Sụt giảm thương mại: "Ổ gà” của kinh tế thế giới
Tốc độ tăng trưởng thương mại sụt giảm có ảnh hưởng gì đối với nền kinh tế thế giới?
Bây giờ chú ý đã chuyển sang Trung Quốc, nơi thị trường chứng khoán "điên loạn" và chính phủ phải gồng mình để ngăn chặn một cuộc "hạ cánh cứng" vì suy giảm tăng trưởng. Tăng trưởng của nền kinh tế thứ hai thế giới đã trượt từ 7,3% trong năm 2014, mức thấp nhất từ 25 năm qua, xuống còn 7% trong quý I và II năm nay...
Những diễn biến trên cho thấy một xu hướng đáng lo ngại, đặc biệt khi thương mại thế giới sụt giảm trong cả hai quý đầu năm. Đây là sự sụt giảm tồi tệ nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính 2008. Xu hướng sụt giảm thương mại này ảnh hưởng thế nào đối với kinh tế toàn cầu? Tăng trưởng thương mại thế giới nói chung nhanh hơn một chút so với tăng trưởng GDP toàn cầu.
Trong những năm 1990 đã bắt đầu một kỷ nguyên "toàn cầu hóa", hướng về phía trước bằng một số xu hướng: tự do hóa ở Trung Quốc và Liên Xô (cũ), giảm các rào cản thương mại và sự mở rộng chuỗi cung ứng toàn cầu được thúc đẩy bởi những tiến bộ trong công nghệ thông tin.
Nhưng tốc độ này đã không được duy trì đủ lâu. Kể từ khi cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, thương mại đã phát triển chỉ nhỉnh hơn chút ít so với tăng trưởng GDP. Cả hai yếu tố mang tính chu kỳ và cơ cấu đang góp phần vào sự suy giảm này. Trong đó, tình trạng kinh tế bất ổn tại khu vực đồng euro đặc biệt quan trọng.
Bởi vì, châu Âu chiếm một phần năm GDP của thế giới và một phần ba của thương mại toàn cầu. Tăng trưởng chậm ở Trung Quốc cũng góp phần kéo lui thương mại thế giới. "Công xưởng của thế giới" suy yếu về tăng trưởng đã khiến giá cả hàng hóa sụt giảm, làm tổn thương nền kinh tế thông qua việc gây ảnh hưởng tiêu cực đến xuất khẩu hàng hóa và giảm tiêu thụ toàn cầu. Mặt khác, việc phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc cũng khiến nhiều quốc gia lao vào "cuộc chiến tiền tệ”.
Khi việc phá giá đồng tiền trở nên phổ biến và các thị trường đang phát triển chiếm tỷ trọng lớn hơn trong tổng sản phẩm toàn cầu (GDP), thì tác động của nó đối với nhập khẩu càng rõ rệt. Điều này giúp giải thích tại sao kim ngạch thương mại thế giới giảm 1,5% trong quý I/2015 và 0,5% trong quý II/2015.
Cuộc khủng hoảng thị trường tại các nền kinh tế mới nổi sẽ tạo ra một cú sốc cả về giá lẫn về lượng, do khu vực này giờ đây đóng góp một tỷ trọng lớn hơn vào GDP toàn cầu cũng như trong các công ty trên toàn thế giới. Cú sốc về lượng bắt nguồn từ làn sóng giảm phát thứ ba này được thể hiện qua các số liệu về hoạt động thương mại giữa các quốc gia phát triển và đang phát triển.
Nhìn toàn cục, làn sóng giảm phát thứ ba đồng nghĩa rằng GDP sẽ tiếp tục ở dưới mức tiềm năng. Sức ép lên giá cả sẽ vẫn dai dẳng và khả năng hoạt động kinh tế toàn cầu sụt giảm là khó tránh khỏi. Chỉ riêng "cú hạ cánh nặng nề” của kinh tế Trung Quốc cũng khiến một nhóm các nhà phân tích tại Citigroup dự đoán khả năng xảy ra suy thoái toàn cầu là 55%.
Tuy nhiên, điều có thể lạc quan là ít nhất các yếu tố này có tính chất tạm thời và có khả năng hồi phục. Ngành công nghiệp sản xuất hàng xuất khẩu của Trung Quốc đang trở nên ít phụ thuộc vào linh kiện nhập khẩu. Tiềm năng khai thác đá phiến của Mỹ, giúp nước này tăng trưởng thương mại bằng cách giảm nhập khẩu dầu, đang được phát huy. Hàng loạt tín hiệu tích cực cho thương mại toàn cầu như nối lại vòng đàm phán Doha, Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương và xuyên Đại Tây Dương đang đi đến những vòng cuối cùng...
Tốc độ tăng trưởng thương mại chậm lại có thể không dẫn đến một cuộc suy thoái toàn cầu. Tuy nhiên, thương mại đóng một vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế. Nếu nhu cầu hàng hóa thấp kéo dài sẽ làm cho các nước có thu nhập thấp khó khăn hơn. Kinh tế thế giới vẫn còn nhiều lợi ích liên quan đến nỗ lực giảm các hàng rào thuế quan và hài hòa các thủ tục xuất nhập khẩu; thương mại vẫn có thể phục hồi thông qua đẩy mạnh tự do hóa.