Đâu sẽ là tương lai của Trung Quốc thời “hậu 1 con”?

25/11/2015 08:54 AM |

Đâu sẽ là tương lai của Trung Quốc thời “hậu 1 con”?

Là quốc gia đông dân nhất thế giới, không nhiều người biết Trung Quốc vẫn đang đau đầu về vấn đề lao động. Trung Quốc sở hữu dân số già, kéo theo một loạt tác động tiêu cực đến nền kinh tế như tăng trưởng chậm, năng suất lao động kém. Thực trạng nhân khẩu học đi đôi với tình trạng già hóa dân số nhanh chóng đang dần trở thành vấn đề sát sườn của quốc gia đông dân này.

Cách đây vài tháng, Trung Quốc chính thức cho thay đổi chính sách 1 con sau hơn 30 năm thực thi, cho phép sinh con thứ 2 nếu vợ hoặc chồng là con một, ngoài ra còn nới lỏng hơn với các đối tượng gia đình nông thôn, dân tộc thiểu số hoặc sinh con khuyết tật. Động thái này được xem như một nỗ lực dù nhỏ trong công cuộc vực dậy sau cuộc khủng hoảng dân số suốt 3 thập kỷ qua. Nhưng liệu như thế đã đủ với Trung Quốc?

Trong khi hậu quả để lại của một trong những “sai lầm lớn nhất Trung Quốc từng phạm phải” (theo Giáo sư Wang Feng, chuyên gia dân số hàng đầu Trung Quốc) vẫn sẽ còn tiếp tục trong nhiều thập kỷ nữa, một sự thay đổi tích cực đến từ những tiến bộ công nghệ dường như đang thổi một luồng gió mới vào khung cảnh ảm đạm của nước này: Sự nổi lên của robot.

“Quốc gia đông robot nhất thế giới”

Ông Bao Fan, Chủ tịch kiêm CEO của Ngân hàng đầu tư China Renaissance, bày tỏ quan điểm với giới truyền thông về tương lai của Trung Quốc thời hậu chính sách 1 con: "Thứ nhất, Trung Quốc sẽ sớm trở thành viện dưỡng lão lớn nhất thế giới. Thứ hai, Trung Quốc cũng sẽ là quốc gia đông robot nhất thế giới".

Quả nhiên, không ai có thể phủ nhận được tốc độ tăng trưởng thần kỳ của ngành công nghiệp robot Trung Quốc. Theo Liên đoàn Robot quốc tế, chỉ trong năm 2014, sản lượng bán robot của nước này đã tăng chóng mặt tới 56%. Theo đó, Trung Quốc sẽ tiến gần hơn với việc thâu tóm hơn 1/3 sản lượng robot công nghiệp cho tới năm 2018.

Có vẻ xu thế phát triển này đang ngày càng tỏ ra hứa hẹn và hữu ích hơn nhiều so với cải cách chính sách 1 con. Bởi lẽ, khác với con đường chế tạo robot đang trải đầy hoa hồng trước mắt “công xưởng của thế giới”, Trung Quốc sẽ phải đối mặt với không ít thách thức về văn hóa nhằm vực lại tỷ suất sinh sản, đồng nghĩa với việc đặt dấu chấm hết cho chính sách 1 con đầy bất cập.


Một góc nhìn khác về mẫu robot tự chế của nhà phát minh gốc nông dân Tao Xiangli.

Một góc nhìn khác về mẫu robot tự chế của nhà phát minh gốc nông dân Tao Xiangli.

Chia sẻ với BusinessInsider, ông Fuxian Yi – tác giả cuốn sách chỉ trích chính sách 1 con của Trung Quốc “Một nước lớn với cái tổ rỗng” – đưa ra quan điểm: “Về lâu dài, sự thiếu hụt lao động sẽ phần nào được khắc phục nhờ cải cách chính sách 1 con, nhưng đó sẽ chỉ như muối bỏ bể bởi sau hơn 3 thập kỷ, nó đã dần biến thành thứ văn hóa ăn sâu bén rễ vào tâm trí mỗi người dân Trung Quốc”.

Đông dân – Thiếu lao động

Nguyên do cho nghịch lý này có thể đến từ đâu? Rõ ràng, Trung Quốc không hề thiếu lực lượng lao động trẻ khỏe, được đào tạo và có tay nghề. Nhưng mấu chốt là những người trẻ tuổi đó lại có xu hướng… tránh né những công việc mang tính chân tay.

Kết luận này được các nhà phân tích thuộc Tập đoàn Ngân hàng tài chính Thụy Sỹ Credit Suisse đưa ra: “So với những thế hệ đi trước, nền giáo dục hiện tại của Trung Quốc đang ngày càng được nâng cấp đáng kể, dân trí vì thế cũng ngày một tiến bộ. Đây chính là nguyên nhân khiến thế hệ trẻ của nước này đang ngần ngại trước những công việc lao động thủ công đòi hỏi sức bền tốt khi phải làm việc với cường độ cao hay điều kiện làm việc nguy hiểm. Cuối cùng, những vị trí này sẽ lại dành cho robot và các hệ thống tự động hóa”.

Cũng theo họ, trong suốt thập kỷ qua, tỷ lệ sinh sản thấp đã dẫn đến cắt giảm lao động và tạo nhiều cơ hội hơn cho giáo dục, đồng thời làm đòn bẩy cho sự phát triển của ngành công nghiệp tự động hóa cũng như robot của Trung Quốc.

Với các công ty tại đây, công nghệ robot đang dần trở thành một lựa chọn đầy tiềm năng so với sử dụng người lao động truyền thống. Theo họ, ngoài chi phí hoạt động thấp cùng năng suất hứa hẹn sẽ vượt trội hơn hẳn, robot còn “ăn điểm” nhờ sự trung thành tuyệt đối với người sử dụng lao động. Trong khi đó, các công ty sẽ phải tốn một khoản để đào tạo và giữ chân người lao động, chưa kể rất khó để duy trì năng suất lao động ổn định của công nhân trong một thời gian dài.

Giáo sư Yunhui Liu, giảng dạy tại khoa Kỹ thuật cơ khí và Tự động hóa thuộc Đại học Hong Kong cho biết, rất khó để thu hút người lao động tại các khu vực như Giang Tô hay Chiết Giang. Thậm chí, người lao động tại đây còn có thói quen khá kỳ lạ như… bất ngờ bỏ việc ngay sau khi nghỉ Tết Nguyên đán mà không hề báo trước. Sau những dịp lễ này, thường chỉ có tối đa 30% công nhân tiếp tục quay lại làm việc tại nhà máy. Ông Liu cũng tỏ ra khá ưu ái robot khi cho rằng, thay vì chỉ làm việc tối đa 10 tiếng/ngày, robot hoàn toàn có thể làm việc liên tục 24/7.

Thêm vào đó, các khoản trợ cấp của chính phủ Trung Quốc cũng “vô tình” kích thích nhu cầu sở hữu robot của nhiều công ty. Theo tờ South China Morning Post, Trung Quốc hiện đang tiến hành trợ cấp từ 31,4 – 78,5 triệu USD mỗi năm cho các nhà máy chế tạo robot hoặc các xưởng sản xuất có lắp đặt robot. Nước này cũng đang gồng mình thực hiện chiến dịch đẩy mạnh sản xuất “Made in China 2025” với tham vọng trở thành ngành công nghiệp robot mạnh nhất thế giới tới năm 2030.

Sẽ có cú lội ngược dòng?

Lạc quan là vậy, nhưng ở bên kia sườn dốc, nhân lực Trung Quốc đang bị đưa vào tình thế khó khăn hơn bao giờ hết. Các nhà phân tích tại Credit Suisse cho hay, dù chính sách 1 con đã đi đến hồi kết nhưng những dư âm còn lại hẳn sẽ còn kéo dài. Theo đó, gánh nặng tài chính của một gia đình 3 – 4 thế hệ thường thấy ở Trung Quốc chắc chắn sẽ còn tiếp diễn, thậm chí có phần trầm trọng hơn.

Cũng vì lý do đó, việc nhanh chóng xây dựng cơ sở hạ tầng nhằm hỗ trợ người già và trẻ em đang trở thành áp lực đè nặng lên chính phủ Trung Quốc. Thực tế cho thấy, tỷ lệ lao động cao tuổi của nước này đang có xu hướng giảm dần trong vài thập niên trở lại đây. Trong năm 2010, theo thống kê, có khoảng 75% người cao tuổi vẫn tiếp tục lao động. Dự đoán tới 2030, tỷ lệ này sẽ chỉ còn hơn 30%, 20% vào năm 2040 và 17% tới năm 2050. Các nhà nghiên cứu kết luận: “Việc ứng dụng các robot dịch vụ trong lao động sẽ giúp giải quyết hầu hết khối lượng công việc cho lao động cao tuổi vốn gặp khó khăn về sức khỏe”.

Thách thức vẫn còn đó

Hẳn nhiên, với tình hình hiện tại của Trung Quốc, tốc độ tăng trưởng của robot cần đi đôi với thực trạng kinh tế đang có dấu hiệu chậm lại của nước này. Theo đại diện của ABB, công ty tự động hóa và công nghệ năng lượng của Thụy Sĩ, sự sụt giảm doanh thu bán robot vào quý III của Trung Quốc chính là dấu hiệu giảm tốc đầu tiên của kinh tế Trung Quốc, từ một nền kinh tế dựa trên xuất khẩu công nghệ chuyển sang hướng mũi nhọn vào đối tượng người tiêu dùng trong nước.

Theo Tân Hoa xã, hướng đi lâu dài của Trung Quốc thời điểm này là tập trung hiện đại hóa các cơ sở, nhà máy với tỷ lệ robot thực hiện các công đoạn thay con người ngày một cao hơn. Chính vì vậy, để có thể hiện thực hóa kế hoạch “Made in China 2025”, các cơ sở sản xuất buộc phải đầu tư công nghệ, máy móc để đáp ứng năng suất dự kiến. Mặc dù vậy, trong thời điểm tiềm lực kinh tế chưa đủ để đưa công nghệ bắt kịp nhu cầu sản xuất, các doanh nghiệp hẳn sẽ khá chật vật để giải quyết tình trạng thiếu hụt nhân công, một trong những cơn đau đầu dai dẳng nhất của Trung Quốc hiện tại.

Theo NhungNg

Cùng chuyên mục
XEM