Tiền Trung Quốc ‘lên ngôi’, Việt Nam ảnh hưởng gì ?
Việc đồng tiền Trung Quốc được đưa vào giỏ tiền tệ thế giới sẽ tácđộng đến kinh tế Việt Nam - vốn đang lệ thuộc nhiều vào nước này, thểhiện ở con số nhập siêu rất lớn.
Ngày 30-11, Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tuyên bố đồng nhân dân tệ của Trung Quốc (TQ) đủ điều kiện để đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế, còn được gọi là quyền rút vốn đặc biệt (SDR). Hiện nay giỏ tiền tệ thế giới gồm bốn loại tiền tệ là đôla Mỹ, euro, yen Nhật và bảng Anh.
Việc nhân dân tệ được đưa vào SDR sẽ khiến vị thế đồng tiền của TQ trên các thị trường tài chính được củng cố và có uy tín hơn.
Vậy Việt Nam chịu ảnh hưởng thế nào từ việc đồng tiền TQ trở thành đồng tiền dự trữ quốc tế? Chúng tôi đã trao đổi với TS Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế về vấn đề này.
Tác động đến nhiều lĩnh vực
Phóng viên: Ông đánh giá thế nào trước thông tin đồng nhân dân tệ của TQ được đưa vào giỏ tiền tệ quốc tế và nó có tác động gì đến kinh tế Việt Nam?
TS Cấn Văn Lực: Sự kiện này không chỉ tác động đối với tài chính toàn cầu mà còn đến Việt Nam. Cụ thể việc nhân dân tệ nằm trong giỏ tiền tệ thế giới tác động đến các vấn đề như xuất nhập khẩu, nợ nước ngoài, thậm chí là tỉ giá… của Việt Nam.
Tuy nhiên, trước mắt sự kiện trên tác động đến thị trường Việt Nam cơ bản là yếu tố tâm lý.
Xin ông nói rõ hơn những ảnh hưởng từ sự kiện này lên Việt Nam, đặc biệt là vấn đề nợ nước ngoài?
Khi nhân dân tệ được đưa vào giỏ tiền tệ thế giới thì từ nay vấn đề nợ nước ngoài của chúng ta sẽ có liên quan đến đồng tiền này. Chưa biết IMF cho đồng tiền TQ chiếm tỉ trọng bao nhiêu trong giỏ tiền tệ thế giới nhưng rõ ràng tỉ giá quy đổi sắp tới sẽ khác.
Với lĩnh vực xuất nhập khẩu luôn gắn với câu chuyện về tỉ giá. Lâu nay chúng ta cũng có một số giao dịch với TQ nhưng bằng USD. Song sắp tới có thể trong quan hệ đối tác, TQ sẽ đề xuất thanh toán bằng đồng tiền của họ nhiều hơn. Thế nên doanh nghiệp cũng phải tính toán để kiểm soát rủi ro của tỉ giá đồng nhân dân tệ.
Riêng về thị trường chứng khoán Việt Nam thì có thể chưa tác động nhiều vì đầu tư của TQ vào nước ta cũng không quá lớn, ở mức khoảng 6-7 tỉ USD.
Cụ thể những doanh nghiệp xuất nhập khẩu sẽ bị tác động như thế nào, thưa ông?
Các hợp đồng xuất nhập khẩu của các doanh nghiệp Việt với TQ lâu nay chủ yếu đều được quy đổi theo USD. Ngoài ra, những hợp đồng này thường đã ký trước khi đồng tiền TQ được đưa vào giỏ tiền tệ thế giới nên hiện tại chưa bị ảnh hưởng nhiều. Có điều trong thời gian tới sẽ bị ảnh hưởng bởi vấn đề xuất nhập khẩu thanh toán bằng nhân dân tệ sẽ gia tăng.
Chủ động để tránh cú sốc bất ngờ
Trước bối cảnh mới này, theo ông Việt Nam nên sẵn sàng chuẩn bị những gì để ứng phó với các kịch bản xấu có thể xảy ra?
Trước hết chúng ta phải theo dõi sát diễn biến, tình hình thị trường. Từ nay về sau chúng ta phải quan tâm nhiều hơn đến đồng tiền TQ vì chắc chắn trong tương lai nợ nước ngoài của Việt Nam có liên quan đến đồng tiền này.
Thứ hai, trong bối cảnh mới cần tiếp tục linh hoạt chính sách tỉ giá, chủ động hơn để tránh những cú sốc bất ngờ. Thứ ba, phải có các định chế tài chính, kiểm soát rủi ro trong đó có những tác động từ đồng nhân dân tệ.
Đặc biệt, cần tham vấn kinh nghiệm trước đây khi những đồng tiền lớn như bảng Anh, yen Nhật được vào giỏ tiền tệ này thì nó tác động như thế nào để có cách ứng phó thích hợp.
Theo ông, sau khi nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ thế giới, giá trị đồng tiền này sẽ tăng hay giảm và nó liên quan gì đến đồng tiền Việt Nam?
Ngay sau khi đồng nhân dân tệ vào giỏ tiền tệ thế giới thì giá trị đồng tiền này sẽ tăng lên. Như vậy nó sẽ tạo áp lực đối với cơ quan quản lý của TQ vì quốc gia này đang muốn đẩy mạnh xuất khẩu, trong khi nhân dân tệ tăng sẽ không có lợi cho xuất khẩu. Vậy nên kiểu gì họ cũng sẽ điều chỉnh tỉ giá và điều này sẽ tác động tới tỉ giá cũng như đầu tư, nợ công… của Việt Nam.
Trước đây đã từng có đề xuất cho phép một số ngân hàng chấp nhận đồng nhân dân tệ như phương tiện trao đổi. Nay đồng tiền này gia nhập giỏ tiền tệ thế giới thì kịch bản này liệu có được chấp nhận?
Đây là hai vấn đề khác nhau. Việc trước kia có đề xuất coi nhân dân tệ như phương tiện trao đổi chỉ là vấn đề kỹ thuật. Chẳng hạn, có một lượng tiền nhân dân tệ nhưng không muốn đem quay về biên giới nên họ mong muốn được chấp nhận để nộp vào các ngân hàng Việt Nam hoặc ngân hàng TQ tại Việt Nam để có thể chuyển qua các đồng tiền khác. Trong khi việc nhân dân tệ nằm trong giỏ tiền tệ thế giới không ảnh hưởng gì đến vấn đề này.
Cám ơn ông.
Phụ thuộc vào sự ứng phó của Việt Nam
Khi vào giỏ tiền tệ thế giới, nhân dân tệ mạnh lên, Việt Nam nhập siêu nhiều nên sẽ càng “thiệt thòi”. Bởi lẽ đồng nhân dân tệ mạnh lên, tức là Việt Nam sẽ phải nhập nguyên liệu đầu vào với giá càng cao. Thâm hụt thương mại Việt Nam-TQ vốn đã lớn sẽ càng lớn thêm. Nếu Việt Nam tăng được xuất khẩu vào thị trường TQ thì Việt Nam mới được lợi nhiều hơn vì khi đó ngoại tệ quy đổi từ nhân dân tệ cũng tăng lên.
Để tránh “thiệt thòi” do nhân dân tệ mạnh lên, Việt Nam cần phải có biện pháp cân bằng thương mại với TQ. Trước hết phải nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế để từ đó nâng cao giá trị và sức mạnh của đồng tiền Việt Nam.
Hiện nay nguyên liệu đầu vào, phục vụ sản xuất của Việt Nam cũng đang phụ thuộc nhiều vào TQ. Việt Nam cần tận dụng lợi thế từ các hiệp định tự do thương mại đã ký kết để đa dạng hóa thị trường nhập khẩu nguyên liệu đầu vào, vừa để giảm sự phụ thuộc vào TQ, vừa để tìm được thị trường nguyên liệu đầu vào với giá cả hợp lý, chất lượng cao hơn.
Như vậy việc nhân dân tệ được xếp vào giỏ thanh toán quốc tế ảnh hưởng đến Việt Nam tốt hay xấu là do Việt Nam ứng phó với động thái này ra sao.
TS CAO SỸ KIÊM, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước
Tiền Trung Quốc khó “qua mặt” tiền Mỹ
Hiện nay nhân dân tệ vẫn đang cao hơn so với giá trị thực, hơn nữa TQ đang muốn đẩy mạnh xuất khẩu. Bởi vậy sắp tới TQ có thể tìm cách để phá giá đồng nội tệ của mình. Điều đó làm hàng hóa TQ rẻ hơn và nhập siêu của Việt Nam lại tăng lên.
Riêng về nguy cơ đồng tiền TQ sẽ chiếm tỉ trọng cao hơn cả USD trong giỏ tiền tệ thế giới, theo cá nhân tôi là khó xảy ra trong vòng ít nhất 20 năm tới. Bởi tỉ trọng bao nhiêu không chỉ phụ thuộc vào sức mạnh của đồng ngoại tệ đó mà còn phụ thuộc phần lớn vào thể chế chính trị, cung cách điều hành… của quốc gia đó. Đồng nhân dân tệ khó có thể vượt “qua mặt” đồng USD.
TS NGUYỄN TRÍ HIẾU, chuyên gia tài chính ngân hàng