Trong khi Việt Nam thờ ơ, DN Thái đang gấp rút chuẩn bị cho hội nhập thế nào?

25/02/2015 12:14 PM | Kinh doanh

Các DN Thái Lan đang có những bước chuẩn bị kỹ càng, tạo nên thế trận cạnh tranh rất khốc liệt khi những tên tuổi lớn, quy mô quốc tế cũng tham gia

Nội dung nổi bật:

- Các DN Thái Lan đưa ra chiến lược độc đáo để chuẩn bị cho hội nhập ở Đông Nam Á: Xây dựng các trung tâm mua sắm dọc theo các tỉnh biên giới Thái Lan, nơi tiếp giáp với các nước ASEAN.

- Khi khoảng cách địa lý được xóa bỏ, những cửa hàng sát biên giới sẽ thu hút khách từ Malaysia, quốc gia có thu nhập cao trong khu vực. Ngoài ra còn có Indonesia và Việt Nam, hai quốc gia đang có sự bùng nổ trong chi tiêu.


Hướng tới một thị trường Đông Nam Á thống nhất, tự do trong tương lai gần, 2015 sẽ là thời điểm nhiều hiệp định, thỏa thuận quan trọng được ký kết như AEC, TPP,... Cùng với sự thay đổi trong chính sách vĩ mô của các quốc gia, các DN lớn của Thái Lan đang rất gấp rút để đón đầu thị trường.

Trong cuộc họp báo mới đây, CEO của Central Group, ông Tos Chirathivat cho biết kế hoạch phát triển của tập đoàn sẽ tập trung vào các quốc gia láng giềng của Thái Lan.

Theo đó, một kế hoạch đầu tư trị giá 37 tỉ baht (khoảng 1,15 tỉ USD) đã được công bố. Số tiền đầu tư này sẽ dùng để xây dựng thêm 300 siêu thị và cửa hàng tiện lợi SiamFamilyMart mới, cũng như xây dựng các trung tâm thương mại và mua sắm.

Địa điểm đặt những trung tâm mua sắm và siêu thị sẽ trải dọc theo biên giới Thái Lan với các quốc gia láng giềng, nhằm lôi kéo khách hàng không chỉ ở  Thái Lan, mà là toàn ASEAN.

Tập đoàn này hiện đang dự định xây dựng các cửa hàng tại thị trấn giáp với biên giới Campuchia và Myanmar.

Ông Tos nhận định, Với việc các quốc gia Đông Nam Á sắp hợp nhất thị trường vào cuối năm, cùng với đó là cơ sở hạ tầng, cầu đường đang được gấp rút hoàn thành, các thủ tục nhập cảnh và hải quan dự kiến sẽ được tiến hành nhanh chóng và hiệu quả hơn.

Các hàng rào thuế quan cũng sẽ được giảm xuống, điều này sẽ khiến giao thương thuận lợi hơn, đồng thời thúc đẩy nhu cầu mua sắm và du lịch tại các quốc gia trong khu vực. Khi những hàng rào về địa lý trong khu vực được xóa bỏ,những cửa hàng nằm sát đường biên giới sẽ trở thành vũ khí lợi hại của Central Group.

Năm ngoái, tập đoàn này đã xây dựng nhiều cửa hàng lớn tại Mukdahan và Udon Thani, hai thị trấn sát biên giới Lào, tại Songkhla giáp biên giới Malaysia, và tại Chiang Rai ngay sát biên giới Trung Quốc. Một vài trong số này còn năm ở khu vực biên giới, nơi chính phủ Thái Lan đang có kế hoạch xây dựng đặc khu kinh tế.

Việc xây dựng những cửa hàng sát biên giới sẽ thu hút khách từ Malaysia, quốc gia có thu nhập cao trong khu vực. Ngoài ra còn có Indonesia và Việt Nam, hai quốc gia đang có sự bùng nổ trong chi tiêu.

Tại Việt Nam, Central Group cũng đang có những hoạt động mạnh mẽ với trung tâm mua sắm Robins và mới đây nhất là thương vụ mua lại cổ phần điện máy Nguyễn Kim.

> Hậu 'đám cưới' Nguyễn Kim - Central Group: Tương lai sẽ thế nào?

Riêng tại Campuchia, Lào và Myanmar, đây mới là thị trường tiềm năng nhưng kết quả mang lại chưa đạt kỳ vọng. Việc đầu tư ào ạt vào 3 thị trường này có thể mang nhiều rủi ro.

Central Group không phải là tập đoàn duy nhất triển khai chiến lược này. Hầu hết các doanh nghiệp lớn của Thái Lan đều nhìn nhận ASEAN là thị trường nhiều tiềm năng. Vì vậy, các DN đều có những bước chuẩn bị kỹ càng, tạo nên thế trận cạnh tranh rất khốc liệt khi những tên tuổi lớn, quy mô quốc tế cũng tham gia.

The Mall Group, một tập đoàn lớn của Thái Lan hiện cũng đang xây dựng những cửa hàng mua sắm lớn tại các thị trấn dọc theo biên giới.

TCC Group, tập đoàn sở hữu Thai Beverage, doanh nghiệp đồ uống lớn nhất Thái Lan cũng đặt trung tâm MM Mega Market đầu tiên của mình tại thị trấn Nong Khai, sát biên giới Lào. Cả ThaiBev và TCC Group đếu có những khoản đầu tư tại Việt Nam, cả hai đều thuộc quyền sở hữu của tỉ phú Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi

> ThaiBev sẵn sàng chi 1 tỷ USD để mua 40% cổ phần bia Sài Gòn

Năm ngoái, một tập đoàn khác cũng của tỉ phú Charoen là Berli Jucker nổi bật với thương vụ M&A lớn nhất Việt Nam, mua lại toàn bộ Metro Việt Nam với giá hơn 800 triệu USD.

Cửa hàng đầu tiên của MM Mega Market được đặt ở thị trấn sát biên giới Lào

Chiến lược xây dựng các cửa hàng ở Thái Lan để thu hút nhu cầu của các quốc gia láng giềng được ví như một phiên bản của chiến lược “Thái Lan + 1” (Chính sách chuyển nhà máy sản xuất ở Thái Lan sang các quốc gia lân cận trong giai đoạn chính trị quốc gia này đang bất ổn).

Trong khi các DN Thái Lan gấp rút chuẩn bị cho hội nhập thì tại Việt Nam, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Hà Nội Lê Vĩnh Sơn cho biết một khảo sát của Hội phát hiện ra có đến 80% số doanh nghiệp được hỏi không biết gì về AEC, tỏ ra “rất thờ ơ, không hề quan tâm” đến hội nhập.

Một khảo sát khác của Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho thấy trên 60% doanh nghiệp Việt Nam không biết gì về AEC.

>> AEC: Một thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất

Trang Lam

Quốc Dũng

Cùng chuyên mục
XEM