Chủ nợ đầu tiên “hoãn” nợ cho HAGL là ai?

30/05/2015 16:16 PM |

Theo HVS Việt Nam đánh giá, trái chủ nào đồng ý gia hạn đầu tiên cho HAGL, trái chủ ấy sẽ phải chịu rủi ro mất tiền cao nhất. Sẽ sáng sủa hơn cho cả HAGL và các chủ nợ là tất cả các trái chủ cùng đồng ý gia hạn nợ.

Ngày 20/05/2015, CTCP Hoàng Anh Gia Lai (mã HAG) cho biết: gói nợ trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu hoán đổi 4.230 tỷ đồng dự kiến sẽ chuyển đổi và đáo hạn trong tháng 7, tháng 8 và tháng 12 năm nay đang được HAGL tiến hành các thủ tục điều chỉnh kéo dài thời gian chuyển đổi và đáo hạn với các trái chủ do thị trường chứng khoán Việt Nam diễn biến chưa thuận lợi.

Đồng thời HAGL cho biết Tập đoàn thừa khả năng trả các khoản vay dài hạn ngân hàng đến hạn trả trong vòng 1 năm trị giá 1.329 tỷ đồng.

Với thông tin này, trong bản báo cáo mới nhất của mình về HAGL, Công ty Chứng khoán HVS Việt Nam cho rằng, HAGL không thể trả khoản nợ khoảng 5.100 tỷ đồng trong năm 2015 nếu các trái chủ từ chối gia hạn. Bởi lẻ, theo HVS Việt Nam ước tính trong năm 2015, HAGL chỉ có thể tạo ra dòng tiền tối đa là 2.000 tỷ đồng.

Như đã đề cập trong bài viết trước, nếu các trái chủ của HAG đều đồng ý điều chỉnh kéo dài thời gian chuyển đổi và đáo hạn gói trái phiếu chuyển đổi và trái phiếu hoán đổi 4.230 tỷ đồng nói trên thì áp lực về dòng tiền trong năm 2015 của HAGL sẽ giảm đi rất nhiều. Tuy nhiên, trái chủ nào sẽ đồng ý gia hạn trước?

Tình huống tiến thoái lưỡng nan của trái chủ!

Theo tiêu chuẩn tín dụng quốc tế, trái phiếu của HAGL sẽ bị xếp hạng dưới điểm đầu tư do khả năng trả nợ kém. Khoản nợ đầu tiên của HAG sẽ đáo hạn ngày 15/07/2015 trị giá 1.130 tỷ đồng. Đây là khoản trái phiểu hoán đổi phát hành cho công ty thành viên của Temasek (Singapore).

Câu hỏi đặt ra rằng, liệu Temasek có chịu gia hạn hay không dù rằng trong quá khứ họ đã thực hiện gia hạn cho khối lượng trái phiếu này. HVS Việt Nam đưa ra 2 kịch bản cho câu hỏi này.

Kịch bản 1: Giả định Temasek từ chối gia hạn và tiến hành lấy lại vốn gốc và lãi cho khoản vay 1.130 tỷ đồng nói trên, HAGL sẽ đối mặt với vô vàn khó khăn.

Bởi theo HVS Việt Nam dù cho HAGL có khả năng thanh toán khoản 1.130 tỷ đồng, họ sẽ không đủ khả năng thanh toán khoản nợ còn lại trị giá 1.100 tỷ đồng vốn sẽ đáo hạn vào ngày 31/8/2015.

Hơn nữa, sau đó nếu các trái chủ có bảo chứng/trái chủ kèm chứng quyền khác và cả trái chủ của lô trái phiếu 850 tỷ đồng cũng yêu cầu HAGL thanh toán nợ gốc của khoản trái phiếu trị giá 2.850 tỷ đồng, HAGL sẽ rơi vào tình trạng nợ xấu ngay lập tức.

Kịch bản 2: Giả định Temasek sẽ gia hạn tất cả trái phiếu họ đang nắm giữ với tổng giá trị đạt 2.230 tỉ đồng (~100 triệu USD). Đến ngày 17/08/2015 và 5/12/2015, các trái chủ khác của HAG sẽ từ chối gia hạn. Họ quyết định thu hồi khoản đầu tư của mình. Trong trường hợp này, HAGL rất khó trả được khoản nợ trị giá 2.850 tỷ đồng cho các trái chủ.

Điều này đồng nghĩa HAGL sẽ rơi vào trạng thái vỡ nợ và tất cả trái phiếu của họ trở nên vô giá trị. Nói cách khác, Temasek có thể mất hết khoản đầu tư của mình. Kết cục là Temasek có thể phải xóa bỏ khoản đầu tư này. Dù vậy, có một tình huống sáng sủa hơn cho Temasek là các trái chủ khác cũng đồng ý gia hạn.

HVS Việt Nam đánh giá, trong tất cả các kịch bản trên, trái chủ nào đồng ý gia hạn đầu tiên cho HAGL, trái chủ ấy sẽ phải chịu rủi ro mất tiền cao nhất. HVS Việt Nam cũng khuyến nghị HAGL nên tổ chức hội nghị chủ nợ để trình bày kế hoạch trả nợ, tái cấu trúc các khoản nợ nhằm có được sự thống nhất giữa các chủ nợ về việc gia hạn cho Tập đoàn.

Theo HỒNG QUÂN

Cùng chuyên mục
XEM