5 quan ngại của ADB đối với nền kinh tế Việt Nam
Mặc dù nâng mức dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam nhưng Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) vẫn bày tỏ một số quan ngại đối với thị trường tài chính và hoạt động sản xuất.
Nền kinh tế phụ thuộc nhiều hơn vào diễn biến thế giới
Số liệu hải quan cho thấy, tính trong 6 tháng đầu năm 2015, tình hình xuất khẩu vẫn tăng trưởng với tốc độ tích cực, chủ yếu ở khối lượng xuất khẩu hàng hóa chế tạo tăng gần 25% bao gồm các mặt hàng điện tử, may mặc, giầy dép.
Trong só 84,8 tỷ USD vốn FDI cam kết mới kể từ năm 2011 đến tháng 8.2015, có tới 70% là để mở rộng sản xuất và chủ yếu là sản xuất hàng xuất khẩu. Giá trị xuất khẩu trung bình hàng tháng của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài cũng tăng từ gần 3 tỷ USD đầu năm 2010 lên 10 tỷ USD vào tháng 8/2015.
Theo ông Aaron Batten, Chuyên gia Kinh tế ADB Việt Nam – tác giả chương viết về Việt Nam trong báo cáo kinh tế toàn cầu của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB), nền kinh tế của Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Do đó khi kinh tế thế giới vẫn đang trong giai đoạn phục hồi và phát triển chưa bền vững, nền kinh tế Việt Nam cũng có thể sẽ bị ảnh hưởng từ những biến động đó, đặc biệt là đối với các mặt hàng xuất khẩu mũi nhọn như giá dầu, nông nghiệp.
Ngoài ra, kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại cũng có thể sẽ ảnh hưởng tới Việt Nam.
Đừng chỉ trông vào một vài ngành xuất khẩu
Liên quan tới việc Việt Nam đang đàm phán và ký kết một loạt các hiệp định thương mại tự do với nhiều nước, ông Eric Sidgwick – Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam cho biết, khi gia nhập TPP và các FTA khác, Việt Nam sẽ có cơ hội mở rộng các thị trường xuất khẩu của mình ra thế giới.
Tuy nhiên ông Eric Sidgwick khuyến nghị Việt Nam cần cải cách để nâng cao năng lực cạnh tranh và đa dạng hóa các sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài, không chỉ ở các sản phẩm đang xuất khẩu tốt mà còn phải mở rộng năng lực ở các ngành hàng khác nữa. Bởi các hiệp định tự do thương mại không đơn thuần chỉ là hợp đồng thương mại, nó đòi hỏi và buộc các doanh nghiệp Việt Nam phải tăng cường năng lực cạnh tranh ở cả thương mại, tài chính và dịch vụ.
Do đó để thúc đẩy doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, Chính phủ Việt Nam cần có chương trình cải cách chi tiết cụ thể, không chỉ giúp cho doanh nghiệp Việt tham gia được chuỗi giá trị cung ứng toàn cầu mà còn gây dựng niềm tin cho doanh nghiệp vào lợi ích của mình khi tham gia các hiệp định tự do này.
Cần giám sát chặt nguồn vốn ngắn hạn dùng để cấp vốn cho dự án dài hạn
Theo Thông tư 36/2014/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), từ tháng 2-2015, các tổ chức tín dụng (TCTD) được phép nới tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung, dài hạn từ 30% lên 60%. Đây được đánh giá là động thái tích cực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu vay vốn ngày càng tăng của các doanh nghiệp và cá nhân, góp phần tạo điều kiện giảm lãi suất trong thời gian tới.
Tuy nhiên, theo Giám đốc Quốc gia ADB Việt Nam, quy định này cần được giám sát chặt và thận trọng. Không nên có mức chênh lệch quá lớn về nguồn vốn và khoản vay trong đầu tư dài hạn. “Quy định này trong ngắn hạn sẽ mang đến hiệu ứng tích cực nhưng trong trung hạn và dài hạn cần phải được theo dõi rất chặt chẽ” – ông Eric Sidgwick nhấn mạnh.
Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước: Không chỉ thay đổi tỷ lệ sở hữu
Theo đánh giá của các ADB, Việt Nam đã đặt ra một tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước cực kỳ “tham vọng” cho giai đoạn 2014 – 2015: Hoàn tất cổ phần hóa 432 doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, ADB cho rằng, dù mục tiêu trên khó kịp cán đích vào cuối năm nhưng tiến trình cải cách DNNN ở Việt Nam với những gì đã đạt được là rất đáng chúc mừng.
Bởi thực tế, không chỉ Việt Nam mà rất nhiều nước trên thế giới vẫn đang gặp khó khăn trong việc cải cách các DNNN của mình vì đây là việc rất khó. Cổ phần hóa chỉ là thay đổi tỷ lệ sở hữu và là điều kiện cần mà thôi. Để cải cách DNNN còn cần nhiều yếu tố khác. Chính phủ Việt Nam cần đưa ra các giải pháp hiệu quả hơn để nâng cao năng lực quản trị, cách điều hành, hình thức hoạt động cho các doanh nghiệp này khi chuyển đổi mô hình để đảm bảo sức cạnh tranh trong tương lai.
Cần giảm tốc độ tăng chi tiêu công
Theo báo cáo của ADB, chi tiêu ngân sách trong 6 tháng đầu năm 2015 đã tăng 10,5%, thâm hụt ngân sách tăng lên 3,7% GDP so với 3,0% của năm 2014. Kể từ năm 2011, Chính phủ VN đã tăng chi tiêu và đi vay để giúp nền kinh tế hồi phục.
Trong đó nợ công bao gồm nợ do chính phủ bảo lãnh dự báo đến cuối năm 2015 sẽ tăng lên khoảng 62% GDP. Nợ nước ngoài, chủ yếu là các khoản vay ưu đãi dài hạn vẫn giữ ở mức 28% GDP trong 3 năm qua. Nguồn vốn trong nước với chi phí cao hơn dự báo sẽ tăng lên khoảng 33% GDP. Trả nợ dự báo sẽ chiếm khoảng 15% tổng số thu của chính phủ trong năm 2016.
Ngân hàng phát triển châu Á nhận định, mối quan ngại về nợ công và những khoản nợ dự báo sẽ buộc chính phủ kìm tốc độ tăng chi tiêu để giảm bội chi ngân sách.