Aeon mua 30% cổ phần của Fivimart và 49% cổ phần của Citimart
Fivimart và Citimart hiện đang vận hành gần 50 siêu thị trên cả nước. Gã khổng lồ bán lẻ Nhật Bản Aeon cho biết đã quyết định sở hữu 30% cổ phần Fivimart và 49% cổ phần Citimart.
Tờ Thời báo Nhật Bản cho biết, tập đoàn Aeon đã thông báo đầu tư vốn và thắt chặt quan hệ kinh doanh với 2 nhà bán lẻ lớn của Việt Nam với tham vọng mở rộng kinh doanh tại thị trường nước này.
Cụ thể, Aeon cho biết họ đã quyết định sở hữu 30% cổ phần trong Fivimart – đơn vị đang vận hành 20 siêu thị tại Hà Nội, và 49% cổ phần trong Citimart – đơn vị đang vận hành 27 siêu thị, chủ yếu ở TPHCM.
Động thái này của Aeon nhằm nâng cao hiểu biết của mình về nhu cầu kinh doanh tại địa phương và kiến thức về cung ứng hàng hóa, trong khi chia sẻ các kinh nghiệm kiểm soát chất lượng và hậu cần với các đối tác tại Việt Nam.
Aeon đã ra mắt trung tâm mua sắm đầu tiên tại Việt Nam tại TPHCM vào tháng Giêng năm 2014 và một trung tâm mua sắm nữa ở Bình Dương trong tháng 11. Aeon Mall TPHCM đang thu hút khoảng 1 triệu người mỗi tháng, cao hơn 20% kỳ vọng ban đầu của tập đoàn này, nhưng chỉ khu vực ẩm thực và cơ sở vui chơi giải trí là đông đúc.
Tập đoàn có kế hoạch mở một trung tâm thứ 3 tại Hà Nội - dự án trung tâm thương mại Aeon Mall Him Lam ở Long Biên với vốn đầu tư lên đến 200 triệu USD, trên tổng diện tích 96.000 m2, dự kiến hoàn thành vào năm 2015 tới.
Aeon coi Việt Nam là thị trường quan trọng thứ 2 trong khu vực Đông Nam Á, sau Malaysia. Aeon cho biết mục tiêu tập đoàn này nhắm tới là có 200 cửa hàng trên toàn quốc và đạt mức doanh thu tới 100 tỷ yen. (tương đương 18.000 tỷ đồng).
Như chúng tôi đã phân tích ở bài viết"Những nước cờ chiến lược của AEON ở Việt Nam", hoạt động liên kết - hợp tác kinh doanh với Citimart hay Fivimart có thể coi là một công đôi ba việc với Aeon, trong bối cảnh đại gia này tham chiến khá muộn so với các đối thủ khác tại thị trường bán lẻ Việt Nam.
Cái lợi thứ nhất, là hợp tác với các nhà bán lẻ địa phương ở cả hai đầu kinh tế Nam - Bắc sẽ giúp Aeon giảm số vốn đầu tư ban đầu nhưng vẫn có thể nhanh chóng "phủ sóng" đến các đô thị lớn của Việt Nam qua hơn 40 siêu thị sẵn có trên cả nước.
Lợi thế thứ hai qua việc hợp tác là Aeon nghiễm nhiên là nhà cung ứng các mặt hàng thực phẩm và hàng tiêu dùng của mình (dưới thương hiệu Top Value) vào các hệ thống này một cách chính thức. Đồng thời, đây là kênh kết nối tiện lợi và nhanh chóng với các nhà sản xuất địa phương trong việc phát triển các sản phẩm sau này của Aeon.
Ngoài ra, quy định về việc xây trung tâm quy mô lớn có diện tích trên 500m2 hiện đang bị “siết” khá chặt và từng dự án đều phải kiểm tra kỹ càng, bởi vậy chiến lược tạo ra các liên doanh - hợp tác kinh doanh đối với một thành viên mới như Aeon có thể coi là nước cờ tối ưu.
>> [Nổi bật tuần] Những nước cờ của AEON, thương hiệu Việt bắt đầu bán hết rồi
Thủy Trương