Việt Nam đứng trên Mỹ, Pháp xếp thứ 12 trong bảng xếp hạng giáo dục toàn cầu

13/05/2015 20:15 PM |

Theo một khảo sát mới đây của Tổ chức Hợp tác và Phát triển châu Âu (OECD), Việt Nam xếp trên các nước tiên tiến phương Tây như Mỹ, Anh, Pháp về trình độ toán và khoa học của học sinh.

Bảng xếp hạng được đưa ra dựa vào kết quả tổng hợp của các bài kiểm tra quốc tế gồm Chương trình đánh giá học sinh quốc tế (PISA) của OECD, xu hướng nghiên cứu quốc tế về toán học và khoa học (TIMMS) của Mỹ, và TERCE, nghiên cứu thành tích học tập của học sinh quốc gia khu vực Mỹ Latin.

Trong các nước được khảo sát, Việt Nam được xếp trên cả Mỹ, nước vốn được cho là có nền giáo dục hàng đều thế giới.

Theo bảng xếp hạng, học sinh Việt Nam xếp thứ 12 thế giới, trong khi Mỹ "chỉ" đứng ở thứ hạng 28. Ngay cả các nước tiên tiến khác như Anh, Pháp cũng xếp sau Việt Nam, hai nước này lần lượt đứng thứ 20 và 23.

Một điểm thú vị là 5 vị trí đầu bảng đều thuộc về các quốc gia châu Á là Singapore, Hong Kong, Hàn Quốc, Nhật Bản và Đài Loan. Trong khi đứng chót bảng là các nước thuộc khu vực châu Phi như Marốc, Nam Phi và Ghana.

“Nếu bạn vào một lớp học ở châu Á bạn sẽ thấy thầy cô giáo kỳ vọng rất nhiều vào học sinh. Các em học hành rất căng thẳng, tập trung và liên tục”, Andreas Schleicher, giám đốc giáo dục của OECD cho biết.

Đứng đầu bảng xếp hạng Singapore, quốc gia có tỷ lệ mù chữ rất cao vào những năm 1960. Thế nhưng, qua nhiều năm hệ thống giáo dục của quốc gia này đã được cải thiện một cách ngoạn mục, và là một trong những nước có nền kinh tế phát triển nhất thế giới hiện nay.

Các cố vấn kinh tế của OECD nhận định rằng, kết quả này cho thấy mối quan hệ chặt chẽ giữa giáo dục và tăng trưởng kinh tế. 

Việt Nam đứng trong top đầu của bảng xếp hạng (nguồn: BBC)

Bảng xếp hạng được tính toán dựa trên kết quả môn Toán và Khoa học của học sinh 15 tuổi ở 76 quốc gia (nguồn: BBC)

Nghiên cứu cũng cho thấy, tại Anh có khoảng 1/5 trẻ bỏ học khi chưa học xong chương trình giáo dục phổ thông. OECD cho rằng việc giảm tình trạng bỏ học và nâng cao kỹ năng cho học sinh có thể mang lại hàng nghìn tỷ đô la cho nền kinh tế Anh sau này.

Đối với Ghana, quốc gia đứng cuối bảng, OECD cho rằng nếu trang bị đầy đủ kỹ năng cơ bản cho tất cả các thiếu niên 15 tuổi, thì trong tương lai, GDP của nước này sẽ tăng đến 38 lần.

Nghiên cứu cũng cho thấy sự kém chất lượng của giáo dục Mỹ, khi cường quốc số 1 thế giới này còn xếp sau nhiều nước châu Âu, châu Á trong đó có cả Việt Nam.

Kết quả này sẽ chính thức được công bố tại Diễn đàn Giáo dục Thế giới tổ chức tại Hàn Quốc trong tuần tới, trong hội nghị về mục tiêu nâng cao giáo dục toàn cầu đến năm 2030 của Liên Hợp Quốc..

>> Muốn giàu hơn? Hãy đầu tư vào giáo dục

Thái Nam

Nguyễn Trung Anh

Cùng chuyên mục
XEM