dọn cũng mất đứt 03 ngày.
Vậy câu hỏi đặt ra là có đáng làm như vậy không khi các bộ sưu tập RTW không phải là các “cỗ máy in tiền” thực sự của các thương hiệu. Cần hiểu rằng, ngay kể cả với những thương hiệu mang tính ứng dụng nhất thì thường cũng có 20% số mẫu được giới thiệu là không thể bán và cũng chẳng bao giờ được sản xuất.
Trên thực tế, những “cỗ máy in tiền” của các thương hiệu, của các nhà thiết kế và các nhà bán lẻ là những bộ sưu tập Resort và Chớm Thu được giới thiệu khá khiêm tốn vào tháng 01 và tháng 06 mỗi năm. Những mẫu quần áo này có thiết kế ứng dụng hơn, giá tốt hơn và có thời gian treo trong store lâu hơn.
Những mẫu thiết kế này “chịu trách nhiệm” tới khoảng 70%- 80% doanh số của một thương hiệu và của các cửa hàng bán lẻ, cũng như của các nhà phân phối. Nhưng hẳn nhiên, nếu với cách nghĩ thông thường vậy thì hẳn chính những bộ sưu tập Resort và Chớm Thu mới là những bộ sưu tập cần được đầu tư. Tuy nhiên đó chỉ là cách nghĩ thông thường!
Thời trang đang là một ngành công nghiệp thực sự. Và nếu như trước đây, thời trang được hiểu đơn thuần là thời trang, là mốt, là phong cách thì bây giờ thời trang đang tiệm cận gần với khái niệm showbiz nhiều hơn. Đó là lý do tại sao bạn thấy xuất hiện nơi hàng ghế đầu của các thương hiệu là những cái tên, những ngôi sao, những người có ảnh hưởng trong xã hội.
Hàng ghế đầu của các show diễn thường là những cái tên, những ngôi sao, những người có ảnh hưởng trong xã hội
Martin Raymond, người sáng lập hãng tư vấn và dự đoán các xu thế: The Future Laboratory khẳng định: “Các show trình diễn thời trang đang trở thành các vũ đài của văn hóa và nghệ thuật. Tôi nhớ điều mà Angela Ahrendts – giờ đang làm việc ở Apple - từng chia sẻ khi còn là CEO của Burberry: ‘Chúng ta không còn ở lĩnh vực thời trang nữa, chúng ta đang ở lĩnh vực giải trí’.”
Điều mà các thương hiệu đang nhận ra là mặc dù khách hàng chỉ muốn bỏ tiền cho các sản phẩm basic và các sản phẩm mang tính ứng dụng từ các bộ sưu tập Resort và Chớm Thu.
Tuy nhiên, bởi thời trang đang hoạt động theo cách của ngành công nghiệp giải trí nên các hãng vẫn cần những câu chuyện hoặc những “người kể truyện” là các bộ sưu tập. Nó sẽ giống như những động lực, những nguồn cảm hứng để người mua thọc sâu vào túi và dốc hầu bao cho những sản phẩm chẳng liên quan chút nào tới các bộ sưu tập RTW – hay thậm chí là Haute Couture.
Nếu 15 năm trước, chi phí tổ chức một show diễn vào khoảng 20.000 bảng thì nay chi phí này ít nhất khoảng 100.000 bảng. Trong đó chi phí thuê mướn người mẫu chí ít khoảng 250 bảng/người, chi phí sản xuất và ánh sáng cũng ở mức cao khủng khiếp.
Nếu thuê mướn một stylist hạng sao cho show diễn, vậy thì coi như nhà thiết kế đó đã mất đứt 15.000 bảng (và đó chỉ là tiền dành cho stylist hạng sao đó). Rồi còn chi phí cho các nhà thiết kế âm thanh nổi tiếng như Michel Gaubert hay Frédéric Sanchez. Tiền thuê địa điểm cũng không hề nhỏ bởi nếu muốn tổ chức show một thương hiệu phải thuê địa điểm tối thiểu là 02 ngày.