Bộ Công thương: BigC, Metro có đến 90% sản phẩm là hàng Việt
“Thị phần bán lẻ của DN nước ngoài chỉ chiếm khoảng 3,4% thị trường trong nước. Trong các siêu thị nước ngoài như BigC, Metro … có đến 90% sản phẩm là hàng Việt”, Bộ trưởng Bộ Công thương trả lời trước nỗi lo DN nước ngoài ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường Việt.
Thị phần bán lẻ nước ngoài ngày càng giảm
Tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII vào chiều 17/11, trả lời câu hỏi liệu ngành bán lẻ Việt Nam có thua trên sân nhà, Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng khẳng định: “Chúng ta vẫn mở cửa thị trường bán lẻ nhưng có lộ trình, có kiểm soát”.
Minh chứng cho nhận định này, Bộ trưởng Hoàng đưa ra con số: Thị phần bán lẻ của các doanh nghiệp nước ngoài 5 năm trước là 3,8%, nhưng hiện nay, con số này chỉ ở mức 3,4%.
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Hoàng cũng cho biết: Chúng ta có 9 mặt hàng quy định không được bán trong hệ thống phân phối của nhà đầu tư nước ngoài gồm gạo, đường, xăng dầu, văn hoá phẩm… Thêm vào đó, sau khi mở cửa cơ sở bán lẻ thứ nhất, từ cơ sở thứ 2 trở đi, doanh nghiệp phải có báo cáo đánh giá về mặt kinh tế.
“Trong các Hiệp định đang đàm phán tới đây, chúng ta vẫn giữ nguyên tắc mở cửa thị trường có lộ trình. Hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 900 cơ sở bán lẻ thì nhà đầu tư nước ngoài mới có 70 cơ sở, còn lại trên 800 cơ sở thuộc sở hữu của các doanh nghiệp Việt Nam. Tỷ lệ siêu thị bán lẻ của nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam không nhiều”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.
Sẽ có giải pháp tạo thuận lợi cho doanh nghiệp Việt
Chưa hài lòng với câu trả lời của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, trong phiên sáng 18/11, đại biểu Quốc hội Nguyễn Ngọc Hòa – TPHCM tiếp tục chất vấn.
Theo đại biểu Hòa, về số lượng, báo cáo của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho thấy, doanh nghiệp nước ngoài có 70 trên tổng số hơn 900 cơ sở bán lẻ ở Việt Nam và đây là một tỷ lệ không lớn. Nhưng xét về chất lượng, một cơ sở nước ngoài có quy mô lớn gấp 4, 5 lần cơ sở bán lẻ của Việt Nam.
“Nếu quy đổi lại, con số sẽ lên đến hàng trăm cơ sở, chứ không phải là 70”, đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa tính toán.
Bên cạnh đó, các mặt hàng bị cấm vẫn được bán ở những cơ sở nước ngoài, đồng thời có doanh nghiệp bán lẻ như Metro, dù báo lỗ vẫn được cấp phép mở thêm hơn chục cơ sở ở Việt Nam.
Bộ trưởng Hoàng cho biết, nếu so sánh quy mô một cơ sở nước ngoài với 1 cơ sở của Việt Nam thì hơi khập khiễng. “Điều quan trọng là thị phần bán lẻ của doanh nghiệp nước ngoài năm 2013-2014 chỉ chiếm khoảng 3,4% thị trường bán lẻ. Theo thống kê, trong các siêu thị nước ngoài như BigC, Metro … có đến 90% sản phẩm là hàng Việt Nam”, Bộ trưởng Hoàng trần tình.
Giải trình về việc nhiều doanh nghiệp nước ngoài có hơn 10 cơ sở ở Việt Nam như Metro - 19 cơ sở, BigC - 30 cơ sở …., Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, Metro, BigC … được cấp phép trước khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), với tư cách là doanh nghiệp thí điểm. Khi đó, Việt Nam chưa có quy định chặt chẽ về quản lý thị trường bán lẻ.
“Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục phối hợp với Hiệp hội bán lẻ, đề xuất giải pháp để phát triển cơ chế, chính sách hệ thống bán buôn, bán lẻ với xu hướng tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt Nam”, Bộ trưởng Hoàng cho biết.
“Chúng ta vẫn mở cửa thị trường bán lẻ có kiểm soát. Những doanh nghiệp trong nước vẫn vươn lên và phát triển. Việc chúng ta lo lắng bán lẻ nước ngoài có thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam hay không? Chúng ta có lo lắng, nhưng với kinh nghiệm 8 năm thực hiện WTO, tôi cho rằng chúng ta có thể xử lý được”, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng tin tưởng.
>> Bán lẻ Việt Nam "dậy sóng" trước những vụ thâu tóm khủng
Bảo Bảo