Công nghiệp ô tô các nước (K2): Hàn Quốc

04/06/2015 21:11 PM |

Cùng với ngành đóng tàu, công nghiệp ô tô Hàn Quốc là nhân tố quan trọng sản sinh ra một “con rồng châu Á” với GDP năm 2013 đạt 1.622 tỷ USD. Nền công nghiệp ô tô Hàn Quốc hiện đứng thứ 5 thế giới cả về sản xuất và xuất khẩu, với khoảng 5 triệu xe mỗi năm.

Chuỗi cung ứng hoàn hảo

Hàn Quốc có vị trí rất thuận lợi cho ngành công nghiệp ô tô, vì nằm giữa Nhật Bản của công nghệ cao, giá thành cao và Trung Quốc đang phát triển, chi phí thấp. Vì vậy, một trong những ưu điểm lớn của ngành công nghiệp ô tô xứ kim chi là có sự cân bằng giữa chi phí và chất lượng. Song vị trí địa lý thuận lợi không thể mang đến thành công nếu Hàn Quốc không có chuỗi cung ứng hoàn hảo.

Tại Hàn Quốc, các nhà sản xuất ô tô gắn kết rất chặt chẽ với các nhà cung cấp thông qua những hợp đồng dài hạn. Qua đó, nhà cung cấp linh kiện sẽ tham gia toàn bộ quá trình phát triển một chiếc xe ô tô, chia sẻ những thông tin quan trọng như mục tiêu chi phí, lợi nhuận dự kiến... Các doanh nghiệp ô tô Hàn Quốc có được sự hợp tác, hỗ trợ từ các nhà cung cấp trên cơ sở lợi ích chung, nhờ đó giảm thời gian và chi phí cho hoạt động thiết kế, nghiên cứu kỹ thuật...

Nhờ mối liên kết chặt chẽ này, các nhà sản xuất ô tô Hàn Quốc như Hyundai và Kia đã mạnh dạn đầu tư ra nước ngoài, kéo theo các đối tác sản xuất linh kiện, phụ tùng. Nhờ đó, họ cắt giảm được những chi phí không cần thiết, rút ngắn thời gian sản xuất đáng kể và tăng cường quá trình trao đổi thông tin giữa các bên, giúp các nhà sản xuất Hàn Quốc có thể giảm thời gian cho ra đời một mẫu xe mới xuống còn 3 năm, so với 5­6 năm tại các quốc gia phương Tây.

Nói cách khác, sự liên kết chặt chẽ với các nhà cung ứng đã giúp các hãng ô tô Hàn Quốc tiết kiệm được hàng triệu USD và giảm đáng kể những rủi ro trong quá trình nghiên cứu, phát triển, sản xuất. Năm 2012, hơn 50% sản lượng của Hyundai được sản xuất bên ngoài Hàn Quốc.

Chiến lược thu hút công nghệ

Để các nhà sản xuất trong nước nhanh chóng nắm bắt được công nghệ của nước ngoài, khi ngành sản xuất ô tô bắt đầu hình thành tại Hàn Quốc, chính phủ nước này không cho phép các nhà sản xuất nước ngoài được tham gia thị trường nếu không liên doanh với các nhà sản xuất trong nước.

Nhờ đó, các doanh nghiệp trong nước đã từng bước nắm được công nghệ cao từ các đối tác nước ngoài có nền công nghiệp ô tô hàng đầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản và các nước châu Âu. Kia Industry là liên doanh giữa Kyeongseong Precision Industry với Mazda năm 1964; Hyundai liên doanh với Ford năm 1968... Ban đầu, các doanh nghiệp ô tô Hàn Quốc chủ yếu lắp ráp.

Mãi đến năm 1975 mới có chiếc ô tô “made in South Korea” từ A-Z đầu tiên ra đời, chiếc Hyundai Pony. Chiếc xe này được thiết kế bởi ItalDesign của Italia và dựa trên công nghệ của Mitsubishi Nhật Bản. Mẫu xe này sau đó được xuất khẩu sang Anh, Ecuador, đánh dấu một trang mới của ngành công nghiệp ô tô xứ kim chi.

Bênh cạnh chiến lược thu hút công nghệ nước ngoài, Seoul cũng rất chú trọng đến hoạt động nghiên cứu phát triển (R&D) để đảm bảo sự phát triển bền vững. Năm 2011, tổng ngân sách dành cho R&D của Hàn Quốc đứng thứ 6 thế giới, với khoảng 45 tỷ EUR, tăng 18,67% so với cùng kỳ năm trước. Trong cùng năm, Hàn Quốc đứng thứ 3 thế giới về chi tiêu cho "Chương trình Nghiên cứu Phát triển tiên phong thế kỷ 21".

Theo đó, chi tiêu cho R&D của Hàn Quốc trên GDP chiếm 4,03%, so với 3% GDP của EU. Chương trình này là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển công nghệ của Hàn Quốc, nằm trong khuôn khổ kế hoạch quốc gia với tên gọi "Tầm nhìn dài hạn cho phát triển khoa học và công nghệ hướng tới 2025".

Chương trình nhắm tới 23 dự án, trong thời gian 10 năm, phát triển các công nghệ cốt lõi mang tiềm năng thương mại. Mỗi dự án được tài trợ ít nhất 1 triệu USD. Chính phủ Hàn Quốc đã chọn 6 lĩnh vực công nghệ cốt lõi cho phát triển tương lai và sẽ đầu tư khoảng 3,1 tỷ USD cho mỗi lĩnh vực trong 5 năm tới, gồm công nghệ thông tin, sinh học, nano, môi trường, vũ trụ và văn hóa.

Câu chuyện của Hyundai

Năm 1975, Hyundai là hãng đầu tiên sản xuất được một chiếc ô tô Hàn Quốc đúng nghĩa. Tuy nhiên, đến năm 1979 một cuộc khủng hoảng năng lượng nổ ra, làm giảm đáng kể nhu cầu tiêu thụ ô tô, khiến các hãng sản xuất ô tô lâm vào tình thế khó khăn.

Trước tình hình đó, năm 1982 chính quyền Seoul đã triển khai “Chính sách hợp lý hóa công nghiệp ô tô”, với mục đích ngăn chặn tình cảnh “gà nhà đá nhau” giữa 4 nhà sản xuất lớn trong nước là Hyundai Motors, Kia Industry, General Motors Korea, và Asia Motors. Đồng thời, chính phủ cũng lùi lại thời gian cho tự do nhập khẩu ô tô.

Sau khi cuộc khủng hoảng qua đi, Hyundai tiếp tục đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu. Tiếp nối thành công của dòng Pony, Hyundai xuất khẩu dòng xe Excel sang thị trường Hoa Kỳ vào năm 1986. Dòng xe nhanh chóng được đón nhận và lập kỷ lục về doanh số ngay trong năm đầu tiên xuất khẩu, với 126.000 xe được bán ra. Tạp chí Fortune đề cử Excel vào danh sách giải thưởng “10 sản phẩm tốt nhất”, chủ yếu vì giá rẻ.

Tuy nhiên, dòng xe này thường gặp trục trặc do chất lượng thấp, hay chết máy, có lẽ do nỗ lực kéo giảm giá thành. Điều này khiến Hyundai bị mang tiếng xấu ở Hoa Kỳ, doanh số bắt đầu giảm và các đại lý cũng dần từ bỏ nhượng quyền thương mại.

Thay vì từ bỏ thị trường Hoa Kỳ, Hyundai đã phản ứng một cách rất tích cực khi đầu tư mạnh vào chất lượng, thiết kế, sản xuất và nghiên cứu dài hạn cho các dòng xe của mình, và thêm điều khoản bảo hành 10 năm hay 100.000 dặm đường cho các dòng xe bán ra ở Hoa Kỳ. Những nỗ lực này đã giúp Hyundai lấy lại niềm tin của khách hàng.

Năm 1990, lượng xe xuất khẩu sang Hoa Kỳ của Hyundai đã vượt con số 1 triệu chiếc. Năm 1992, dòng xe ScoupeTurbo của hãng đã chiến thắng trong giải đua xe Pikes Peak Hill Climb Rally. Năm 1993, dòng xe Elantra được bình chọn là “Xe tốt nhất năm” ở Australia. Năm 1995, dòng Accent của Hyundai được bình chọn giải thưởng Best Buy Award của Canada, và dòng Avante cũng chiến thắng trong giải đua Asia-Pacific Rally năm đó.

Năm 1998, Hyundai đã mua lại Kia để thành lập Tập đoàn Ô tô Hyundai Kia. Đến năm 2004, cùng với Honda, Hyundai được xếp thứ nhì về chất lượng thương hiệu, chỉ sau Toyota, trong một cuộc khảo sát của J.D. Power và Associates. Hiện nay Hyundai là nhà sản xuất ô tô lớn thứ 4 thế giới, với năng lực sản xuất mỗi năm 1,6 triệu xe, đội ngũ nhân viên 75.000 người, xuất khẩu ra 193 nước qua 6.000 đại lý và showroom.

(Còn tiếp)

Theo Vĩnh Cẩm

Cùng chuyên mục
XEM