Thái Lan là ngôi sao của ASEAN, Việt Nam phải cạnh tranh với Lào
Khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập, Thái Lan được tin rằng sẽ bước lên một tầng cao hơn trong chuỗi sản xuất của khu vực. Còn Việt Nam, sẽ phải cạnh tranh với Lào, Campuchia, Myanmar để nhận được dòng vốn đầu tư từ Thái Lan.
Phát biểu tại Diễn đàn Thách thức 2015 diễn ra chiều 24/1, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan chỉ ra rằng, một trong những thách thức của Việt Nam khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) hình thành là việc ASEAN thâm nhập thị trường Việt Nam và coi Việt Nam như cứ điểm của họ.
52% doanh nghiệp Thái coi Việt Nam là thị trường tiềm năng nhất
“Khi hỏi doanh nghiệp Thái Lan, cơ hội lớn nhất đối với Thái Lan là ở đâu, 52% doanh nghiệp Thái Lan trả lời là ở thị trường nội địa của Việt Nam. Họ coi thị trường 90 triệu dân của Việt Nam là một thị trường lớn rất tiềm năng. Và họ vào đây để khai thác tiềm năng đó” – bà Lan cho biết.
Cuộc đổ bộ của người Thái đang tăng dần trong 1 năm trở lại đây. Tập đoàn Berli Jucker (BJC) đang trong quá trình mua lại toàn bộ chuỗi 19 siêu thị Metro Cash&Carry của Đức tại Việt Nam. Trước đó, BJC đã mua lại 2 chuỗi siêu thị gồm 350 cửa hàng tiện ích của Việt Nam.
“Họ sẽ đi vào Việt Nam bằng 2 chân, 1 là các siêu thị lớn, 2 là các cửa hàng tiện ích nhỏ - thị trường truyền thống của Việt Nam” – bà Lan cho biết.
Ngay sau khi thông báo mua lại Metro, BJC đã chi 2.000 tỷ đồng mua cổ phiếu của CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk). Wall Street Journal cho hay, ông lớn Thái Lan này còn dự định chi 2 tỷ USD để mua lại CTCP Bia – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco). Mới đây thôi, Central – một tập đoàn khác của Thái Lan bước vào Việt Nam với chuỗi cửa hàng Robinson – đã thông báo mua lại 49% cổ phần siêu thị điện máy Nguyễn Kim.
Thương vụ sang tay Metro của doanh nghiệp Đức, dù đang gặp trục trặc, nhưng nếu thành công, 90% hàng Việt đang bán trong Metro có thể thay dần bằng hàng Thái, chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết.
“Đó không chỉ là nỗi lo của các nhà phân phối mà sẽ là khó khăn cho những người đang làm, định làm các sản phẩm bán trong các siêu thị, cửa hàng đó. Các nhà sản xuất của Việt Nam sẽ đi đâu, nông dân Việt Nam sẽ bán hàng hóa của mình ở đâu nếu các siêu thị rơi vào tay các doanh nghiệp nước ngoài? Khi thuế suất hàng hóa về 0% vào năm 2018, hàng hóa ASEAN sẽ tràn vào Việt Nam...” – bà Lan nói.
Hội nhập AEC: Thái Lan là ngôi sao của ASEAN, Việt Nam phải cạnh tranh với Lào
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan dẫn lời một nghiên cứu cho hay, hội nhập AEC, Việt Nam có một vài lĩnh vực có khả năng cạnh tranh. Nhưng trên vô số lĩnh vực, Việt Nam bị coi là nền kinh tế khó cạnh tranh hơn các nước còn lại. Thậm chí, có những ngành của Việt Nam có khả năng thua rất lớn.
“Có thể Việt Nam phát triển được, nhưng khó có thể đi lên” – bà Lan nói. “Trong khi các ngành Việt Nam rất có thể chỉ làm được ở tầng tương đối thấp, thì các doanh nghiệp của các nước khác như Thái Lan chẳng hạn, người ta tin rằng Thái Lan sẽ bước hẳn lên. Với AEC, Thái Lan sẽ bước lên một tầng cao hơn trong chuỗi sản xuất của khu vực”.
Trong ngành công nghiệp ô tô, Việt Nam đã có chiến lược phát triển công nghiệp ô tô và có tới mười mấy nhà đầu tư nước ngoài làm ô tô ở Việt Nam. “Nhưng chủ yếu họ làm gì? Làm lắp ráp, không gì hơn, và lắp ráp cũng ở quy mô rất nhỏ. Bản thân các nhà lắp ráp đó đang dần thay việc lắp ráp ở Việt Nam bằng nhập luôn ô tô nguyên chiếc của họ được sản xuất tại các nước quanh Việt Nam với mức giá tốt hơn để đưa vào Việt Nam. Tại sao? Vì năm 2018, thuế đối với ô tô nhập khẩu vào Việt Nam giảm rất mạnh” – bà Lan nói.
Bà cũng tiết lộ, trong một cuộc hội thảo tại Thái Lan, các hãng của Nhật Bản cho biết hoạch định chiến lược ô tô của họ là chiến lược Thái Lan + 1, tức là Thái Lan tiếp tục là “cứ điểm Detroit” (bang tập trung của ngành công nghiệp sản xuất ô tô của Mỹ) trong khu vực. Nhưng các hãng ô tô Nhật sẽ đưa Thái Lan làm tất cả sản phẩm của dòng ô tô mới mà Nhật Bản đang thiết kế cho cạnh tranh trong những năm tới của Nhật trên toàn cầu.
Còn những sản phẩm lâu nay Thái Lan vẫn làm, hoặc không còn lợi thế cạnh tranh cao hoặc đã lạc hậu tương đối so với nhu cầu mới thì sẽ chuyển sang Việt Nam, Lào, Campuchia, Myanmar.
Với chiến lược Trung Quốc + 1 trước đây, bà Lan cho biết, cũng là người Nhật đưa ra đầu tiên, với mục tiêu chuyển một số ngành từ Trung Quốc sang 4 nước Lào, Việt Nam, Campuchia, Myanmar.
“Khi họ trình bày chiến lược của họ, tôi thấy đau hết cả người. Bao nhiêu năm mình nằm trong Trung Quốc +1, nhưng coi đó là cơ hội vì Trung Quốc là một quy mô quá lớn. Nhưng giờ là Thái Lan + 1, mình phải lo cạnh tranh với Lào, Campuchia, Myanmar để nhận được dòng đầu tư tạm gọi là từ Thái Lan. Việt Nam cứ thế mãi sao?” – bà quan ngại.
>> Thứ trưởng Bộ Công thương: Việt Nam không thua kém Thái Lan bao nhiêu...
Thanh Thủy