Trung tâm thương mại của người Trung Quốc là… cả thế giới

16/11/2015 11:49 AM | Marketing

Văn hóa Trung Hoa trở nên vô cùng phổ biến trong các thiết kế thời trang của những thương hiệu hàng đầu như Chanel, Christian Dior, Roberto Cavalli,... và cả những tác phẩm nghệ thuật trưng bày. Câu chuyện về sức ảnh hưởng của thị trường tiêu thụ hàng hiệu lớn nhất thế giới vẫn chưa bao giờ kết thúc.

Châu Á là “điểm nóng” đối với tất cả những nhãn hiệu thời trang lớn trên thế giới. Sức mua và lượng tiêu thụ tại các thị trường trong khu vực Châu Á luôn mang đến sự kinh ngạc đối với các nhãn hiệu này.

Mới đây, Chanel đã tổ chức buổi trình diễn show Cruise 2016 tại Seoul với những thiết kế lấy cảm hứng từ văn hóa Hàn Quốc rất sáng tạo và thú vị.

Hàn Quốc hiện đang là thị trường lớn thứ ba tại Châu Á, đứng sau Trung Quốc và Nhật Bản. Và trước khi đến với Seoul, Chanel cũng từng ghé qua Thượng Hải (Trung Quốc) để giới thiệu bộ sưu tập Méteir d’Art Paris-Shanghai hồi tháng 12 năm 2009.

Văn hóa Trung Quốc “len lỏi” vào những thiết kế đẳng cấp

Cách bố trí của triển lãm tại Metropolitan thể hiện rõ nét sức ảnh hưởng của nền văn hóa Trung Hoa trong các tác phẩm được trưng bày. Cụ thể, chiếc bình cổ từ thế kỷ 15 đời nhà Minh đặt kế bên thiết kế đầm dạ hội của Roberto Cavalli với những họa tiết xanh dương và trắng được ra mắt 10 năm về trước.

Phong cách mang tính ẩn dụ của nhà thiết kế đồ nam Craig Dean đến từ London gợi đến trường phái thiền và đặc biệt là những mẫu đầm couture của Dior được thực hiện bởi nhà thiết kế John Galliano đều "nhuốm" đẫm màu sắc Trung Hoa đặc trưng.


Họa tiết gốm sứ Trung Quốc trong các thiết kế

Họa tiết gốm sứ Trung Quốc trong các thiết kế

Ngoài ra, chúng ta vẫn có thể thấy rõ sức ảnh hưởng của Trung Quốc trong những sáng tạo của các nhà mốt hàng đầu thế giới. Và điều ấy không chỉ gói gọn trong các mẫu thêu rồng, phượng.

Năm 2008, nhãn hiệu cao cấp Hermès ra mắt thương hiệu mang cái tên “100% Trung Quốc” Shang Xia (Thiên Địa) với những sáng tạo được thực hiện bởi kỹ nghệ thủ công Trung Hoa lưu truyền qua nhiều thế hệ. Hiện nay, Shang Xia có 3 cửa hàng trên toàn thế giới (ở Bắc Kinh, Thượng Hải, và Paris).

Những sản phẩm của Shang Xia được bán ra với giá rẻ hơn so với các thiết kế mang thương hiệu Hermès, một chiếc vòng cổ bằng bạc có giá tầm 900 bảng hay một chiếc túi xách bằng tre và da thuộc có giá khoảng 3.000 bảng.

Hermès cũng không kỳ vọng thương hiệu Shang Xia sẽ sinh lời trong thời gian này, sớm nhất cũng phải đến năm 2016. Để xây dựng và phát triển một thương hiệu đòi hỏi rất nhiều yếu tố, và một trong số đó là sự đầu tư “mạnh tay”.

Một số thương hiệu khác cũng bắt đầu để ý tới việc gắn liền sản phẩm của mình với thị trường Châu Á. Đặc biệt, Tết Nguyên đán là dịp lễ lớn trong năm của nhiều nước Châu Á, do đó, các hãng thời trang tên tuổi như Burberry, Ralph Lauren, Loewe, Lalique, hay Diane von Furstenberg đều tranh thủ thời điểm này để đưa ra những thiết kế độc đáo của mình.

Thậm chí, Fendi còn cho ra mắt cả một bộ sưu tập dành riêng cho dịp Tết Nguyên đán vừa qua với những tông màu truyền thống: đỏ và vàng ánh kim.


Khăn choàng của Burberry với chữ Hán được thêu tay tỉ mỉ

Khăn choàng của Burberry với chữ Hán được thêu tay tỉ mỉ

Trong tương lai, xu hướng Á Đông, đặc biệt là Trung Quốc sẽ tiếp tục là một mảnh đất màu mỡ chưa được khai phá hết, đồng thời giúp các thương hiệu thời trang “chiều lòng” những đại gia chịu chi nhất thế giới.

Thế giới đang trở thành “TTTM” của người Trung Quốc?

Với sức mua khủng khiếp, những "thượng đế" đến từ Trung Quốc luôn được chào đón tại bất kỳ nơi đâu trên thế giới. Quá trình xin visa vào các nước đối với người dân Trung Quốc đã trở nên dễ dàng hơn, một số quốc gia còn chào đón họ ghé chân (để mua sắm) mà không cần visa. Tuy nhiên, vì sao người Trung Quốc ngày càng đổ xô đi mua sắm ở nước ngoài?

Có rất nhiều lý do dẫn đến việc này, cụ thể: thứ nhất, giá cả các mặt hàng tại Trung Quốc bị đội lên bởi thuế nhập khẩu và các loại thuế khác; thứ hai, nhu cầu đi du lịch nước ngoài của người Trung Quốc đang phát triển rất mạnh; thứ ba, sự phát triển bùng nổ của bán hàng trực tuyến và đặc biệt là dịch vụ “daigou” (mua hàng xách tay); và thứ tư, do hàng loạt những thay đổi về chính trị.

Trước kia, những tín đồ mua sắm của Trung Quốc thường ghé tới Hong Kong, nhưng giờ đây họ đã có rất nhiều lựa chọn mới hấp dẫn hơn trong khu vực Châu Á.

Nhật Bản là điểm đến vô cùng thú vị với đồng yên đang giảm giá; Hàn Quốc là một lựa chọn không tồi với sức hấp dẫn từ những sản phẩm chăm sóc da, làm đẹp và nhiều điểm bán hàng miễn thuế ở các khu TTTM sầm uất; còn Singapore cũng đang lấy lại phong độ và sức hấp dẫn đối với người dân Trung Quốc. Du khách Trung Quốc tới Hong Kong đã sụt giảm rất nhiều so với 5 năm trước.

Mặc dù Anh quốc không thuộc khối Schengen và đồng bảng vẫn là đồng tiền đắt giá nhất thế giới, nhưng những yếu tố ấy cũng không khiến dân du lịch Trung Quốc cảm thấy ngần ngại. Họ vẫn luôn có tên trong nhóm đối tượng mua hàng miễn thuế nhiều nhất tại Anh, chiếm khoảng 25% lượng hàng miễn thuế bán ra.

Sự đóng góp nhiệt tình này đã tạo điều kiện cho việc giảm bớt những thủ tục rườm rà trong quá trình xin visa đối với khách du lịch và người đi công tác từ Trung Quốc đại lục.

Tại Ý, khách du lịch Trung Quốc chỉ chiếm khoảng 2% lượng khách nước ngoài, thua xa lượng khách từ các quốc gia như Đức (18%), Pháp (10%), và Mỹ (10%). Tuy nhiên, tính trung bình theo đầu người, mỗi khách du lịch Trung Quốc bỏ ra tới khoảng 3.200USD để mua sắm.

Bên cạnh những địa danh nổi tiếng, công trình kiến trúc hàng nghìn năm tuổi và nền văn hóa lâu đời, Ý còn hấp dẫn khách du lịch Trung Quốc bởi nhiều điểm bán hàng giảm giá (factory outlet) với mức giá cực kỳ hời và chính sách hoàn thuế hấp dẫn.

Bên cạnh Anh và Ý, Mỹ cũng đang là một điểm đến mới rất hấp dẫn đối với du khách Trung Quốc. Dự đoán trong 4 năm tới, lượng du khách Trung Quốc tới Mỹ sẽ tăng 18% qua mỗi năm. Mỹ đồng thời cũng là nơi có nhiều người nhập cư đến từ Trung Quốc và những trường đại học ở Mỹ luôn có sức hấp dẫn đối với sinh viên Trung Quốc.

Với đồng đô la mạnh, thị trường Mỹ đang trở nên đắt đỏ hơn thị trường Châu Âu: một chiếc áo trench-coat của Burberry ở New York có giá đắt hơn 5% so với ở Paris; túi xách Speedy cỡ 30 ở New York đắt hơn 32% so với ở Paris...

Ngoài ra, sự phát triển rất mạnh mẽ của thương mại điện tử tại Trung Quốc, đặc biệt là với việc mua bán hàng xa xỉ khiến cho giá cả sản phẩm được công bố minh bạch tại các khu vực. Một yếu tố quan trọng khác không thể không nhắc đến đó là việc thuế nhập khẩu và các chi phí khác đối với hàng cao cấp tại Trung Quốc là rất cao.

Năm ngoái đã có một thỏa thuận về chính sách thuế giữa Thụy Sĩ và Trung Quốc được ký kết (điều này sẽ có lợi cho các sản phẩm của tập đoàn Richemont và Swatch).

Tuy nhiên, việc gỡ bỏ thuế giữa EU và Trung Quốc dường như vẫn là một chuyện xa vời bởi nó còn liên quan tới rất nhiều yếu tố khác.) Vì vậy, hình ảnh các "thượng đế" Trung Quốc bước ra từ những cửa hiệu thời trang cao cấp với hàng tá túi lớn, túi nhỏ vẫn sẽ là “chuyện thường ngày ở huyện”.

Thư Anh

Cùng chuyên mục
XEM