Những rào cản khắc nghiệt đối với người xin tị nạn tại Nhật Bản, Hàn Quốc

14/09/2015 12:24 PM |

Nhật Bản, Hàn Quốc siết các quy định pháp luật đến mức hai đất nước này có thể coi như khép cửa hoàn toàn với người tị nạn.

Một ngày mùa đông lạnh giá cuối tháng 12/2014 ở văn phòng Hiệp hội người tị nạn Nhật, một người đàn ông châu Phi ngồi chờ đợi trong buồn bã để nhận được một chút quần áo, lương thực hỗ trợ. Là thành viên của một đảng chính trị đối lập ở một nước châu Phi, anh đấu tranh tích cực để ủng hộ dân chủ.

Thành viên của đảng cầm quyền đã bắt bớ, hành hạ dã man anh và gia đình anh, chú anh bị giết chết. Quá lo sợ về những gì có thể xảy đến với mình, nhờ sự giúp đỡ của một tổ chức Thiên chúa giáo anh đã chạy khỏi quê nhà và đến Nhật. Thế nhưng suốt từ năm 2012 cho đến nay, anh vẫn chưa được cấp phép tị nạn.

Hồ sơ xin tị nạn của anh đã bị từ chối 2 lần và anh đang chờ đợi kết quả của lần nộp hồ sơ thứ 3. Anh cho biết nếu lần này chính phủ Nhật tiếp tục từ chối, anh sẽ kiện lên tòa án. Anh khẳng định nếu tiếp tục thất bại, anh sẽ bị trục xuất, đó cũng chính là tình cảnh chung của rất nhiều người khác từng xin tị nạn vào Nhật.

Không ít chuyên gia cho rằng việc xét duyệt hồ sơ tị nạn của Nhật chịu ảnh hưởng khá nhiều từ định hướng chính sách ngoại giao của nước này. Bằng chứng là suốt 2 thập kỷ qua, phần lớn đơn xin tị nạn được chấp thuận dành cho người có quốc tịch Myanmar. Cùng khoảng thời gian trên, doanh nghiệp Nhật đổ xô vào Myanmar còn chính phủ Nhật cấp hàng ngàn học bổng cho quan chức chính phủ Myanmar sang Nhật học.

Các chuyên gia phân tích chỉ ra rằng dù Nhật Bản và Hàn Quốc chưa bao giờ chính thức công bố chính sách hạn chế người tị nạn, bởi chắc chắn nếu làm vậy họ sẽ phải hứng chịu rất nhiều chỉ trích từ chính phủ các nước cũng như tổ chức quốc tế. Tuy nhiên họ siết các quy định pháp luật đến mức độ đất nước có thể coi như khép cửa hoàn toàn với người tị nạn.

Quy định pháp luật ngặt nghèo

Cục Nhập cư trực thuộc Bộ Tư pháp Nhật Bản thường xuyên từ chối các hồ sơ xin tị nạn với lý do thiếu bằng chứng. Họ thường yêu cầu người tị nạn phải kiếm những tài liệu chứng minh cho nhu cầu tị nạn của mình, nhưng gần như người tị nạn không bao giờ có thể tìm được những giấy tờ loại đó khi họ đang không ở chính quốc.

Một giáo sư chuyên nghiên cứu về khoa học chính trị tại đại học Wellesley (Mỹ) khẳng định, cơ chế xét duyệt hồ sơ tị nạn rất phức tạp hiện tại của 2 nước trên làm chùn ý định nộp hồ sơ xin tị nạn của bất kỳ công dân nước ngoài nào. Đó là chưa kể đến người tị nạn sẽ phải chờ ít nhất 3 năm để nhận được câu trả lời cuối cùng về hồ sơ của mình. Trong khoảng thời gian đó, họ không nhận được bất kỳ hỗ trợ tài chính, phúc lợi nào và phải duy trì cuộc sống ở một đất nước đắt đỏ như Nhật, phần đông người tị nạn đã phải từ bỏ ý định.

Rất nhiều người xin tị nạn vào Nhật đã trở thành người vô gia cư, một phần bởi họ phải chi trả cho cuộc sống tốn kém suốt 3 năm chờ đợi xét duyệt hồ sơ, ngoài ra còn bởi chính phủ Nhật không cho phép làm việc trong thời gian chờ kết quả.

Theo ông Eri Ishikawa, giám đốc Hiệp hội người tị nạn Nhật (JAR), toàn bộ quá trình xét duyệt hồ sơ diễn ra bên trong Cục Nhập cư Nhật Bản. “Không hề có một cơ chế xét duyệt độc lập, chẳng có sự minh bạch hay công bằng nào trong quá trình đó cả. Họ chỉ quan tâm đến kiểm soát nhập cư chứ không đoái hoài đến bảo vệ người tị nạn.”

Bị cô lập và xa lánh

Trên thực tế, rất khó để tìm được con số cụ thể minh chứng cho tình trạng phân biệt chủng tộc và bài ngoại ở Nhật. Tuy nhiên, các chuyên gia chỉ ra cuộc sống của người nhập cư, đặc biệt là người tị nạn, rất khó khăn. Họ gặp phải nhiều rào cản khi muốn hòa nhập vào xã hội Nhật.

Trong quá trình chờ xét duyệt hồ sơ xin tị nạn, người nộp hồ sơ không được phép làm việc. Họ sẽ phải cầu xin sự giúp đỡ từ các tổ chức của chính phủ hoặc các tổ chức phi chính phủ. Tuy vậy, sự hỗ trợ của các nguồn trên cũng chỉ được đưa ra trong khoảng thời gian nhất định, sau đó họ sẽ phải đi làm bất hợp pháp. Điều này sẽ khiến người bản xứ ghét họ hơn nữa.

Người tị nạn cũng không được phép tiếp cận tất cả các dịch vụ y tế, giáo dục ở Nhật. Họ dễ trở thành nạn nhân của nạn bạo hành tình dục cũng như vấn nạn buôn người vốn rất tồi tệ ở Nhật. Nói một cách khác, Nhật thiếu những chính sách để bảo vệ người tị nạn.

Tại Hàn Quốc, kết quả các cuộc khảo sát cho thấy tình trạng phân biệt đối xử và bài ngoại khiến người tị nạn chịu rất nhiều tổn thương về tâm lý. Không có khung pháp lý, chính sách nào bảo vệ cho họ.

Những cơ chế cứng nhắc, chậm thay đổi

Tuy nhiên, áp lực từ phía quốc tế cũng đã mang lại một số thay đổi tại Hàn Quốc và Nhật Bản. Năm 2013, chính phủ Hàn Quốc quyết định thành lập cơ quan giải quyết các vấn đề cho người tị nạn trực thuộc Bộ Tư pháp Hàn Quốc, đồng thời đưa vào áp dụng Luật Tị nạn mới.

Luật mới quy định người tị nạn sẽ được phép nộp hồ sơ xin tị nạn ngay tại nơi họ đến, ví như sân bay hay bến tàu. Trước đó, người tị nạn phải vào đất nước bằng giấy nhập cảnh tạm thời, sau đó mới được cho phép nộp hồ sơ xin cấp phép ở lại. Nếu thời gian xét duyệt hồ sơ kéo dài quá 6 tháng, người tị nạn sẽ được phép làm việc. Người tị nạn cũng sẽ được cung cấp các khóa học đào tạo nghề và hướng dẫn hòa nhập xã hội.

Những thay đổi được nêu ra như vậy, tuy nhiên trên thực tế, nhiều chuyên gia cho rằng cơ chế của Hàn Quốc đối với người tị nạn vẫn rất cứng nhắc, không có nhiều thay đổi so với trước đây.

Trong khi đó, dù áp lực quốc tế cao cũng chẳng thể nào thay đổi được quan điểm của Nhật Bản đối với người tị nạn. Thông tin từ một số báo như Japan Today hay Japan Times cho thấy khi số lượng đơn xin tị nạn quá đông, nội bộ chính phủ Nhật đã có một số cuộc họp và đề xuất thay đổi chính sách với người tị nạn. Dù vậy, chẳng có thay đổi chính sách nào được đưa ra.

Nỗ lực để giúp người tị nạn tại Nhật những năm gần đây chủ yếu đến từ một số doanh nghiệp. Có thể kể đến việc Uniqlo đã tổ chức các chương trình hỗ trợ cho người tị nạn, mang đến cho họ một số việc làm ngắn hạn.

(Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả)

Xem phần trước:

Ngọc Thúy

Cùng chuyên mục
XEM