“Quy hoạch trung tâm Logistics nóng lên từng ngày”
Đó là chia sẻ của ông Bùi Hồng Minh, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) sau khi Bộ Công thương nhận được các đề nghị của các địa phương về việc phê duyệt xây dựng trung tâm logistics.
Doanh nghiệp trong nước chỉ chiếm 20- 25% thị phần
Tại Hội thảo “Chiến lược phát triển hệ thống trung tâm Logistics của Việt Nam” do tổ chức Keynesian (Đại học Ngoại thương) tổ chức ngày 31/10, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương, trường ĐH Ngoại thương cho biết, mặc dù chỉ số năng lực logistics (I.LPI) của Việt Nam đã có cải thiện (năm 2014 Việt Nam đứng thứ 48 trong số 160 nước xếp hạng, xếp sau Singapore, Malaysia, Thái Lan) nhưng ngành logistics của Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn thách thức.
Các doanh nghiệp giao nhận Việt Nam mới chỉ đáp ứng ¼ nhu cầu thị trường logistics; giá cả dịch vụ logistics tại Việt Nam tương đối rẻ nhưng không chắc chắn; ứng dụng công nghệ thông tin còn kém; nhân lực thiếu, không có kinh nghiệm; thói quen “mua CIF và bán FOB” nên không giành được quyền vận tải, bảo hiểm.
Đặc biệt hiện nay theo TS. Hương, việc quản lý nhà nước và phát triển dịch vụ này còn “giẫm chân” lên nhau.
ThS. Bùi Hồng Minh, Cục xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho biết hiện nay cả nước có khoảng 1.300 DN dịch vụ logistics, số doanh nghiệp tăng khá nhanh nhưng thị phần chỉ chiếm 20- 25%, còn lại do nước ngoài nắm giữ. Doanh nghiệp được đào tạo bài bản cũng chỉ 5- 7%, còn lại toàn tự đào tạo lẫn nhau.
Về phía doanh nghiệp, ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn BeeLogistics cho hay, có nhiều vướng mắc cản trở sự phát triển của ngành logistics bắt nguồn từ những vấn đề nhỏ.
Ông Thạnh lấy dẫn chứng: “Hiện nay có đến 65% hàng của Lào đi qua Thái Lan, chỉ một phần nhỏ đi qua Việt Nam. Bởi bên Thái, giấy tờ thủ tục họ sẵn sàng chấp nhận bản copy hoặc bản fax còn Việt Nam phải yêu cầu đóng dấu đỏ nên mỗi lần sai thủ tục họ phải gửi đi gửi lại, mất thời gian hơn nữa cơ sở hạ tầng của chúng ta kết nối chưa tốt”.
Nóng quy hoạch trung tâm Logistics
Về việc phát triển trung tâm logistics, ông Bùi Hồng Minh cho biết, tháng 7 vừa qua, Thủ tướng đã phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống Trung tâm Logistics trên cả nước đến năm 2020 và định hướng đến 2030.
Quy hoạch chia ra làm 3 nhóm: Nhóm Trung tâm hạng nhất, cấp quốc gia, quốc tế; Trung tâm hạng hai, cấp vùng, tiểu vùng và Trung tâm chuyên dụng.
Theo đó, miền Bắc hình thành và phát triển 7 trung tâm logistics, miền Trung- Tây Nguyên 6 trung tâm logistics, miền Nam có 5 trung tâm logistics.
Tiêu chí quy hoạch là dựa vào dung lượng thị trường có sôi động hay không, đủ bền vững không; đấu nối thuận tiện với các hệ thống giao thông vận tải; có quan hệ chặt chẽ với các đối tác sản xuất, xuất nhập khẩu, cảng, ga, khu công nghiệp…; Lợi thế về vị trí địa lý; phù hợp với quy hoạch phát triển mạng lưới giao thông; trung tâm chuyên dụng phù hợp với quy hoạch và định hướng phát triển hệ thống cảng hàng không.
Theo ông Minh, quyết định này nóng lên từng ngày khi Bộ Công thương đã nhận được các văn bản của các UBND địa phương đề nghị phê duyệt được triển khai dự án Trung tâm logistics trên địa bàn.
Riêng địa bàn phía Bắc, Bộ Công Thương đã nhận được 3 công văn đề nghị của 3 UBND tỉnh. Trong đó, Bắc Giang xin Trung tâm hạng 2, còn Lạng Sơn, Cao Bằng muốn xin làm trung tâm chuyên dụng.
Tuy nhiên có rất nhiều vấn đề đặt ra. Theo mô tả của dự án hiện nay đa phần mới chỉ ra rằng sẽ phát triển buôn bán với Trung Quốc.
“Câu chuyện không phải chỉ buôn bán với Trung Quốc mà chúng ta cần phát triển kinh tế vùng, cả những vùng xung quanh. Bắc Giang đưa ra tham vọng lớn, muốn xây dựng công viên logistics 80ha. Tuy nhiên chúng tôi cũng có nói với Bắc Giang rằng từ xưa đến nay chúng tôi chưa bao giờ nghe thấy khái niệm này. Thật sự họ chưa hiểu bản chất của logistics là gì”, ông Minh nói.
Theo ông Bùi Hồng Minh, Bộ Công Thương vẫn đang yêu cầu các địa phương làm rõ mô hình quản lý, đầu tư, quy mô dự án, hướng lựa chọn nhà cun cấp dịch vụ, phát triển hạ tầng như thế nào…Sau đó Thủ tướng Chính phủ sẽ quyết định xem đầu tư ở đâu.
Nói về khó khăn khi phát triển trung tâm Logistic, theo ông Đinh Hữu Thạnh, Chủ tịch BeeLogistics cho rằng, vốn đầu tư cho ngành logistics rất lớn, sẽ ít doanh nghiệp trong nước đáp ứng được yêu cầu khi đầu tư vào trung tâm hạng 1 hoặc hạng 2.
Đặc biệt, tại một số địa phương, hiểu biết thực sự về bản chất của lĩnh vực logistics còn nhiều hạn chế, thiếu hụt nguồn nhân lực được đào tạo bài bản về logistics và mối liên kết giữa các doanh nghiệp logistics trong nước còn yếu.
Theo ông Thạnh, việc xây dựng, quy hoạch trung tâm logistics nếu không qua phương án đầu thầu sẽ tạo ra thế độc quyền, thiếu tính an toàn và làm tăng chi phí logistics tại Việt Nam.
Để phát triển Trung tâm logistics hiệu quả, PGS.TS Trịnh Thị Thu Hương cho rằng, các tỉnh cần phải minh bạch thông tin để doanh nghiệp có thể tiếp cận nhanh chóng và tham gia, chứ không phải chỉ có mối quan hệ thân quen mới nắm được thông tin, như vậy là không công bằng, không minh bạch và không thu hút được những nhà đầu tư có hiệu quả.