Chủ tịch Sơn Hà: Chúng tôi muốn Việt Nam không chỉ nổi tiếng thế giới vì chiến tranh

20/04/2015 16:01 PM |

“Cách đây một thời gian, tôi có than vãn một chút: Không biết làm thế nào để Chính phủ, những người điều hành đất nước hiểu là chúng tôi mong muốn Việt Nam không chỉ nổi tiếng trên thế giới vì việc đánh nhau, mà còn giỏi lĩnh vực khác nữa”.

Nội dung nổi bật:

- Bên cạnh TPP, AEC, Việt Nam còn ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA) với 55 nước... “Chúng ta nghe rất nhiều về việc Việt Nam háo hức hội nhập. Chúng ta chuẩn bị cho hội nhập thế nào? Đâu đó, chúng ta khá chủ quan và vô tư trước hội nhập này"

- Khi tham gia hội nhập, môi trường kinh doanh sẽ trở nên bình đẳng hơn, cạnh tranh hơn, lạnh lùng hơn nhưng hiệu quả hơn rất nhiều. Giờ không phải giai đoạn của kinh doanh quan hệ, xin cho, không phải giai đoạn của sự mủi lòng, chia sẻ, mà dựa trên sự hiệu quả của hoạt động kinh doanh của mình.

- "Việt Nam sẽ không nằm trong nhóm CLMV (Top 4 nước cuối bảng ASEAN) nữa, mà sẽ nằm trong nhóm SMTV (Top 4 nước ASEAN mạnh nhất, gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam – PV). Chính phủ quyết vào bán kết, quyết chơi đẳng cấp cao nhất của ASEAN”.


Việt Nam rất háo hức nhưng vô tư trước hội nhập

Bên cạnh Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC), Việt Nam còn ký kết hàng loạt hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – Liên minh Châu Âu (FTA VN-EU) dự định ký kết trong 2 tháng tới. FTA Việt Nam – Hàn Quốc đã kết thúc về mặt kỹ thuật, chỉ chờ ngày ký kết.

Nếu cộng thêm một loạt hiệp định nữa như FTA Việt Nam – EFTA, FTA Việt Nam – Liên minh thuế quan Nga – Kazachstan-Belarus (VCUFTA)..., Việt Nam sẽ có thương mại tự do với 55 nước.

“Chúng ta nghe rất nhiều về việc Việt Nam háo hức hội nhập. Chúng ta chuẩn bị cho hội nhập thế nào? Đâu đó, chúng ta khá chủ quan và vô tư trước hội nhập này, thấy cơ hội nhiều mà chưa thấy rằng điều gì có thể làm chúng ta thua trên sân nhà” - bà Vũ My Lan – Chủ tịch Công ty TNHH Giáo dục và Đào tạo VinAcademy (thuộc Tập đoàn Vingroup) cho biết tại Diễn Đàn Doanh Nhân – Leader Talk 2015 diễn ra cuối tuần trước.

Nhắc đến hội nhập, ông Lê Vĩnh Sơn – Chủ tịch HĐQT CTCP Quốc tế Sơn Hà, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội – băn khoăn: “Cuối năm nay, Cộng đồng Kinh tế ASEAN sẽ được thành lập. Nhưng, chúng ta vẫn đang ở trong nhóm 4 nước cuối bảng (nhóm CLMV, gồm: Campuchia, Lào, Myanmar và Việt Nam – PV). Để cải thiện được điều này, không có đối tượng nào khác hơn chính là cộng đồng doanh nhân, giới doanh nhân”.

“Cách đây một thời gian, tôi có than vãn một chút: Không biết làm thế nào để Chính phủ, những người điều hành đất nước hiểu là chúng tôi mong muốn Việt Nam không chỉ nổi tiếng trên thế giới vì việc đánh nhau, mà còn giỏi lĩnh vực khác nữa. Nếu làm được trên lĩnh vực kinh tế, chúng ta sẽ đưa Việt Nam trở thành 1 nước ấn tượng trên thế giới, trở thành Top nọ, Top kia trên bảng xếp hạng toàn cầu”...

Giờ không phải thời kỳ kinh doanh bằng quan hệ hay sự mủi lòng

Tại diễn đàn, TS. Vũ Tiến Lộc – Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cũng chia sẻ kết quả khảo sát mới đây của VCCI: Gần 50% doanh nghiệp trong nước và hơn 50% doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) có nhu cầu mở rộng kinh doanh hơn trong năm tới.

“Tỷ lệ này cao hơn rất nhiều so với các năm trước đây. Niềm tin vào môi trường kinh doanh của doanh nghiệp đang trở lại” – TS. Lộc nhận định.

Theo ông Lộc, niềm tin này có 3 căn cứ:

Một là, kinh tế vĩ mô đang trở nên ổn định hơn. Quý I/2015, lần đầu tiên trong 5 năm, tăng trưởng kinh tế đạt 6,03%. “Đấy là mức độ tăng trưởng cao nhất, mà đóng góp chủ yếu, tôi cho là từ nền kinh tế tư nhân” – ông Lộc cho biết.

Hai là, Việt Nam đang đứng trước những hiệp định thương mại lớn nhất chưa từng có với kinh tế Việt Nam và doanh nghiệp Việt Nam. Các hiệp định thương mại không chỉ tác động đến thị trường, tạo ra cơ hội xuất khẩu và đầu tư, mà quan trọng hơn, là tạo động lực để phát triển thể chế.

“Việt Nam là một trong 3 nước ASEAN chấp nhận cuộc chơi TPP, còn các nước khác chưa chấp nhận. Chính phủ Việt Nam rất dũng cảm, chấp nhận tham gia giải ngoại hạng của nền kinh tế thế giới chứ không chấp nhận giải thông thường” – ông Lộc hài hước.

“Khi tham gia hội nhập, môi trường kinh doanh sẽ trở nên bình đẳng hơn, cạnh tranh hơn, lạnh lùng hơn nhưng hiệu quả hơn rất nhiều. Giờ không phải giai đoạn của kinh doanh quan hệ, xin cho, không phải giai đoạn của sự mủi lòng, chia sẻ, mà dựa trên sự hiệu quả của hoạt động kinh doanh của mình. Họ (các nước hội nhập – PV) lạnh lùng hơn mình, nhưng biết chơi với họ, chắc chắn ta sẽ kinh doanh hiệu quả hơn”.

Ba là, cuộc cải cách thể chế đã bắt đầu năm 2014 và diễn ra mạnh mẽ hơn trong năm 2015. Ông Lộc cho biết: Nghị quyết 19 năm 2014 được coi như sự khởi đầu một làn sóng cải cách thứ 2 của nền kinh tế Việt Nam (làn sóng cải cách thứ nhất là năm 2000 với việc gỡ bỏ rào cản, trả lại quyền tự do kinh doanh cho doanh nghiệp).

“Trong bảng xếp hạng cạnh tranh ASEAN, chúng ta đang nằm trong nhóm 4 nước cuối – CLMV. Với quyết tâm của Chính phủ, chúng ta quyết vào vòng bán kết: Phải vào 4 đội mạnh nhất ASEAN. Như vậy, chúng ta sẽ đứng xấp xỉ như Singapore, Thái Lan, Indonesia..., hoặc thậm chí vượt hơn cả Thái Lan. Mục tiêu đặt ra là trung bình ASEAN 4, tức không phải nằm cuối nhóm này” – ông Lộc chia sẻ.

“Lúc đó, Việt Nam không phải trong nhóm CLMV nữa, mà sẽ nằm trong nhóm SMTV (Top 4 nước ASEAN mạnh nhất, gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Việt Nam – PV), đấy là bước tiến của Chính phủ Việt Nam. Chính phủ quyết vào bán kết, quyết chơi đẳng cấp cao nhất của ASEAN”.

>> Bộ trưởng Bộ Công thương: Mở cửa với ASEAN, hàng Việt vẫn thống lĩnh thị trường

Thanh Thủy - Thái Nam

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM