Vì sao Gemadept rút khỏi nông nghiệp?
Rút lui giữa lúc hàng loạt tập đoàn lớn khác đang đổ vốn vào nông nghiệp, có phải Gemadept đã nhận ra rằng đây không phải lĩnh vực "dễ ăn"?
Nội dung nổi bật:
- Cách đây 3 năm, TGĐ Gemadept từng chia sẻ trồng cao su là cách để giúp công ty đạt tốc độ tăng trưởng cao. Thế nhưng, hiện nay Gemadept lại quay về dành ưu tiên cho ngành cốt lõi là cảng biển và logistics.
- Kể từ lúc hạ cây cao su đầu tiên vào đầu năm 2012, dự án trồng cây cao su ở Campuchia vẫn khả quan và đạt được một số thành quả nhất định. Tuy nhiên, lĩnh vực cao su vẫn đang “tiêu tiền” của Gemadept trong khi lợi nhuận từ cao su lại là ẩn số.
Dù theo đuổi nhiều năm và đã tạo được không ít ưu thế nhưng Gemadept vẫn quyết định rút lui khỏi lĩnh vực nông nghiệp. Thông tin này đã được công bố và chính thức thông qua tại Đại hội đồng cổ đông mới đây của Gemadept. Theo đó, những lĩnh vực không thuộc ngành nghề chính như nông nghiệp, bất động sản sẽ được công ty lên kế hoạch thoái vốn.
Điều này cho thấy những điều chỉnh trong chiến lược của Gemadept. Cách đây 3 năm, trong một phát biểu với báo giới, ông Đỗ Văn Minh, Tổng Giám đốc Gemadept, từng chia sẻ trồng cao su là cách để giúp công ty đạt tốc độ tăng trưởng cao. Thế nhưng, hiện nay Gemadept lại quay về dành ưu tiên cho ngành cốt lõi là cảng biển và logistics.
Năm 2014 Gemadept đã đưa vào khai thác cảng Nam Hải Đình Vũ có quy mô gấp 3 lần cảng Nam Hải. Đầu năm nay, công ty bắt tay với Thủy sản Minh Phú để triển khai dự án trung tâm logistics, kho lạnh tại đồng bằng sông Cửu Long, trong đó Gemadept nắm 51% cổ phần. Tại miền Bắc, công ty cũng triển khai trung tâm depot tại khu vực cảng Đình Vũ nhằm hỗ trợ cho hoạt động của cảng Nam Hải Đình Vũ.
Trong các năm tới, ông Chu Đức Khang, Phó chủ tịch Gemadept, nhận định làn sóng chuyển dịch nhà máy sẽ đổ về Việt Nam; các thương vụ mua bán - sáp nhập (M&A) cũng nhiều hơn; hoạt động thương mại sẽ gia tăng thông qua các hiệp định thương mại. Điều này mở ra cơ hội tăng trưởng mới cho ngành cảng biển và logistics. Vì thế, song song với đầu tư cảng và các trung tâm kho bãi, GMD còn nghiên cứu khả năng M&A với các cảng khác tại các khu vực trọng điểm.
Đối với lĩnh vực ngoài ngành cốt lõi, ông Đỗ Văn Minh cho biết công ty không rút lui bằng mọi giá mà sẽ chuyển nhượng khi được giá. Đơn cử, trong cơ cấu lợi nhuận Gemadept năm 2014, có hơn 500 tỷ đồng từ chuyển nhượng 85% vốn ở cao ốc Gemadept. Riêng mảng trồng cao su, ông Minh cho biết chừng nào có người mua trả giá tốt, công ty mới bán.
Trước mắt, khi chưa tìm được đối tác thuận mua vừa bán, công ty vẫn tiếp tục các hoạt động đầu tư vào cao su. Hồi đầu năm nay, Hội đồng Quản trị Gemadept đã thông qua quyết định rót 27,76 triệu USD cho dự án trồng cao su tại Campuchia. Gemadept cũng thành lập Công ty Cổ phần Niềm Kiêu Hãnh Thái Bình Dương (Pacific Pride JSC). Như vậy, cùng với Công ty Hòn Ngọc Thái Bình Dương (Pacific Pearl), Hoa Sen Thái Bình Dương (Pacific Lotus), Gemadept có 3 công ty con tại Campuchia để triển khai các kế hoạch liên quan đến đầu tư và khai thác cao su.
Kể từ lúc hạ cây cao su đầu tiên (đầu năm 2012), dự án trồng cây cao su ở Campuchia vẫn khả quan và đạt được một số thành quả nhất định. Đáng chú ý là năm 2013, Gemadept đã được Campuchia cấp sổ đỏ với quyền sử dụng đất trong 70 năm cho gần 30.000ha. Đây là lợi thế hiếm hoi và là tài sản không hề nhỏ mà Gemadept đã tạo được. Ngoài ra, Gemadept cũng đã khai hoang được khoảng 10.000ha và trồng được gần 8.000ha cao su.
Tuy nhiên, nhìn vào tuổi cây cao su, sớm nhất cuối năm 2016, Gemadept mới có thể tiến hành khai thác mủ. Như vậy, lĩnh vực cao su vẫn đang “tiêu tiền” của Gemadept trong khi lợi nhuận từ cao su lại là ẩn số. Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam dự báo, trong năm 2015 giá bán cao su trên thị trường có thể chỉ cao hơn một chút hoặc ngang ngửa giá sản xuất, nghĩa là ngành cao su khó có lợi nhuận.
Với thực tế đó, báo cáo của Công ty Chứng khoán Maybank KimEng từng chỉ ra khả năng Gemadept sẽ chọn lựa phương án chuyển nhượng dự án trồng cao su thông qua việc bán các công ty con tương ứng.
Gemadept đã đi qua không ít vất vả để tiến vào lĩnh vực trồng cao su. Nhưng sau hơn 5 năm kể từ thời điểm Gemadept tiến hành khảo sát nghiên cứu và tìm kiếm quỹ đất, Gemadept vẫn chỉ chi ra chứ chưa thu vào. Một nhà lãnh đạo tại Gemadept (không muốn nêu tên) thừa nhận nông nghiệp là lĩnh vực có tiềm năng, bền vững nhưng đòi hỏi mức độ đầu tư lâu dài và phải trường vốn. Đặc biệt, đối với những đơn vị không coi nông nghiệp là ngành chủ lực như Gemadept, đầu tư nông nghiệp đôi khi không đạt hiệu quả bằng việc chuyên tâm vào các ngành cốt lõi.
Ngành nông nghiệp thường chịu nhiều rủi ro từ diễn biến thị trường. Còn nhớ khi Gemadept chuẩn bị kế hoạch trồng cao su (năm 2010), ngành này đang ở mức tăng trưởng đột biến với kim ngạch xuất khẩu đạt 2,3 tỷ USD, đứng thứ hai về các mặt hàng nông sản xuất khẩu. Nhưng đến nay, giá cao su đã chạm đáy thấp nhất trong 5 năm trở lại. Ngoài ra, ngành nông nghiệp còn chịu những rủi ro khó lường như rủi ro mùa vụ, dịch bệnh, biến đổi thổ nhưỡng, khí hậu thời tiết cũng như rủi ro từ môi trường, các vấn đề an sinh-xã hội.
Phó chủ tịch Chu Đức Khang cho biết thêm khi một công ty sản xuất hoặc dịch vụ tham gia vào nông nghiệp, họ khó quen với cách thức làm việc đặc thù, ít đi theo trật tự giờ giấc, quy trình của nhà nông. Vì thế, đội ngũ lãnh đạo và quản lý ở các công ty này khi lấn sân thêm mảng nông nghiệp đều phải ra sức học hỏi và thích nghi. Vấn đề này đặt ra không ít áp lực cho đơn vị tham gia.
Phải thế chăng khi đưa lên bàn cân được mất, Gemadept quyết định buông nông nghiệp? Nhìn rộng hơn, ngành nông nghiệp vẫn chưa tạo được sức hút khi trong số gần 700 doanh nghiệp niêm yết trên sàn, chỉ có khoảng 20 công ty hoạt động trong ngành này, chiếm chưa tới 5% mức vốn hóa thị trường. Và trong tổng số các dự án còn hiệu lực cho đến nay, vốn FDI rót vào nông nghiệp chỉ chiếm hơn 3% tổng số dự án và 1,4% tổng vốn đăng ký.