Làm sao để thoát khỏi nền nông nghiệp 'tình thương'? (P.1)

18/06/2015 08:30 AM |

Cánh đồng lớn có thể là phương thức giúp chúng ta thoát khỏi mô hình sản xuất nông nghiệp hạn chế cả về lượng và về chất như hiện nay.

Kỳ 1: Cánh đồng lớn

Xin mở đầu bài viết bằng những tranh cãi trong ngành mía đường Việt Nam. Không thể phủ nhận giá đường trong nước đang cao hơn giá đường các nước trong khu vực. Nhiều ý kiến cho rằng đây là hệ quả của việc bảo hộ độc quyền ngành đường trong nước. Tuy vậy, cũng có nhiều chuyên gia nhận định rằng phương thức trồng mía tự phát, manh mún là nguyên nhân đẩy giá nguyên liệu đầu vào tăng cao dẫn đến giá đường tăng để bù đắp chi phí đầu vào. Cho dù nguyên nhân là gì thì đời sống của những nông dân trồng mía cũng gặp nhiều khó khăn.

Tình trạng manh mún trong ruộng đất rất phổ biến ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam. Từ góc độ cá thể, manh mún trong ruộng đất gây ra nhiều hạn chế ví dụ như: tăng chi phí sản xuất, sử dụng nhiều lao động, lãng phí đất cho bờ vùng, bở thửa, khó khăn cho công tác thuỷ lợi. Từ góc độ kinh tế- xã hội, phương thức canh tác tự phát, mạnh ai lấy làm tăng chi phí giao dịch, khó khăn trong chuyển dịch lao động từ ngành nông nghiệp sang các lĩnh vực khác như công nghiệp và dịch vụ, gây khó khăn trong qui hoạch thương mại sản xuất cũng như quy hoạch sử dụng đất. Vì vậy, chúng ta cần thay đổi phương thức sản xuất nông nghiệp theo hướng qui hoạch, tập trung.

1. Lợi ích của cánh đồng lớn

Cánh đồng lớn giải quyết hai mâu thuẫn lớn trong ngành nông nghiệp Việt Nam: sản xuất manh mún với thị trường lớn và sản xuất nông nghiệp hiệu quả thấp với rủi ro cao.

Chìa khoá cho cánh đồng lớn là liên kết nông dân để họ sản xuất theo một qui trình chung trong tất cả các khâu từ sản xuất, qui trình kĩ thuật, qui trình quản lý, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm. Các qui trình này được thiết lập trên cơ sở của doanh nghiệp, thị trường, về khối lượng cung ứng và chất lượng. Vì vậy đầu ra của sản phẩm nông nghiệp được đảm bảo, tránh tình trạng được mùa mất giá, hay mất mùa được giá đang rất phổ biến hiện nay, hạn chế rủi ro cho người nông dân.

Ngoài ra, liên kết nông dân cũng nhằm giải quyết nhu cầu thị trường. Chỉ có liên kết lại thì người nông dân mới có thể cung ứng các sản phẩm đồng đều về số lượng, chất lượng, cho nhiều đối tác, cho nhiều thị trường khác nhau, đồng thời xây dựng được thương hiệu các sản phâm nông nghiệp Việt Nam, từ đó làm gia tăng giá trị sản phẩm nông nghiệp.

2. Những khó khăn khi triển khai

Mô hình cánh đồng lớn được triển khai cách đây 5 năm tại ĐBSCL và hiện đã lan toả ra nhiều địa phương. Mô hình này đã cho nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên tình hình triển khai mô hình hiện nay vẫn còn nhiều khó khăn, trong đó phải kể đến thiếu công tác tuyên truyền cũng như các chính sách hỗ trợ.

Do công tác truyên truyền ở nhiều địa phương còn yếu vì vậy người dân không hiểu được lợi ích thực sự mang lại cho họ, cả trước mắt và lâu dài. Ngoài ra, chúng ta còn chưa có giải pháp hỗ trợ ngừoi nông dân tham gia mô hình từ việc đánh giá lại chất lượng sản phẩm, cho đến thanh toán, vì vậy nhiều người còn rụt rè trong việc tham gia mô hình.

Ngoài ra, chính sách hỗ trợ người nông dân tham gia mô hình rất khó tiếp cận, vô cùng khó giải ngân. Ví dụ như chính sách người dân được hưởng trực tiếp 18.000 đồng/sào thì cần đến 28 chữ kí, ngoài ra cũng có nhiều chính sách đủ và đúng đắn khác nhưng không thể thực hiện do thiêú kinh phí

Những minh chứng từ các mô hình cánh đồng lớn thí điểm ở các tỉnh Sóc Trăng, An Giang đã chứng minh hiệu quả ưu việt hơn hẳn của cánh đồng lớn so với phương thức canh tác truyền thống. Cánh đồng lớn có thể là phương thức giúp chúng ta thoát khỏi mô hình sản xuất nông nghiệp hạn chế cả về lượng và về chất như hiện nay.

Vũ Duy Công

Cùng chuyên mục
XEM