Doanh nghiệp logistics Việt Nam: 70% không có tài sản, cần liên kết hình thành thương hiệu quốc gia

18/10/2015 08:56 AM | Kinh doanh

Cải thiện hạ tầng, thuận lợi hóa thương mại và nâng cao chất lượng dịch vụ logistics cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu là chủ đề của Diễn đàn logistics Việt Nam 2015 do Bộ Công Thương và báo Thời Kinh tế Việt Nam tổ chức tại TPHCM ngày 16/10.

- Các diễn giả tại diễn đàn cho rằng logistics là mắc xích liên quan đến sản xuất, kinh doanh và tác động trực tiếp đến giá thành sản phẩm.

- Tuy nhiên, trong thời gian qua, doanh nghiệp xuất nhập khẩu luôn đối mặt với vấn đề phát sinh từ logistics như tăng giá các loại phí cước đột ngột, thiếu hụt container, thay đổi lịch trình khai thác của hãng tàu… ảnh hưởng đến tiến độ giao nhận hàng và chi phí phát sinh.

- Giải pháp là cần liên kết để thành loại hình doanh nghiệp “logistics tự cung cấp” mang thương hiệu quốc gia.

Xuất khẩu kém cạnh tranh vì năng lực logistics yếu

Hiện nhiều doanh nghiệp xuất nhập khẩu trong nước đang phải chịu các loại chi phí cao, đây là thông tin mà Thứ trưởng Bộ Công Thương, ông Trần Tuấn Anh cho biết tại diễn đàn. Nguyên nhân theo Thứ trưởng phân tích là vì: “Doanh nghiệp logistics và doanh nghiệp xuất nhập khẩu vẫn chưa tìm được tiếng nói chung với, chưa tạo được sự gắn bó để hướng đến sự phát triển chung.

Tình trạng hạ tầng thiếu sự kết nối giữa khu vực cảng và vùng sản xuất đang làm hạn chế năng lực của logistics. Hầu hết các địa phương chưa có các trung tâm giao nhận hàng hóa và dịch vụ cung cấp chuyên dụng”.

Theo Thứ trưởng Trần Tuấn Anh, chi phí  logistics cao làm giảm sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam trên thị trường quốc tế. Những năm qua, chi phí cho hoạt động logistics tại Việt Nam chiếm từ 20 - 25% GDP. Nếu giảm được chi phí logistisc sẽ giúp nền kinh tế tăng sức cạnh tranh hơn.


Dự báo hàng hóa qua cảng biển Việt Nam đến năm 2030 (nguồn: Tham luận Th.S Nguyễn Xuân Tuấn - Cục Hàng hải Việt Nam)

Dự báo hàng hóa qua cảng biển Việt Nam đến năm 2030 (nguồn: Tham luận Th.S Nguyễn Xuân Tuấn - Cục Hàng hải Việt Nam)

Đồng quan điểm, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hoa Sen cho rằng, công tác vận hành hệ thống cảng  hiện  chưa hợp lý nên có cảng thì quá tải, có cảng chưa khai thác hết tiềm năng.  “Chính phủ cần có biện pháp để kiểm soát việc thu cước tàu và phụ phí của các hãng tàu theo hướng ổn định trong khu nhất nhất định. Nêu có hệ thống theo dõi container rỗng để giảm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp”, ông Lê Phước Vũ kiến nghị.

Giảm thông quan 8 ngày, tiết kiệm 13,6 tỉ USD/năm

Về trách nhiệm của cơ quan quản lý, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Hoàng Việt Cường cho biết từ khi vận hành Cơ chế một cửa quốc gia, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu đã được thực hiện các thủ tục hành chính bằng phương thức điện tử thay cho phương thức thủ công truyền thống.

Cụ thể, với các thủ tục quản lý tàu biển xuất cảnh/nhập cảnh/quá cảnh tại cảng biển, thay vì phải sao chụp hồ sơ giấy và nộp cho 05 cơ quan tại cảng biển bao gồm cảng vụ hàng hải, cơ quan kiểm dịch động/thực vật, cơ quan kiểm dịch y tế, cơ quan biên phòng và cơ quan hải quan để khai báo thủ tục tàu biển. Hiện doanh nghiệp chỉ phải chuẩn bị 01 bộ hồ sơ với các bản khai điện tử và nộp một lần tới Cổng thông tin một cửa quốc gia để chuyển tiếp tới tất cả các cơ quan liên quan.

Theo ông Hoàng Việt Cường, mục tiêu của các cơ quan quản lý Nhà nước trong giai đoạn tới là rút ngắn từ 10% đến 20% chi phí và 30% thời gian thông quan cho doanh nghiệp theo Nghị quyết số 19/2015/NQ-CP của Chính phủ.

“Như vậy, thời gian thông quan hàng hóa phải giảm từ 7 - 8 ngày và theo mục tiêu này, nếu áp dụng số liệu ước tính năm 2014 có khoảng 6,8 triệu lô hàng được thông quan với chi phí lưu kho tại cảng là 250 USD/ngày/một lô hàng; tạm tính toán, với việc rút ngắn được 8 ngày, một năm chi phí tiết kiệm cho các doanh nghiệp khoảng 13,6 tỷ USD tính riêng đối với phí lưu kho chưa kể đến giảm các chi phí khác”, ông Hoàng Việt Cường nói.

70% doanh nghiệp logistics Việt Nam không có tài sản

Ông Đỗ Xuân Quang - Chủ tịch Hiệp hội Logistics Việt Nam (VLA) cho biết qua khảo sát hiện cả nước có khoảng 1.300 doanh nghiệp dịch vụ logistics mà chủ yếu làm giao nhận (đại lý vận tải trong và ngoài nước), vận tải (bộ, thủy, biển, hàng không…),  các dịch vụ lưu kho bãi, cảng biển, xếp dỡ, kho phân phối, đại lý thủ tục hải quan ...

Thị phần các doanh nghiệp Việt Nam so với các doanh nghiệp FDI khoảng 75/25%, trong khi về số lượng các doanh nghiệp FDI chỉ vào khoảng 4-5% trên tổng số. Số doanh nghiệp vừa và nhỏ (vốn nhỏ hơn 20 tỉ đồng) chiếm 72%, còn lại là doanh nghiệp lớn (vốn trên 20 tỉ đồng). Số doanh nghiệp có làm dịch vụ logistics tích hợp (3PL) chỉ chiếm khoảng 15-20%.

“Gần 70% doanh nghiệp logistics Việt Nam thuộc loại không tài sản. Bình quân việc đầu tư trang thiết bị, phương tiện khoảng 16% (về phương tiện vận tải) và khoảng 4% (về kho bãi, cảng..) còn lại phải thuê ngoài (ít nhiều tùy theo đối tượng, lĩnh vực nghề)”, ông Đỗ Xuân Quang cho biết.

Qua khảo sát của VLA, 2 năm 2014 và 2015 số doanh nghiệp đạt và vượt kế hoạch  khoảng 80% , trong đó  có lãi 70%. Số doanh nghiệp phá sản, ngừng hoạt động chiếm một tỉ lệ rất ít (1%) so với các ngành khác. Các doanh nghiệp nội địa nằm trong Top 20 - 25 không thua kém doanh nghiệp nước ngoài như SNP, Gemadept, Vinafco, Transimex Saigon, Vinafreight, Viconship, Vietfracht, Sotrans…

Cần liên kết hình thành thương hiệu quốc gia

Về chính sách phát triển ngành logistics Việt Nam, TS Trần Du Lịch - Ủy viên Ủy ban Kinh tế Quốc hội kiến nghị rằng Nhà nước cần định vị logistics là ngành dịch vụ cần ưu tiên quy hoạch phát triển dài hạn.

“Nhà nước cần tập trung vào 2 việc:  Gắn quy hoạch phát triển logistics với quy hoạch cảng biển, khu kinh tế biển, khu công nghiệp, quy hoạch phát triển các cảng hàng không và hệ thống giao thông kết nối.  Xây dựng Chương trình quốc gia phát triển logistics với mục tiêu cụ thể và xây dựng đồng bộ chính sách.

Thực nhiện mô hình công - tư đối tác (PPP) nhằm khuyến khích đầu tư tư nhân hạ tầng cho phát triển dịch vụ logistics: Hạ tầng giao thông kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp với cảng biển, cảng hàng không. Phát triển vận tải biển nội địa (theo bộ Luật hàng hải sửa đổi) nhằm tận dụng ưu thế chiều dài bờ biển của đất nước.

Ưu tiên quỹ đất để phát triển kho bãi, cảng cạn. Xem hệ thống kho bãi, cảng cạn như hạ tầng giao thông để thu hút đầu tư theo mô hình PPP. Thay mô hình quốc doanh bằng mô hình PPP trong phát triển các phương tiện vận tải biển.

Rà soát lại toàn bộ các quy định của pháp luật liên quan đến dịch vụ logistics nhằm tạo ra khuôn khổ pháp lý cho dịch vụ logistics hoạt động thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng, minh bạch, phủ hợp với chuẩn mực của quốc tế (nhất là các điều ước quốc tế có liên quan mà nước ta tham gia)”, TS Trần Du Lịch để xuất.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp logistics, TS Trần Du Lịch góp ý rằng nên xem việc liên kết phát triển là nhân tố quyết định. Vì nếu xét về logistics tổng thể (global logistics) thì có lẽ không có doanh nghiệp logistics Việt Nam nào đáp ứng tất cả các công việc từ cung ứng, vận chuyển, theo dõi sản suất, kho bãi, thủ tục hải quan, phân phối…, tức cùng lúc thực hiện cả một tập hợp của nhiều ngành, mà ngay cả trên thế giới số doanh nghiệp logistics có năng lực như thế cũng rất hiếm.

Trong số những doanh nghiệp logistics Việt Nam tương đối mạnh và tiêu biểu hiện nay cần cần hợp tác để thành loại hình doanh nghiệp “logistics tự cung cấp” mang thương hiệu quốc gia trong quan hệ toàn cầu. Đây là doanh nghiệp sở hữu phương tiện vận tải, nhà xưởng, kho bãi, thiết bị xếp dỡ và tất cả các nguồn lực khác để thực hiện dịch vụ logistics.

Duy Khánh

Cùng chuyên mục
XEM