Kinh tế Việt Nam sẽ tăng trưởng vượt kỳ vọng

22/09/2015 11:47 AM |

Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) đã nâng mức dự báo tăng trưởng Việt Nam năm 2015 lên mức 6,6% nhờ các tín hiệu tích cực của nền kinh tế.

Những yếu tố tích cực của nền kinh tế

Theo báo cáo của ADB, 6 tháng đầu năm 2015, Việt Nam tăng trưởng GDP ở mức 6,3% - đây là tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm cao nhất tính năm 2010. Dựa trên cơ sở này, ADB đã nâng mức tăng trưởng kinh tế Việt Nam lên mức 6,5% năm 2015 và 6,6% cho năm 2016, tăng so với mức dự báo đưa ra hồi đầu năm là 6,1% cho năm 2015 và 6,2% cho năm 2016.

Về hoạt động sản xuất, báo cáo của ADB cho biết chỉ số nhà quản trị mua hàng PMI cho thấy sản xuất mở rộng trong 24 tháng liên tiếp tính đến tháng 8/2015.

Trong đó, ngành công nghiệp tăng trưởng 9,1% so với cùng kỳ năm 2014, đóng góp gần một nửa vào kết quả tăng trưởng. Sản lượng khu vực sản xuất công nghiệp cũng tăng 9,9% nhờ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài tăng cường sản xuất hàng hóa cho xuất khẩu.

Các dự án đầu tư mới cũng giúp cho ngành khai khoáng tăng trưởng trở lại ở mức 8,2% sau năm 2014 sụt giảm. Thị trường bất động sản và đầu tư vào lĩnh vực hạ tầng có cải thiện cũng giúp cho ngành xây dựng tăng trưởng 6,6%.

Lạm phát cũng đang được duy trì ở mức thấp. Tính trung bình 8 tháng đầu năm, tỷ lệ lạm phát trung bình là 0,8%. Trong đó tỷ lệ lạm phát tháng 8 giảm 0,6% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức giảm mạnh nhất từ mức kỷ lục 23,0% hồi tháng 8/2011.

Theo đánh giá của ADB, lạm phát thấp đã giúp thúc đẩy tiêu dùng tư nhân đạt mức tăng trưởng 8,9%. Tốc độ tăng trưởng đầu tư cũng được cải thiện với tổng số vốn hình thành tăng 6,9% nhờ tăng trưởng tín dụng và giải ngân vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được cải thiện.

Về chính sách tiền tệ, mức lạm phát thấp này cho phép Ngân hàng Nhà nước Việt Nam duy trì chính sách phù hợp và linh hoạt cho thị trường. Trong năm 2015, cơ quan quản lý chính sách tiền tệ này đã duy trì lãi suất tái cấp vốn ở mức 6,5% và lãi suất chiết khấu ở mức 4,5%. Lãi suất cho vay trung bình các ngân hàng thương mại cũng đã giảm từ mức rất cao 17,0% năm 2012 xuống còn 9,5% trong 6 tháng đầu năm 2015.

Lãi suất cho vay giảm cùng với niềm tin của người tiêu dùng tăng lên giúp tăng trưởng tín dụng ước tính đạt 17,1% so với năm trước tại thời điểm giữa năm 2015.

Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra những phản ứng được ADB đánh giá là đúng đắn và kịp thời theo sát diễn biến của thị trường thế giới giúp cho tỷ giá của Việt Nam ở mức khá cạnh tranh so với thế giới.

Tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ của các ngân hàng cũng giảm mạnh từ 4,8% hồi tháng 12/2014 xuống 3,7% trong tháng 6/2015. Việc triển khai đầy đủ các quy định nâng cao về phân loại tài sản và trích lập dự phòng trong tháng 4/2015 đã thu hẹp khoảng cách giữa con số nợ xấu theo báo cáo và con số ước tính cao hơn theo tiêu chuẩn quốc tế.

Còn nhiều thách thức

Tuy nhiên, Ngân hàng phát triển châu Á vẫn đưa ra nhiều thách thức mà Việt Nam phải vượt qua để duy trì nền kinh tế tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tới.

Chi tiêu ngân sách tăng 10,5% trong 6 tháng đầu năm, thâm hụt ngân sách tăng lên 3,7% GDP so với 3,0% của năm 2014. Thu nhập từ thuế tài nguyên giảm mạnh, song được bù đắp tốt hơn nhờ số thu cao hơn từ hoạt động xuất khẩu, thu nhập cá nhân và doanh số bán lẻ. Theo ADB đánh giá, nhiệm vụ kiểm soát bội chi ngân sách trong giới hạn 5% GDP trong năm 2015 có thể khó đạt được khi giá dầu thế giới tiếp tục giảm, thấp hơn so với ước tính 70USD/thùng.

Sau nhiều năm có thặng dư đáng kể, cán cân vãng lai năm nay đã chịu áp lực do nhập khẩu tăng mạnh lên tới 20% làm giảm bớt các tác dụng của việc gia tăng xuất khẩu.

Doanh nghiệp FDI vẫn nắm vai trò chủ đạo trong xuất khẩu và lĩnh vực công nghiệp trong khi doanh nghiệp trong nước chật vật với bài toán cạnh tranh. Năm 2014, các doanh nghiệp FDI đóng góp tới 70% tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu so với mức 50% của 5 năm trước.

Do đó, báo cáo chỉ ra Việt Nam cần cải cách cơ cấu, tăng cường giúp doanh nghiệp trong nước phát triển mạnh hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh và công bằng hơn giữa hai loại hình doanh nghiệp nhà nước và tư nhân.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc - một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam được dự báo sẽ suy giảm trong thời gian sắp tới kéo theo triển vọng giá cả hàng hóa thấp, giảm thu từ các mặt hàng mũi nhọn như xuất khẩu dầu lửa hay mặt hàng nông nghiệp của Việt Nam.

Về lĩnh vực tài chính, ADB khuyến nghị quá trình xử lý nợ xấu cần được xử lý rốt ráo và minh bạch, giải quyết hết các nợ xấu cũ và cố gắng không để nảy sinh những khoản nợ xấu mới.

Ngoài ra, Việt Nam cũng cần phải có những phương án tính tới các tác động tiêu cực từ xu thế thời tiết El Nino trên khu vực Thái Bình Dương có thể sẽ gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất cà phê và lúa gạo. Nếu kéo dài có thể làm cho tốc tăng trưởng ngành nông nghiệp giảm sút và đẩy giá lương thực tăng lên trong năm 2016.

Thùy Linh

Cùng chuyên mục
XEM