Tại sao Nhật Bản, Hàn Quốc khắt khe với người tị nạn nhất thế giới?

11/09/2015 12:28 PM |

Đối với hai nền kinh tế giàu có nhất châu Á này, sự ổn định và tăng trưởng kinh tế nội địa quan trọng hơn tất cả.

Cuối tháng 9/2014, chính phủ Úc đã ký thỏa thuận trị giá 35 triệu USD với chính phủ Campuchia, theo đó, những ai nộp đơn xin tị nạn vào Úc sau đó sẽ định cư tại Campuchia.

Với động thái này, chính phủ Úc muốn giảm bớt số lượng hồ sơ xin tị nạn. Thế nhưng chỉ với chính sách trên thôi, chính phủ Úc đã phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích từ nhiều nước khác trên thế giới về sự lạnh lùng với những chiếc thuyền chở đầy người tị nạn chính trị đang lênh đênh trên biển.

Những ai lớn tiếng chỉ trích chính phủ Úc sẽ còn phải choáng váng hơn khi nhìn vào chính sách đối với người tị nạn của Nhật Bản và Hàn Quốc. Năm 2013, Úc là nước tiếp nhận người tị nạn lớn thứ 8 trên thế giới với 24.300 hồ sơ. Trong cùng khoảng thời gian trên, Nhật chỉ nhận 3.300 hồ sơ, còn con số này với Hàn Quốc là 1.600.

Dù Nhật Bản và Hàn Quốc khẳng định số hồ sơ tị nạn mà họ tiếp nhận trong năm đó cao nhất trong lịch sử, nhưng so ra nó còn quá khiêm tốn với các nước công nghiệp phát triển khác như Đức. Đức đã nhận 109.600 hồ sơ tị nạn trong năm 2013. Năm 2015, chỉ riêng tháng 8, số đơn xin tị nạn đã hơn 100 nghìn.

Tỷ lệ chấp nhận hồ sơ tị nạn ở Nhật: 0,1%

Liên hợp quốc đã đưa ra công ước về người tị nạn năm 1951. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà các cường quốc Đông Á luôn diễn giải nó theo cách hạn chế nhất có thể, vì vậy cánh cửa để vào các quốc gia này của người tị nạn dường như bị khép chặt. Họ thường đưa ra tiêu chuẩn nộp hồ sơ tị nạn rất khắt khe để đảm bảo rằng người đó thực sự ở trong tình cảnh cần phải đến sự bảo trợ của chính phủ một nước khác.

Từ năm 1994 khi Hàn Quốc bắt đầu tiếp nhận hồ sơ xin tị nạn đến nay, tỷ lệ nhận hồ sơ đạt 12,4% (không tính Bắc Triều Tiên). Trong khi đó, tỷ lệ chấp nhận hồ sơ tị nạn toàn cầu hiện trung bình ở mức khoảng 30%.

Có thể coi Nhật như nước khắt khe nhất thế giới về vấn đề xét duyệt hồ sơ tị nạn. Năm 2013, với 3.777 hồ sơ xin tị nạn, Nhật chỉ chấp nhận 6 trường hợp, tương đương tỷ lệ chỉ 0,1%. Ngoài ra, thay cho việc cấp phép tị nạn, Nhật cho phép 151 người khác ở lại đất nước với lý do nhân đạo. Những người nộp hồ sơ xin tị nạn vào Nhật thường phàn nàn về việc họ phải chờ rất nhiều năm, hoàn thành nhiều giấy tờ mà không có bất kỳ hy vọng nào. Cả năm 2014, Nhật chỉ chấp nhận tị nạn cho 11 người trên tổng số 5000 đơn xin tị nạn.

Trong thông báo mới nhất công bố ngày hôm qua, Nhật sẽ còn siết chặt các quy định với người tị nạn hơn nữa. Theo đó, Nhật sẽ tiến hành trục xuất những người không được chấp nhận tị nạn, cấm nộp đơn xin tị nạn lần 2 và rà soát chặt chẽ hơn đối với tất cả các hồ sơ xin tị nạn.

Yếu tố địa lý không phải là tất cả

Nhiều người sẽ cho rằng những người tị nạn đến từ vùng chiến sự như Syria, Lybia hay Afghanistan không đến Nhật bởi khoảng cách địa lý. Thông thường họ sẽ tìm đến những nước gần họ nhất.

Tính toán của Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới cho thấy cứ 10 người tị nạn thì có 9 người chạy sang nước láng giềng. Kết quả, 86% người tị nạn của thế giới hiện đang trú chân tại các nước đang phát triển.

Chuyên gia về di trú quốc tế John Skrentny chỉ ra, khoảng cách quốc tế không phải yếu tố chủ đạo chi phối quyết định nộp hồ sơ xin tị nạn. Còn theo quan điểm của giáo sư Skrentny thuộc đại học California (Mỹ), xét về vị trí địa lý, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng như Đài Loan gần với nhiều khu vực chiến sự hơn so với Úc hay New Zealand, nhưng số lượng người nộp hồ sơ tị nạn vào 2 nước này cao hơn hẳn. Xét về khoảng cách địa lý, Anh cũng không có biên giới với các nước/vùng chiến sự nhưng số lượng đơn xin tị nạn vào Anh luôn ở mức rất cao.

Trên thực tế, các kết quả nghiên cứu cho thấy, những người nộp hồ sơ xin tị nạn vào Nhật thường đến từ những nước rất xa như Thổ Nhĩ Kỳ (658), Nepal (544) và Myanmar (380) (trường hợp năm 2013). Đối với Hàn Quốc, người nộp hồ sơ xin tị nạn chủ yếu đến từ Pakistan, Sri Lanka và Nepal.

Những công dân bị từ chối

Dựa trên phân tích trên, các chuyên gia cho rằng yếu tố lịch sử đóng vai trò quan trọng trong việc lý giải tại sao người tị nạn hay đến Úc, Anh, New Zealand thay vì Nhật bản, Hàn Quốc.

Sau Chiến tranh Thế giới thứ Hai, Liên hợp quốc đưa ra công ước về người tị nạn để giúp giảm bớt những khó khăn mà họ phải đối mặt thời kỳ hậu chiến. Tuy nhiên, nó nhận được phản ứng khá lạnh lùng từ Hàn Quốc, Nhật Bản. Họ trì hoãn việc ký kết tham gia công ước hết năm này đến năm khác. Nhật ký công ước năm 1981, còn Hàn Quốc ký công ước năm 1982.

Lý giải về điều này, giáo sư Surak chuyên giảng dạy về chính trị Nhật tại đại học University of London, cho rằng: “Những nước đó không muốn đón nhận người tị nạn bởi chính phủ các nước cho rằng sẽ rất tốn tiền để hỗ trợ cho họ, và vì thế họ sử dụng tất cả các cơ chế pháp luật để thực hiện được mục tiêu đó.” Đơn giản, Nhật Bản và Hàn Quốc muốn người tị nạn hiểu rằng: Họ bị từ chối.

Lợi ích kinh tế là trên hết

Giáo sư John D Skrentny thuộc đại học University of California cho rằng đối với nhiều chính phủ Đông Á, kể cả những nước giàu có nhất, nhân danh lợi ích quốc gia, họ luôn coi trọng tăng trưởng kinh tế và cân bằng ngân sách. Chính vì thế, tất cả những chính sách đi ngược lại tăng trưởng kinh tế đều không được chấp nhận.

Giáo sư lý giải hệ quả của cách làm chính sách trên là Hàn Quốc và Nhật cố gắng giảm thiểu số lượng người lao động nhập cư có trình độ thấp càng nhiều càng tốt. Họ không thấy nhóm công dân này mang lại lợi ích, mà thậm chí còn thấy tốn tiền khi phải hỗ trợ. Vì thế họ không muốn “mở cửa” đất nước để đón người tị nạn.

Không giống như ở châu Âu, không hề có một tổ chức nào ở châu Á có trách nhiệm hối thúc chính phủ các nước xây dựng và thực hiện đầy đủ các cam kết về chính sách nhân đạo. Bà Katharine Moon, Chủ tịch hội nghiên cứu về Hàn Quốc tại trung tâm nghiên cứu Đông Á thuộc viện Brookings, Mỹ, chỉ ra: “Chính phủ các nước châu Á, kể cả những nước có nền kinh tế công nghiệp phát triển giàu có nhất, thường có xu hướng chỉ quan tâm đến những vấn đề nội tại đất nước họ, đó là đảm bảo ổn định và cải thiện hệ thống phúc lợi xã hội phục vụ cho người bản địa. Người nước ngoài đơn giản không có vị trí nào trong suy nghĩ của họ.”

Đối với trường hợp Hàn Quốc, bà Moon cũng chỉ ra nhiều cái khó của chính phủ nước này. Bởi tình hình Bắc Triều Tiên còn rất phức tạp, số người tìm kiếm cơ hội tị nạn từ Triều Tiên rất cao, chính phủ Hàn Quốc vì vậy khó có thể mở cửa với người tị nạn nếu không chắc chắn sẽ có một cuộc khủng hoảng di cư ở vĩ tuyến 38 phân định giữa 2 nước.

Ngoài các lý do trên, còn các lý do liên quan đến luật pháp, xã hội sẽ được đề cập đến trong phần 2 của bài viết.

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM