Bộ trưởng Bộ Công thương: Mở cửa với ASEAN, hàng Việt vẫn thống lĩnh thị trường

02/02/2015 11:30 AM |

Nhận định của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng trái ngược hẳn với quan ngại của các chuyên gia kinh tế khi các tập đoàn của Thái Lan đã thâu tóm chuỗi 19 siêu thị Metro và phần lớn cổ phần của siêu thị Nguyễn Kim, Aeon mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart.

Nội dung nổi bật:

- “Chúng ta mở cửa ngay từ những năm 90s của thế kỷ trước cho hàng hóa của ASEAN. Đến nay đã hơn 20 năm, nhưng hàng hóa Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam vẫn thống lĩnh thị trường” - Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.

- Bộ trưởng Hoàng cũng cho rằng, lộ trình mở cửa của Việt Nam nhằm có một khoảng thời gian nhất định đủ cho doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước vươn lên cao hơn về chất lượng.

- Các chuyên gia kinh tế cảnh báo: Nếu thương vụ thâu tóm Metro thành công, 90% hàng Việt đang bán trong Metro có thể thay dần bằng hàng Thái.


“Doanh nghiệp bán lẻ hoạt động tại Việt Nam mức độ rất có hạn”

Trong chương trình Dân hỏi Bộ trưởng trả lời tối 1/2, phản hồi trước quan ngại của nhiều người về sự đổ bộ của một số nhà bán lẻ ngoại vào thị trường Việt Nam có thể kéo theo hệ quả “Siêu thị đi trước, hàng hóa theo sau”, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng cho rằng: “Một số doanh nghiệp bán buôn, bán lẻ nước ngoài vào hoạt động tại Việt Nam thì mức độ rất có hạn”.

“Số lượng hàng hóa, chủng loại hàng hóa chịu sự kiểm tra, kiểm soát rất chặt chẽ của chúng ta. Và việc mở các cơ sở này được một thể thống các cơ quan từ Trung ương đến địa phương xem xét một cách hết sức cẩn trọng.

Bộ trưởng cũng cho rằng, Việt Nam mở cửa ngay từ những năm 90s của thế kỷ trước cho hàng hóa ASEAN, đến nay đã hơn 20 năm, nhưng “hàng hóa Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam vẫn thống lĩnh thị trường”.

“Điều đó khẳng định một điều: Doanh nghiệp Việt Nam có bản lĩnh. Chúng ta có bước đi thận trọng, chúng ta có chủ trương, chính sách phù hợp, và đặc biệt chúng ta quan tâm đến bảo hộ hợp lý sản xuất trong nước, bảo hộ quyền lợi chính đáng của người sản xuất thì chúng ta không e ngại việc mở cửa thị trường với Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) vào 31/12/2015” – Bộ trưởng nói.

Sẽ mở cửa có lộ trình đủ để doanh nghiệp trong nước vươn lên

Trong các vòng đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do (FTA), Bộ trưởng Bộ Công thương cho hay, bao giờ Việt Nam cũng đặt vấn đề các nước đối tác mở cửa tối đa thị trường của họ đối với những sản phẩm có lợi thế lớn của Việt Nam như dệt may, da giày, nông sản, thủy sản và một số sản phẩm công nghiệp chế biến.

“Về phía chúng ta, chúng ta cũng sẽ xem xét mở cửa thị trường Việt Nam cho một số hàng hóa mà những nước đối tác có nhu cầu xuất khẩu sang Việt Nam” – Bộ trưởng Hoàng cho biết.

“Tuy nhiên, chúng ta mở cửa có lộ trình và đề nghị đối tác chấp nhận lộ trình đó, nhất là đối với một số hàng hóa nhạy cảm, khả năng sản xuất trong nước còn đang hạn chế, hoặc khả năng cạnh tranh chưa cao, để có một khoảng thời gian nhất định đủ cho doanh nghiệp, nhà sản xuất trong nước vươn lên cao hơn về chất lượng”.

Đối lập với suy nghĩ của Bộ trưởng, nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ sự quan ngại khi Tập đoàn Berli Jucker của Thái Lan thâu tóm chuỗi siêu thị Metro, Tập đoàn Central (cũng của Thái Lan) mở thêm trung tâm mua sắm Robins và mua lại 49% cổ phần Nguyễn Kim. Trong khi đó, Aeon mới đây đã mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart.

Thương vụ sang tay Metro của doanh nghiệp Đức, dù đang gặp trục trặc, nhưng nếu thành công, 90% hàng Việt đang bán trong Metro có thể thay dần bằng hàng Thái” – chuyên gia Phạm Chi Lan cảnh báo.

Chuyên gia kinh tế - TS. Lê Đăng Doanh cũng nhận định: Dù thị phần lớn vẫn thuộc về doanh nghiệp nội, một nguy cơ lớn là với việc hình thành AEC và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Hàn Quốc và các nước khác, hàng hóa của các nước đó vào Việt Nam với thuế nhập khẩu bằng 0%. Các siêu thị của nước ngoài sẽ ưu tiên tiêu thụ hàng hóa của họ và hàng hóa của các doanh nghiệp và hàng nông sản Việt Nam có nguy cơ bị đẩy ra khỏi siêu thị.

“Điều này sẽ gây sức ép rất lớn đối với sản xuất công nghiệp và nông nghiệp Việt Nam” – ông Doanh cho biết.

“Trong nền kinh tế thị trường, phân phối và bán lẻ có ý nghĩa quyết định đối với tiêu thụ sản phẩm và đối với sản xuất, khác hẳn so với kinh tế kế hoạch hóa tập trung trước đây chỉ lo sản xuất” – ông phân tích.

Nếu các tập đoàn bán lẻ trong nước không vươn lên mạnh mẽ hơn nữa, kết nối với các doanh nghiệp trong nước và là kênh tiêu thụ để trụ vững trên thị trường trong nước, “người Việt Nam sẽ tiêu thụ hàng nước ngoài, trả lương cho công nhân nước ngoài và làm thuê cho doanh nghiệp nước ngoài ngay trên quê hương mình” – ông Doanh cảnh báo.

>> Thái Lan là ngôi sao của ASEAN, Việt Nam phải cạnh tranh với Lào

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM