Cầm hóa đơn điện tháng 5, nhiều người... ngã ngửa
“Đến hẹn lại lên”, cứ vào mùa cao điểm nắng nóng, nhiều hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội lại phát hoảng mỗi khi nhận hoá đơn tiền điện. Nhiều người nói vui, hoá đơn tiền điện tăng kỷ lục theo nắng nóng
Nội dung nổi bật:
- Dù dự tính tiền điện tháng 6 có thể tăng cao, nhưng cầm trên tay hoá đơn điện tháng 6/2015, chị Phan Sương (Định Công – Hà Nội) không khỏi cảm thấy “sốc” khi hóa đơn điện tháng 6 tăng gấp hơn 2 lần so với tháng trước
- "Số điện dùng chỉ hơn tháng trước 165 kWh, số tiền phải trả gần hơn 400.000 đồng thì quả là vô lý. Có vẻ cách tính giá điện bậc thang theo luỹ tiến hiện nay đang gây bất lợi cho người tiêu dùng"
- Theo giải thích của EVN, giá điện sinh hoạt được tính theo mức bậc thang, nếu khách hàng tiêu thụ điện năng càng nhiều thì mức giá điện càng tăng, dẫn đến hoá đơn tiền điện tăng.
“Đến hẹn lại lên”, cứ vào mùa cao điểm nắng nóng, nhiều hộ gia đình trên địa bàn Hà Nội lại phát hoảng mỗi khi nhận hoá đơn tiền điện. Nhiều người nói vui, hoá đơn tiền điện tăng kỷ lục theo nắng nóng
Hoá đơn điện tăng bất thường
Dù dự tính tiền điện tháng 6 có thể tăng cao, nhưng cầm trên tay hoá đơn điện tháng 6/2015, chị Phan Sương (Định Công – Hà Nội) không khỏi cảm thấy “sốc”.
“Hoá đơn điện tháng 6 nhà mình tăng gấp hơn 2 lần so với tháng trước, cả về sản lượng điện dùng và số tiền điện phải trả”- chị Sương nói.
Điều chị Sương cảm thấy khó hiểu là gia đình chị ban ngày đều đi làm, chỉ sử dụng nhiều điện vào buổi tối. “Tháng 5 và 6 gia đình mình cũng sử dụng điện và các thiết bị điện như nhau, nhưng tháng 5 chỉ có 168 kWh, còn tháng 6 thì sản lượng điện dùng gấp lên 2 lần. Không thể chỉ dùng một cái điều hoà mà tăng gấp đôi chỉ số kWh điện tháng trước và tháng sau như vậy được”- chị bức xúc.
Cũng trong tâm trạng khó hiểu không kém, chị Phương (Thanh Xuân – Hà Nội) bày tỏ, “tháng trước gia đình dùng 2 điều hoà chạy ro ro cả đêm, tiền điện chỉ 700.000 – 800.000 đồng/tháng. Nhưng sang tháng 6 biết nắng nóng, gia đình dùng tiết kiệm chỉ dám bật 1 điều hoà, vậy mà hoá đơn lại tăng gấp đôi tháng trước. Vậy là sao?”.
Cũng trong tình cảnh hoá đơn điện tăng gấp đôi so với tháng trước, chị Thu Hằng (Long Biên) phàn nàn, gia đình chị có 2 vợ chồng đi làm cả ngày, chỉ tối về mới sử dụng điện và bật điều hoà, nhưng tháng vừa rồi tiền điện cũng tăng hơn gấp 2 lần.
“Bình thường tiền điện nhà tôi chỉ dưới 400.000 đồng/tháng tiền điện, nhưng tháng rồi lên tới gần 840.000 đồng. Mà số điện dùng chỉ hơn tháng trước 165 kWh, số tiền phải trả gần hơn 400.000 đồng thì quả là vô lý. Có vẻ cách tính giá điện bậc thang theo luỹ tiến hiện nay đang gây bất lợi cho người tiêu dùng” - chị Hằng chia sẻ.
Ngoài ra, theo chị Hằng, công tơ điện treo tít trên cao, lại cách xa nhà thì làm sao khách hàng kiểm soát được việc ghi chỉ số công tơ điện có chính xác hay không. “Tôi thấy, tại TP. Hồ Chí Minh việc kiểm soát ghi chỉ số công tơ dễ dàng hơn cho khách hàng vì công tơ được đặt ngay trong nhà. Vì thế, chuỵên ghi “vống” chỉ số điện khó xảy ra… ”- chị Hằng nghi ngờ.
“Nhà đèn”- tiền điện tăng là do ... thời tiết
Trước phản ánh của nhiều hộ gia đình, trao đổi với Infonet, đại diện Tổng công ty Điện lực Hà Nội (EVN Hà Nội) lý giải, trong tháng 5, khu vực Hà Nội đã xảy ra 2 đợt nắng nóng, vào ngày 1-8/5 và 18 – 30/5, đỉnh điểm là ngày 28-30/5 nhiệt độ cao nhất phổ biến lên tới 39-40 độ C. Do vậy, hoá đơn tiền điện tháng 6/2015 hội tụ các yếu tố đột biến dẫn đến khách hàng sử dụng điện có sản lượng và số tiền thanh toán sẽ tang so với tháng trước liền kề, nhiều sản lượng tăng từ 1,5 đến 3 lần.
Ngoài ra, Hà Nội hiện phát triển theo hướng xa rời các tiêu chí xanh, tỷ lệ bê tông, kính và nhựa hóa ngày càng cao. Nghĩa là, bê tông hóa, nhựa hóa và kính hóa làm tăng nguy cơ hấp thụ nhiệt dưới mặt đất, khiến lớp không khí cách mặt đất 100m đổ lại trở nên nóng hơn, nung nóng mặt đất lâu hơn.
“Quá nhiều nhà cao tầng trong khi tỷ lệ không gian rỗng giữa các tòa nhà và trên các tuyến đường ngày càng ít làm cho đối lưu không khí ngày càng bị hạn chế, tạo ra chế độ tiểu khí hậu cục bộ, vừa gây ô nhiễm không khí vừa làm tăng oi bức”- vị đại diện chia sẻ.
Trước phàn nàn của khách hàng, rằng giá điện tính theo bậc thang đang gây bất lợi cho người dung, vị này cũng cho rằng, giá điện sinh hoạt được tính theo mức bậc thang, nếu khách hàng tiêu thụ điện năng càng nhiều thì mức giá điện càng tăng, dẫn đến hoá đơn tiền điện tăng. Đơn cử, từ 401 kWh trở lên khách hàng sẽ phải trả mức giá điện sinh hoạt bậc thang cao nhất 2.587 đồng/kWh. Ví dụ, nếu khách hàng sử dụng 200 kWh điện ở bậc thang cao nhất, thì số tiền điện phải trả cho 200 kWh lên tới 517.400 đồng…
EVN Hà Nội cũng “hứa”, để khách hàng tiện theo dõi chỉ số công tơ điện sử dụng hàng tháng của gia đình, trong tháng 6, EVN Hà Nội tiếp tục triển khai nhắn tin miễn phí thông báo ngày ghi chỉ số công tới khách hàng có đăng ký số điện thoại liên hệ, đồng thời mời khách hàng có điều kiện tham gia giám sát việc ghi chỉ số này.
Đây không phải là năm đầu tiên cứ tới mùa nắng nóng khách hàng sử dụng điện lại kêu ca chuyện hoá đơn tăng đột biến, rồi tới tháng sau lại giảm đột ngột. Điều đáng nói hơn, việc tiền điện tăng đột biến này dường như có tính … chu kỳ hàng năm, khi cũng thời gian này năm trước, hàng loạt hộ gia đình tại Hà Nội đều bất ngờ với khoản tiền điện phải trả trong tháng 6/2014 dù lượng điện tiêu thụ không thay đổi đột biến. Và mỗi lần khách hàng phàn nàn chuyện hoá đơn điện tăng đột biến, “kịch bản” trả lời của EVN vẫn là “do thời tiết nắng nóng, khách hàng sử dụng nhiều điện…”.