Chuyện của những người tha phương ở mảnh đất xa lạ (P.2)

21/09/2015 14:30 PM |

Châu Âu hiện tại đủ khả năng chào đón họ; ở nhiều nơi, đó là một làn sóng tiếp nhận. Thách thức là làm sao để biến sự ấm áp và tử tế đó trở thành một chương trình làm cho những người mới đến cảm thấy an toàn, làm việc năng suất và được chấp nhận.

Một giải pháp nhỏ hơn một phần trăm

Điều này không có nghĩa là không có di dân kinh tế nào đang cố vào EU. Hầu hết các đơn xin tị nạn từ Serbia, Albania và Kosovo bị từ chối. Nhiều người dân vùng Sahara châu Phi sau khi băng qua Địa Trung Hải để đến Italy và Malta không hề cho thấy rằng họ đang bị truy đuổi, họ chỉ hy vọng chuyến đi của họ không bị ghi lại bởi chính quyền. Là một châu lục thịnh vượng bên cạnh những quốc gia nghèo đói, châu Âu có thể sẽ đón nhận những cuộc di cư như vậy trong nhiều năm và thập kỷ tới. Nhưng điều đó không có nghĩa là họ có thể bỏ qua dòng người tị nạn ngày càng lớn đang yêu cầu được bảo vệ theo công ước.

Khi mà nỗi sợ rằng chỉ một nhóm nhỏ người di cư hội đủ điều kiện trở thành người tị nạn được chứng minh là vô căn cứ, nó có thể theo sau bởi nỗi sợ rằng quá nhiều người trong số họ cũng sẽ thành công, đặc biệt là khi nước Đức đang trải thảm chào đón.

Có khoảng 4 triệu người tị nạn Syria bên ngoài đất nước này. Ngay cả khi tất cả họ đều đến EU, sẽ chỉ có một sự thay đổi nhỏ về nhân khẩu học trong vùng đất với hơn 500 triệu người này, khi họ được phân bổ đều. Theo quy tắc Dublin, Hy Lạp và Ý đã đáp ứng một phần số người tị nạn mà họ cho là bị bất công sâu sắc, tuy nhiên Đức đã đặt quy tắc đó qua một bên, miễn đó là người Syria; trong khi đó, phần còn lại của EU đang thiết kế một hệ thống hạn ngạch giúp sự phân bổ trở nên đều hơn. Tuy nhiên, trên một lục địa nơi mà, trong một thập kỷ rưỡi, các chính trị gia đã thất bại trong việc giúp cho cộng đồng Hồi giáo hòa nhập và cũng là nơi mà thất bại đó thúc đẩy sự phát triển của Mặt trận Quốc gia của Marine Le Pen ở Pháp và Đảng vì Tự do của ông Wilders –tương lai của những cộng đồng như vậy làm nhiều người lo lắng.

Làm thế nào để châu Âu có thể tiếp nhận nhiều người Hồi giáo hơn phụ thuộc phần lớn vào quy trình tiếp nhận. Để xoa dịu những lo âu về chi phí và tội phạm, các chính phủ thường hạn chế giấy phép lao động của những người xin tỵ nạn và đưa họ vào các trung tâm cô lập. Đây là phương án đắt tiền nhất và cũng ít hiệu quả nhất.

Đưa người tị nạn vào các trung tâm được chính phủ điều hành không chỉ làm họ cô lập, nó còn tốn kém hơn so với việc cho họ sống chung với cộng đồng-khoảng 100 Euro một ngày một người, theo một nghiên cứu của Anh. Nếu cho những người tị nạn làm việc, trong khu vực thất nghiệp kinh niên, họ có thể tìm được việc làm, giảm bớt các chi phí cứu trợ của chính phủ, và giúp họ học tiếng bản địa nhanh hơn. Tuy nhiên, cho phép họ làm việc cũng mang lại nhiều cái mất. Những nghiên cứu của Đức về ảnh hưởng của người nhập cư lên thị trường lao động cho thấy trong khi nó làm tăng thu nhập của người lao động có kỹ năng tốt, nó tác động xấu lên những người có mức lương thấp.

Thành công cũng phụ thuộc vào những người được cho phép tị nạn. Các quốc gia Châu Âu đã có kinh nghiệm đối phó với dòng chảy người tị nạn to lớn kể từ khi những người Tin Lành bị trục xuất bởi cuộc chiến “Ba mươi năm”, ngay khi các quốc gia châu Âu mới thành lập. Tuy nhiên các quốc gia của người nhập cư như Mỹ và Úc thường làm tốt hơn, và bất kỳ giải pháp nào cho cuộc khủng hoảng Syria nên học tập từ đó.

Tuy nhiên mỗi làn sóng di dân đều đi kèm với nỗi sợ hãi. Năm 1709 cuộc chiến tranh giành ngai vàng ở Tây Ban Nha đã làm hàng ngàn người tị nạn từ Saxony vượt qua sông Rhine và Biển Bắc để tới London. Tin tưởng rằng họ sẽ được tự do để sang Mỹ, những người "Palatines nghèo đói" thay vào đó dừng chân trong các trại tị nạn. Daniel Defoe và người Đảng Tự do lập luận rằng họ là những người tị nạn Tin Lành do sự đàn áp của Công Giáo La Mã và cần được định cư ở Anh-một lập luận đã nhận phải phản đối khi mà nhìn kỹ hơn, một nửa số người Palatines hóa ra là người Công giáo. Phe bảo thủ trong khi đó cho rằng họ là di dân kinh tế, những lao động tay nghề thấp này chẳng mấy chốc sẽ trở thành một gánh nặng vô tận lên ngai vàng. Cuối cùng, các nhà đầu tư đã đưa họ lên thuyền sang Mỹ, nơi mà họ thành lập Germantown, New York.

Liên tục kết nối

Bản thân nước Mỹ, mặc dù liên tục chào đón, cũng từng có lúc nghi ngờ. Hàng triệu người từ Nam và Đông Âu đến vào cuối thế kỷ 19 đã gây lo ngại rằng "chủng tộc nói tiếng Anh" sẽ bị pha tạp. Những nỗi sợ này, cũng như chủ nghĩa khủng bố Hồi giáo ngày nay, không phải là vô căn cứ. Trong thế kỷ 19 một số người nhập cư Đông Âu ở các nước phương Tây đã tham gia các tổ chức khủng bố vô chính phủ; trong thế kỷ 20 một số đã làm gián điệp cho Liên Xô. Tuy nhiên đây không phải là vấn đề lớn.

Một mặt, những người tị nạn và di cư ngày nay thực sự khác so với thời kỳ trước. Nhiều người có nền giáo dục tốt hơn, nguồn lực vật chất cao hơn và mạng lưới gia đình hay bạn bè sẵn có ở châu Âu mà họ luôn giữ liên lạc qua điện thoại và Facebook. Một số đang lập kế hoạch ra đi, số khác có chiến lược rõ ràng. Ví dụ như, họ có môi giới.

Ngày 06 Tháng Chín, tại ga xe lửa ở ngôi làng nhỏ Nickelsdorf của Áo, Waleed al-Ubaid đứng chờ để bắt chuyến tàu hướng tới thành phố Kiel của Đức. Ông đã nghiên cứu nó trên điện thoại của mình: "rất nhiều người Syria đang đi đến Munich và Berlin. Tốt hơn là tôi đi đến nơi nào không quá đông đúc." Gần đó, Hussein Serif lên kế hoạch tìm một công việc tại Đức, sau đó nộp đơn cho một học bổng tại trường kinh doanh INSEAD của Pháp, (trước đó ông đã có bằng về marketing, tuy nhiên trước nguy cơ bị đi lính, ông rời Damascus).

Hàng triệu đồng bào của ông Serif vẫn chờ đợi ở Thổ Nhĩ Kỳ, Lebanon và Jordan, đang dần dần tuyệt vọng về tương lai của họ ở đó. Họ ý thức được quyền của họ theo Công ước; họ biết về những thành công và thất bại của bạn bè và gia đình thông qua các phương tiện truyền thông xã hội. Nhiều người trong số họ có lẽ sẽ sớm đến phương Tây. Châu Âu hiện tại đủ khả năng chào đón họ; ở nhiều nơi, đó là một làn sóng tiếp nhận. Thách thức là làm sao để biến sự ấm áp và tử tế đó trở thành một chương trình làm cho những người mới đến cảm thấy an toàn, làm việc năng suất và được chấp nhận.

Lam Điền

Cùng chuyên mục
XEM