Hoàng Anh Gia Lai: Bao giờ đến ngày thái lai?
Dịch chuyển từ bất động sản sang nông nghiệp, Hoàng Anh Gia Lai vẫn miệt mài tìm kiếm những mảnh đất màu mỡ với mô hình phát triển đa ngành.
Vượt qua cơn bĩ cực của khủng hoảng tài chính và tái cấu trúc hoạt động: từ bỏ kinh doanh bất động sản ở thị trường trong nước nhưng lại nhảy vào lĩnh vực này ở nước ngoài; đẩy mạnh kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp,... cổ đông của Hoàng Anh Gia Lai luôn tự hỏi: bao giờ sẽ đến ngày thái lai?
Nhìn từ kết quả kinh doanh
Khép lại năm 2014, kết quả kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai đã khởi sắc với tổng doanh thu đạt 3.054 tỷ đồng, tăng 10,2% so với năm trước. Tuy nhiên, mức thu nhập này vẫn thấp hơn doanh thu trong 4 năm trở lại đây. Lợi nhuận sau thuế của tập đoàn là 1.556 tỷ đồng, tăng đáng kể so với 2 năm trước, nhưng dòng tiền từ hoạt động kinh doanh lại liên tục bị âm. Nguyên nhân do công nợ phải thu từ phía khách hàng tăng lên, cộng thêm các khoản tạm ứng cho dự án xây dựng sân bay Attapeu tại Lào. Bên cạnh đó, Hoàng Anh Gia Lai còn cho các công ty khác vay vốn tín chấp với lãi suất từ 10 - 15%/năm trong khoảng thời gian từ 1 - 2 năm.
Nhìn vào doanh thu, cơ cấu tài chính của Hoàng Anh Gia Lai thay đổi liên tục trong vòng 4 năm trở lại đây: từ bất động sản chuyển dịch sang sản xuất nông nghiệp mà điển hình như trồng bắp, nuôi bò thịt, sản xuất mía đường, mủ cao su. Không những vậy, Hoàng Anh Gia Lai gần như chuyển phạm vi hoạt động ra khỏi lãnh thổ Việt Nam và tập trung tại Lào, Campuchia, Myanmar. Tuy chịu rủi ro về luật pháp ở các nước bản địa, Hoàng Anh Gia Lai cũng tối ưu hóa lợi ích nhờ hai yếu tố căn bản: nhân công giá rẻ và nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú. Ở góc độ khác, HAGL không đạt kế hoạch kinh doanh năm 2014 chủ yếu do khách quan - thị trường: mủ cao su rớt giá mạnh, tiến độ thu tiền bán căn hộ chậm, ách tắc tiêu thụ mía đường tại Việt Nam... Ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức), Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai tự tin tuyên bố trước đại hội đồng cổ đông của công ty: “Hoàng Anh Gia Lai sẽ không bao giờ chết”!
Liệu chiến lược kinh doanh mới khi tập trung vào chăn nuôi bò có đem lại nguồn lợi nhuận dồi dào để trả cổ tức tiền mặt cho cổ đông như bầu Đức đã hứa không? Có vẻ như Hoàng Anh Gia Lai chưa hoàn toàn thoát khỏi thời kỳ khó khăn khi tập đoàn này vẫn bị lỡ nhịp với chu kỳ tăng trưởng ngành nghề.
Thiếu may mắn hay thiếu chín chắn?
Ngành nghề nào đều có tính chu kỳ và không phải doanh nghiệp nào cũng hái được quả ngọt nếu bị lệch pha của chu kỳ tăng trưởng ngành. Năm 2012, khi lứa cao su đầu tiên của Hoàng Anh Gia Lai đến vụ thu hoạch cũng là thời điểm giá mủ cao su thế giới đạt đỉnh đến 5.000 - 6.000 USD/tấn, trong khi giá thành sản xuất chỉ từ 1.200 -1.400 USD/tấn. Theo ước tính, mỗi năm Hoàng Anh Gia Lai có thể khai thác được 127.500 tấn mủ cao su và có thể thu về khoản lợi nhuận kếch xù nhờ vào tỷ suất lợi nhuận gộp lên tới 76%. Rất không may, sau đó giá mủ cao su tụt dốc liên tục suốt 3 năm và hiện tại giá mủ cao su chỉ đạt quanh mức 1.500 USD/tấn. Doanh thu và lợi nhuận “khủng” dự tính từ trước đã xẹp xuống khiến cho việc khai thác mủ cao su gần như chỉ hòa vốn. Sự tụt dốc của giá cao su khiến cho những nước xuất khẩu chủ lực như Thái Lan phải “cao su hóa” 5.000 km mặt đường bê tông để đối phó với tình trạng dư thừa trầm trọng mủ cao su. Cần phải nhấn mạnh rằng, giá cao su tự nhiên nói riêng cũng như giá hàng hóa bị đẩy lên cao đỉnh điểm năm 2011 là do yếu tố đầu cơ khi đồng đô la Mỹ yếu. Hoàng Anh Gia Lai phải giải bài toán dài hạn trong kinh doanh cao su hơn là hưởng lợi ngắn hạn do tỷ suất lợi nhuận gộp giảm sút.
Ngoài bài toán mủ cao su rớt giá, tập đoàn này còn gặp bài toán hóc búa về cạnh tranh trong ngành mía đường ở khu vực Đông Nam Á. Giá đường Việt Nam sản xuất trong nước cao hơn 20-30% so với các nước khác, dao động từ 11.000 -13.000 đồng/kg. Năng suất sản xuất đường trên diện tích mía khá thấp, 5,7 tấn đường/ha, trong khi Thái Lan là 11 tấn/ha. Giá đường tiếp tục giảm trong năm 2014, trong khi lượng tồn kho trong nước đạt mức cao trên 8.500 tấn. Theo con số Hoàng Anh Gia Lai đưa ra, giá thành đường sản xuất tại Lào chỉ từ 6.600 đồng/kg, năng suất khoảng 8,2 tấn đường/ha. Thuế suất ưu đãi cho đường mía đối với mặt hàng sản xuất từ ASEAN chỉ có 5% từ 2015 - 2017 và 0% đến năm 2018 (theo cam kết quốc tế về hội nhập). Liệu sản phẩm đường của Hoàng Anh Gia Lai có cạnh tranh được với hàng Thái Lan không khi hiệu suất khai thác đường từ mía thấp hơn 25%. Chưa kể, Hoàng Anh Gia Lai sẽ gây bão với ngành mía đường trong nước khi đưa sản phẩm về Việt Nam bán và do vậy các nhà sản xuất khác sẽ không để điều này xảy ra dễ dàng. Khoản thặng dư 70-80 tỷ đồng từ kinh doanh đường trong năm 2015 vì thế cũng không thể dễ dàng mà có như dự tính của Hoàng Anh Gia Lai.
Khi con Át chủ bài tại Myanmar lộ diện!
Thời điểm 2009 -2010 là đỉnh cao của kinh doanh bất động sản ở Việt Nam và ngành kinh doanh này trở thành “nồi cơm Thạch Sanh” của Hoàng Anh Gia Lai khi doanh số bán nhà chiếm trên 50% tổng doanh thu. Khủng hoảng sâu rộng của thị trường bất động sản Việt Nam năm 2011 đã khiến tập đoàn thoái lui khỏi Việt Nam và chuyển sang điểm nóng đầu tư khác trên bản đồ thế giới - Myanmar. Tưởng chừng như Myanmar là mỏ vàng mới được khai phá của bầu Đức khi quốc gia Đông Nam Á này chính thức được Hoa Kỳ gỡ bỏ lệnh cấm vận năm 2011 và mở cửa với thế giới bên ngoài. Nhưng giá nhà đất tại Myanmar tăng chóng mặt lên từng ngày. Quyết định đầu tư vào Myanmar tại thời điểm bất động sản Myanmar đang ở chu kỳ bùng nổ không khác nhiều so với quyết định kinh doanh cao su và
Thị trường Myanmar khan hiếm nguồn cung văn phòng hạng A và khách sạn, do vậy Hoàng Anh Gia Lai mạnh tay đầu tư dự án khu phức hợp văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại lớn nhất tại Yangon (Myanmar). Hoàng Anh Gia Lai sở hữu 100% Công ty TNHH Hoàng Anh Gia Lai Myanmar, pháp nhân triển khai dự án Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Centre, thông qua 85% cổ phần Công ty Xây dựng và Phát triển nhà Hoàng Anh. Ngày 11/2/2015, Tập đoàn đã ký bản thỏa thuận nguyên tắc với Rowsley, theo đó Rowsley sẽ mua 50% cổ phần của Công ty Xây dựng và Phát triển Nhà Hoàng Anh với giá trị khoảng 275 triệu USD. Trong quá trình triển khai thương vụ, phía Rowsley đề xuất đầu tư trực tiếp vào Hoàng Anh Gia Lai Myanmar, không thông qua việc sở hữu cổ phần Nhà Hoàng Anh. Rowsley có cái lý của họ vì Nhà Hoàng Anh chỉ là công ty con của Hoàng Anh Gia Lai và là công ty mẹ của pháp nhân dự án. Đầu tư gián tiếp không tạo ra nhiều lợi nhuận hấp dẫn và không kiểm soát rủi ro chặt chẽ như đầu tư trực tiếp vào dự án. Hoàng Anh Gia Lai từ chối phương án của Rowsley với lý do, thuế suất trên lợi nhuận chuyển nhượng vốn tại Myanmar đang ở mức quá cao (40%) nên mối lương duyên này bất thành.
Tuy nhiên, nguyên nhân sâu xa chính là yếu tố thị trường đang chi phối tâm lý người mua. Rủi ro đầu cơ cao và rủi ro pháp lý tại thị trường rất sơ khai như Myanmar khiến cho giới đầu tư lo ngại về bong bóng bất động sản. Cơn sốt bất động sản tại Myanmar đã chính thức hạ nhiệt vào nửa cuối năm 2014 khi chính phủ nước này áp dụng mức thuế mới cho giao dịch bất động sản. Thuế suất lên đến 30% áp dụng cho người mua với giá trị mua trên 306.000 USD (khoảng 7 tỷ đồng) và thuế suất 10% áp dụng đối với người bán. Theo thống kê của Savills and Collier, nguồn cung văn phòng, khách sạn tại đây tăng lên nhanh chóng khiến cho sự cạnh tranh sẽ gay gắt hơn trong 1-2 năm tới. Quan trọng hơn cả, giới đầu tư đang nín thở chờ đợi kết quả bầu cử Quốc hội Myanmar diễn ra vào tháng 11/2015 mới có thể mạnh dạn trong cuộc chơi.
May mắn chưa thực sự mỉm cười với Hoàng Anh Gia Lai khi tham gia ngành mới vào đỉnh sóng và lặng lẽ ra đi vào đáy sóng. Trong lĩnh vực chăn nuôi bò thịt hợp tác với Nutti Food, Hoàng Anh Gia Lai tiếp tục dấn thân vào lĩnh vực nông nghiệp đầy thách thức nhưng khá hứa hẹn. Với tư tưởng “dám nghĩ dám làm” của bầu Đức, kiên nhẫn chờ đợi kết quả có lẽ là điều mà cổ đông của tập đoàn cần phải có vào lúc này.
Dự án Khu phức hợp Hoàng Anh Gia Lai Myanmar Center
Diện tích đất 73.358 m2; tọa lạc tại Yangon, thành phố lớn nhất, trung tâm kinh tế - tài chính của Myanmar. Tổng mức đầu tư: 440 triệu USD; đầu tư theo hình thức BOT với thời gian 70 năm. Giai đoạn 1 từ năm 2013 đến Q.1/2015 sẽ hoàn thành một trung tâm thương mại và hai tòa cao ốc văn phòng cho thuê hạng A cao 26 tầng, tổng diện tích 124.000m2, và một khách sạn 5 sao, quy mô hơn 400 phòng. Giai đoạn 2 từ năm 2014 đến 2016 bao gồm hai tòa cao ốc văn phòng cho thuê hạng A với diện tích kinh doanh 94.189 m2 và 5 block căn hộ cao 28 tầng gồm hơn 1.000 căn.
>> 10 câu hỏi trước ĐHCĐ Hoàng Anh Gia Lai
Theo Gia Trình