Pháp sẽ "chiến đấu" theo kiểu Mỹ hay kiểu khoan dung?

16/11/2015 08:42 AM |

Pháp sẽ chiến đấu theo cách nào với “những kẻ thù” đang sống trên lãnh thổ mình hoặc một quốc gia châu Âu nào đó, với những quyền công dân châu Âu bình đẳng? Đó là một vấn đề rất khó.

Tổng thống François Hollande vừa kêu gọi tình đoàn kết quốc gia và sự ủng hộ của người dân để tiến hành cuộc chiến chống khủng bố. Ông xác nhận đối thủ là lực lượng khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).

Bên cạnh đó, Thủ tướng Manuel Valls cũng bồi thêm: “Chúng ta phải xóa sổ những kẻ thù của nền cộng hòa! Và bởi vì đất nước chúng ta lâm chiến, chúng ta sẽ thực thi những biện pháp ngoại lệ và chúng ta sẽ đánh mạnh để tiêu diệt kẻ thù, ở Pháp, ở châu Âu và cả tại Syria, Iraq”.

Ta vẫn thường nghe các yêu cầu như thế từ người dân, những tuyên bố chính trị như thế sau mỗi lần xảy ra khủng bố. Như hồi gần nhất là vào tháng 1-2015 sau khi xảy ra vụ xả súng tại tòa soạn Charlie Hebdo và vụ bắt con tin trong siêu thị.

Hai mặt trận

“Cuộc chiến” mà các lãnh đạo chính trị của Pháp tuyên bố sẽ diễn ra trên hai mặt trận: ở Pháp, thông qua việc tiếp tục điều tra để tìm ra danh tính, động cơ, đường dây của những kẻ khủng bố và đồng bọn của chúng. Nhiều phương tiện nhân lực và vật lực sẽ được huy động thêm cho lực lượng an ninh và tình báo. Và cả ở Syria với nhiều khả năng sẽ triển khai bộ binh tham chiến vì Thủ tướng Valls đã lặp đi lặp lại nhiều lần ý muốn “ăn miếng trả miếng để tiêu diệt tận gốc lực lượng IS”.

Trên bình diện quân sự và chiến lược, giải pháp điều quân lâm trận (dĩ nhiên phải có sự chuẩn thuận của quốc hội) là cách duy nhất hiệu quả để thực hiện mục đích đánh giập đầu ban lãnh đạo IS ngay tại cứ địa của chúng, phá hủy các trại huấn luyện mà từ đó chúng đưa những tay súng cuồng tín lần mò sang châu Âu.

Nhưng cần biết rằng chuỗi tấn công tại Paris ngày 13-11 là “tác phẩm” của nhóm nằm vùng tại châu Âu mà theo các dữ liệu điều tra ban đầu là ở Pháp, Bỉ và Đức. Như vậy việc tăng cường kiểm tra ở biên giới sẽ kéo dài thêm, không còn cần phải đoái hoài đến quyền tự do đi lại trong nội bộ châu Âu.

Người dân Pháp từ nay sẽ gặp phải cảnh kiểm tra nhân thân thường xuyên hơn (với một số người đó là chuyện vi phạm tự do nhân quyền).

Câu hỏi đặt ra là: phải chăng đây là cái giá đáng phải trả?

Thủ tướng Valls cũng khẳng định sẽ yêu cầu quốc hội cho phép kéo dài tình trạng khẩn cấp. Cần biết là khi tình trạng khẩn cấp kéo dài hơn 12 ngày thì phải được các nghị sĩ bỏ phiếu thông qua. Đồng nghĩa với tình trạng này là một số quyền tự do cá nhân lâu nay sẽ bị cắt bỏ.

Thậm chí khi được hỏi về đề xuất của một số chính trị gia là “nhốt tù kiểu phòng ngừa” với tất cả những tên bị đánh dấu “hồ sơ S” (tức nhóm bị bên tình báo xem là có “dấu hiệu cực đoan, có nguy cơ phương hại cho an ninh quốc gia” và có khoảng 10.000 trường hợp như thế ở Pháp), Thủ tướng Valls cũng đáp ngay là: “Sẵn sàng xem xét mọi giải pháp thực tiễn và phù hợp với luật định cũng như với những giá trị của Pháp và có hiệu quả...”.

Nhưng xem ra câu trả lời này chưa chính xác và bất khả thi xét theo hiến pháp của Pháp. Đó là chưa kể hậu quả tai hại của nó nếu thực thi: “ăn miếng trả miếng” kiểu cực đoan thì lại càng gây ra phản ứng cực đoan hơn.

Đánh kiểu Mỹ hay kiểu khoan dung?

Nếu Pháp, hoặc bất cứ quốc gia dân chủ nào khác, sử dụng các biện pháp “phi luật lệ” để đáp trả sự bạo tàn thì chắc chắn điều đó sẽ gieo mầm cho những hành vi cực đoan hơn.

Có thể lúc này nền dân chủ và nhà nước pháp quyền có làm cản trở tức thời hiệu quả của các biện pháp chống khủng bố nhưng chúng lại có tác dụng đảm bảo cho kết quả lâu dài khi giới chính trị, với sự đồng lòng của người dân, tiến hành cuộc chiến chống khủng bố theo đúng luật.

Trong cuộc chiến chống khủng bố trên đất châu Âu, Pháp và các quốc gia châu Âu khác có vẻ đang đứng trước ngã ba đường: chống khủng bố quyết liệt theo kiểu Mỹ hay kiểu bền bỉ, đúng tinh thần “tự do, bình đẳng, bác ái”?

Kiểu ăn miếng trả miếng mạnh mẽ của Mỹ sau sự kiện 11-9-2001 thật ra đã đưa nước Mỹ đến hai cuộc chiến lớn tại Afghanistan và Iraq kéo dài và tốn kém mà kết quả cuối cùng phải nhìn nhận là “Mỹ thất bại”!

Người Pháp vốn truyền thống yêu tự do, công lý, điềm tĩnh và khoan dung nên sẽ không muốn rơi vào vòng xoáy của bạo lực kiểu “lấy oán báo oán, oán thêm 
chồng chất”.

Nhưng cuộc chiến chống khủng bố chính đáng nhất phải diễn ra trên lãnh thổ Pháp và châu Âu bởi vì cơ cấu tổ chức của bọn khủng bố không còn theo kiểu ngành dọc nữa. Nó tồn tại kiểu ngành ngang và chia nhỏ thành các nhóm hoạt động gần như độc lập tác chiến.

Đó là những nhóm ăn sâu cắm rễ trong xã hội, trong những cộng đồng bị xem là thiệt thòi trong sự phát triển của xã hội. Hệ thống khủng bố quốc tế giờ đây có chân rết trong cộng đồng và được sự ủng hộ của những cộng đồng thiệt thòi đó.

Cũng có thể thấy rằng chúng khai thác ngay chính sự bất mãn của các cộng đồng đó để tìm sự ủng hộ, che chở cho mình. Không có sự ủng hộ đó thì các nhóm khủng bố khó bề hoạt động. Vì thế nhiệm vụ của lực lượng tình báo là phải lần ra các nhóm đó, phá vỡ chúng trước khi chúng kịp đi đến hành động.

Các hoạt động đoàn thể xã hội cũng cần phải xắn tay vào, song hành cùng các biện pháp an ninh. Chính những cộng đồng thiệt thòi là cái nôi nuôi dưỡng những mầm mống khủng bố, chuyển dịch những thanh niên từ người bình thường thành người mang lòng thù hận, cực đoan.

Đó là cách cứu lấy những thanh niên đó từ những vòi bạch tuộc giáo lý muốn tẩy rửa cách nghĩ của họ về cuộc sống bình thường. Đó là một cuộc chiến khác cũng lâu dài nhưng ắt hẳn hiệu quả và ít tốn kém hơn những chiến đấu cơ và tên lửa.

Những vụ tấn công ngày 13-11 một lần nữa cho thấy cuộc chiến chống khủng bố nhiều năm qua của các quốc gia là một thất bại, cho thấy bọn khủng bố ngày càng tổ chức tốt hơn với những hành động phối hợp hoàn thiện hơn.

Trong một xã hội dân chủ và nhà nước pháp quyền phải chấp nhận thất bại như thế nhưng phải tìm cách hạn chế tổn thất ở mức tối đa. Vì nếu không thì dân chủ và nhà nước pháp quyền sẽ thất bại. Và đó chính là mục đích mà bọn khủng bố mong muốn.

Theo Võ Trung Dũng

Cùng chuyên mục
XEM