Năm 2015 lỗ đậm của thép Trung Quốc

04/12/2015 20:59 PM |

Không chỉ thua lỗ, các công ty thép của Trung Quốc còn chìm đắm trong nợ nần...

101 công ty thép lớn nhất Trung Quốc thua lỗ tổng cộng 72 tỷ Nhân dân tệ, tương đương 11 tỷ USD, trong 10 tháng đầu năm nay, tờ Financial Times cho biết. Mức thua lỗ này lớn hơn gấp đôi lợi nhuận mà các công ty thép lớn nhất Trung Quốc đạt được trong năm ngoái.

Sự đảo chiều nhanh chóng về kết quả kinh doanh này phản ánh sự sụt giảm chóng mặt của nhu cầu các nguyên vật liệu cơ bản ở Trung Quốc trong bối cảnh tốc độ tăng trưởng kinh tế nước này giảm mạnh. Không chỉ gây ảnh hưởng trong nước, sự giảm tốc của nền kinh tế Trung Quốc còn có tác động bất lợi tới khắp các quốc gia khác trên thế giới, từ Brazil, tới Australia, và Anh.

Ngành thép của Trung Quốc đóng một vai trò lớn trong sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế nói chung và thị trường bất động sản của nước này nói riêng trong suốt mấy thập kỷ qua. Trong khoảng thời gian đó, xi măng là một ngành khác có tốc độ phát triển mạnh ở nước này - thể hiện qua sản lượng xi măng của Trung Quốc trong 2 năm bằng sản lượng xi măng của Mỹ trong toàn bộ thế kỷ 20.

Lo ngại trước việc sản xuất sắt thép, xi măng và các vật liệu khác quá ồ ạt, Trung Quốc đã có nhiều nỗ lực nhằm thu hẹp các ngành này, nhưng nhìn chung đã không thành công.

Không chỉ thua lỗ, các công ty thép của Trung Quốc còn chìm đắm trong nợ nần. Sinosteel, công ty giao dịch thép quốc doanh lớn nhất Trung Quốc, đã vỡ nợ trái phiếu vào tháng 10 vừa qua.

Lĩnh vực bất động sản ở Trung Quốc, khách hàng lớn nhất của ngành thép nước này, vẫn đang trong tình trạng trầy trật. Gần đây, giá nhà và doanh số bán nhà đã tăng trở lại sau hơn 1 năm giảm, nhưng hoạt động xây dựng vẫn tiếp tục giảm do các công ty phát triển nhà trì hoãn các dự án mới trong khi chờ bán bớt nhà đã xây.

“Ổn định xã hội là vấn đề gây sức ép lớn nhất đòi hỏi tìm giải pháp nhanh chóng đối với tình trạng dư thừa công suất trong ngành thép Trung Quốc. Số công việc trong các nhà máy thép là rất lớn, nên việc sa thải trong ngành này có thể dẫn đến bất ổn xã hội”, một báo cáo ngày 4/12 của ngân hàng HSBC viết.

Ngành thép của Trung Quốc đã giảm công suất khoảng 50 triệu tấn trong năm nay, nhưng mức giảm như vậy chỉ tương đương 4% tổng công suất 1,14 tỷ tấn của ngành thép nước này - theo dữ liệu của HSBC. Ngân hàng này ước tính ngành thép Trung Quốc cần cắt giảm thêm 120-160 triệu tấn công suất nữa để đảm bảo tỷ lệ hoạt động 80% công suất - một tỷ lệ “tương đối lành mạnh”.

Trong số 101 công ty thép lớn nhất Trung Quốc, có 48 công ty lỗ ròng trong 10 tháng đầu năm. Tính chung, cả nhóm 101 công ty thua lỗ 39 tỷ Nhân dân tệ trong khoảng thời gian này - theo dữ liệu từ Hiệp hội Sắt thép Trung Quốc (CISA) mà tờ nhật báo Thông tin Kinh tế trực thuộc hãng thông tấn Tân Hoa Xã thu thập được.

Nếu không tính thu nhập từ các mảng kinh doanh phụ, thì tổng mức lỗ của 101 công ty thép lớn nhất Trung Quốc trong 10 tháng là 72 tỷ Nhân dân tệ.

Các con số thống kê cho thấy tình đang ngày càng xấu. Riêng trong tháng 10, thua lỗ của các công ty này trong mảng kinh doanh chính là thép lên tới 15 tỷ Nhân dân tệ, tăng 28% so với tháng 9.

Tháng 11 vừa qua, chỉ số nhà quản trị sức mua (PMI) ngành thép Trung Quốc giảm xuống 37 điểm, thấp hơn 5,2 điểm so với tháng 10. Chỉ số này dưới 50 điểm cho thấy sự suy giảm của ngành.

CISA dự báo sản lượng thép của Trung Quốc đã đạt đỉnh và sẽ giảm 3% trong năm 2016, sau khi tăng với tốc độ trung bình hàng năm 15% kể từ năm 2000-2013.

Tuy vậy, các nhà sản xuất quặng sắt như BHP Billiton, Rio Tinto, và Vale - những tập đoàn đã chi hàng tỷ USD để mở rộng sản xuất trong thập kỷ qua - vẫn đang cố “bấu víu” vào những dự báo khả quan hơn về sản lượng của thép trong những năm tới. Các tập đoàn này vẫn tin rằng sản lượng thép của Trung Quốc sẽ đạt đỉnh ở mức khoảng 1 tỷ tấn trong thập kỷ tới.

Theo An Huy

Cùng chuyên mục
XEM