TS. Nguyễn Đình Cung: Môi trường kinh doanh Việt Nam sẽ ngang ngửa Singapore, Thái Lan?

13/03/2015 08:27 AM |

Một nghị quyết mới sắp được Thủ tướng ký duyệt nhằm cải thiện môi trường kinh doanh của Việt Nam với mục tiêu tham vọng hơn – đạt mục tiêu trung bình ASEAN 4 gồm các nước Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines.

Nội dung nổi bật:

- Thủ tướng Chính phủ sắp ký một Nghị quyết lấy tên tiếp tục là Nghị quyết 19, với mục tiêu đặt ra là cải thiện ngang ngửa các nước ASEAN 4 gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines.

- Các nước Châu Phi, Nam Á mấy năm gần đây cải cách mạnh mẽ. Nhiều ý kiến quan ngại rằng với những cải cách như hiện tại, Việt Nam ngày càng có khoảng cách xa hơn với các nước.


Đây là thông tin được TS. Nguyễn Đình Cung – Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương – chia sẻ bên lề Hội thảo Triển khai Nghị quyết số 19: Cải thiện chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam ngày 12/3.

Việt Nam sẽ tăng hơn 65 bậc theo chỉ số nhà đầu tư của World Bank

Thủ tướng Chính phủ sắp ký một Nghị quyết lấy tên tiếp tục là Nghị quyết 19, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh và sẽ triển khai đồng loạt trên 10 chỉ số, với mục tiêu đặt ra là cải thiện ngang ngửa các nước ASEAN 4 gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines.

* Nghị quyết 19 đã thực hiện được 1 năm. Ông đánh giá thế nào về việc thực hiện cải cách môi trường kinh doanh ở Việt Nam?

TS. Nguyễn Đình Cung: Nghị quyết 19 của Chính phủ là về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam. Trong đó, chúng ta đã đặt mục tiêu đến cuối năm 2015, sẽ đạt mức trung bình của các nước ASEAN 6. Qua 1 năm thực hiện, có thể điểm ra mấy điểm được sau đây:

Một là, có một chuyển động khác biệt so với trước đây từ Chính phủ, các Bộ cho đến các cấp chính quyền địa phương về ý thức và quyết tâm cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

Hai là, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ quan tâm rất sâu sát, chỉ đạo rất cụ thể trong việc triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh.

Ba là, chúng ta đã triển khai rất cụ thể các giải pháp. Do đó, đạt được một số kết quả đáng ghi nhận bước đầu.

- Thủ tục khởi sự kinh doanh: Từ 10 thủ tục giảm xuống còn 5 thủ tục, 31 ngày cắt giảm còn 6 ngày

- Nộp thuế và bảo hiểm xã hội: Những năm trước, doanh nghiệp mất 872 giờ để nộp thuế và nộp bảo hiểm bắt buộc, nay cắt giảm được khoảng 400 giờ

- Tiếp cận điện năng: Bộ Công thương và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đã xây đựng dược một biểu đồ để đưa mức tiếp cận điện năng của doanh nghiệp xuống còn 36 ngày. Trên thực tế, EVN đã triển khai rất quyết liệt trong việc tạo thuận lợi cho khách hàng trong việc tiếp cận điện năng.

Riêng EVN đã giảm được và thực sự chỉ còn 18 ngày.

- Bảo vệ nhà đầu tư: Đã thiết lập các giải pháp tạo thuận lợi hơn cho các cổ đông thiểu số trực tiếp khởi kiện người quản lý doanh nghiệp và kiểm soát chặt chẽ những giao dịch phát sinh tư lợi. Đã sửa đổi những giải pháp đó và công khai hóa các bên có liên quan và các giao dịch có nguy cơ phát sinh tư lợi.

Trên 3 phương diện như thế, chỉ số nhà đầu tư của chúng ta có thể tăng lên vài chục bậc so với hiện nay. Hiện chúng ta đang đứng thứ 165, chúng tôi dự tính chúng ta có thể tăng thêm khoảng hơn 65 bậc trên bảng xếp hạng.

Có thể Việt Nam sẽ có cải thiện nhảy vọt

* Chỉ số thông quan qua biên giới thì sao, thưa ông?

Đấy là chỉ số cực kỳ quan trọng đối với cải thiện môi trường kinh doanh Việt Nam. Trên thực tế, Bộ Tài chính và trực tiếp Tổng cục Hải quan đã triển khai rất tích cực, sau đó kết hợp với các Bộ.

Hiện phần liên quan đến thông quan biên giới chịu trách nhiệm của Hải quan đã triển khai tương đối tốt. Phần còn lại – quản lý của các Bộ chuyên ngành liên quan đến giấy phép quản lý xuất nhập khẩu chuyên ngành, kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm...  - những điều đó đã nhận diện được vấn đề.

Một là, sẽ cắt giảm số sản phẩm thuộc diện phải kiểm tra.

Hai là, thay đổi cách thức kiểm tra – hậu kiểm nhiều hơn thay vì tiền kiểm, giảm bớt giấy tờ buộc các nhà xuất nhập khẩu phải trình và có sự kết nối giữa các Bộ với Hải quan, để từ đó thực hiện thủ tục bằng công nghệ thông tin, sẽ cải cách, nâng cao được năng lực của các đơn vị kiểm dịch, kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm ở các cửa khẩu.

Như vậy, chúng ta đã thực hiện được trên 5/10 chỉ số chỉ số. Các chỉ số còn lại gồm tiếp cận tín dụng, đăng ký tài sản, xử lý tranh chấp, phá sản... chưa thực hiện được trong năm ngoái sẽ thực hiện trong năm nay.

Tuần này, Thủ tướng Chính phủ sẽ ký một Nghị quyết lấy tên tiếp tục là Nghị quyết 19, tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp để cải thiện môi trường kinh doanh và sẽ triển khai đồng loạt trên 10 chỉ số, với mục tiêu đặt cao hơn.

Năm ngoái, đặt mục tiêu trung bình ASEAN 6, năm nay đặt mục tiêu trung bình ASEAN 4 (gồm Singapore, Malaysia, Thái Lan và Philippines).  Có thể nói đây là một nghị quyết đặt mục tiêu rất tham vọng. Đồng thời, mọi người hy vọng có một sự chuyển biến mạnh mẽ hơn năm ngoái, khác biệt nhiều hơn năm ngoái trong việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

* Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết sẽ thay đổi phương pháp tính chỉ số qua các năm. Nhiều ý kiến lo ngại trong các năm tiếp theo, ngay cả với những cải cách hiện tại, Việt Nam vẫn có thể tụt hạng. Ông đánh giá sao về điều này?

Theo như trình bày của World Bank, toàn thế giới liên tục cải cách. Thực sự mà nói, những nước thu nhập cao, những nước công nghiệp phát triển lại cải cách rất nhiều, thậm chí hơn những nước thu nhập thấp. Trong các vùng, các châu lục, tôi thấy ở Châu Phi mấy năm gần đây họ cải cách mạnh mẽ. Nam Á cũng cải cách rất mạnh mẽ.

Rõ ràng, điều đó đòi hỏi chúng ta phải thay đổi. Mỗi năm họ rút kinh nghiệm từ thực tiễn và có thay đổi trong việc tính và đánh giá chỉ số môi trường kinh doanh. Chúng ta phải luôn luôn cập nhật các phương pháp như vậy. Chúng ta cứ tích cực cải cách và có sáng tạo trong cải cách như 2 năm gần đây chúng ta làm, tôi tin chúng ta sẽ có những bước tiến có thể mang tính nhảy vọt trong việc cải thiện môi trường kinh doanh ở Việt Nam.

* Xin cảm ơn ông!

>> Việt Nam sẽ nán lại chạy đua với Châu Phi?

Thanh Thủy

Thanh Thủy

Cùng chuyên mục
XEM