Thấy dân lội nước bơ phờ, hỏi ông chống ngập có ngờ được không?
Chúng ta phải nghĩ đến việc làm sao để không phải gánh chịu những thảm cảnh đô thị vì mưa này. Mong sao người dân được dự báo, cảnh báo trước về thời tiết xấu. Mong thành phố mình có hệ thống chống ngập tốt và có giải pháp ứng xử trước thiên tai một cách bài bản, hữu hiệu.
Cảnh mưa tuôn như thác đổ trên đường ở quận Thủ Đức - TP.HCM đêm 26-9 - Ảnh cắt từ clip.
Khi có một cơn mưa khổng lồ đến thành phố này, có lẽ tư tưởng mọi người đều an bài rằng: rồi, nhà tui sẽ ngập cho coi, rồi sân bay ngập chưa ta, rồi chuyến bay delay, rồi kẹt xe khỏi về, rồi mình bị ướt như chuột lột, xe chết máy chỏng chơ....
Phải xem cơn mưa cực lớn này và hậu quả nghiêm trọng của nó ảnh hưởng đến thành phố từ tài sản, trật tự đô thị, du lịch, kinh doanh.... Và đêm qua, liệu có bao nhiêu xe cấp cứu từ các tỉnh về TPHCM bị kẹt cứng ở các cầu Saigon, Bình Triệu và người bệnh không thể cứu chữa kịp thời?
Cơn mưa thuộc loại “to và diện rộng bậc nhất trong mùa mưa năm nay” đêm 26-9 lẫn các cơn mưa trước đó đều có thể được dự báo trước bởi Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn. Điều cần làm là dự báo này phải được thông báo rộng rãi trên mọi phương tiện thông tin đại chúng: truyền hình, đài phát thanh, báo điện tử… càng sớm càng tốt.
Có thể thông báo từ buổi sáng, có thể thông báo buổi trưa. Chậm nhất là thông báo ít giờ trước khi cơn mưa bắt đầu nặng hạt.
Khi biết trước, cho dù chỉ vài giờ phút quý báu, người dân có thể chuẩn bị đối đầu với cơn mưa, lựa chọn nhiều tình huống, lên kế hoạch tốt nhất sao cho mình ít bị ảnh hưởng: nên ra đường hay về nhà, đón con sớm hay muộn, né tránh các cung đường ngập ra sao…
Các công sở đương nhiên cho nhân viên tan tầm sớm, mọi trường học cho giáo viên và học trò nghỉ sớm, bằng mọi giá về được nhà an toàn trước cơn mưa…
Người kinh doanh thu xếp dọn dẹp sớm, thông báo khách hàng tạm nghỉ vì lý do khách quan, có thời gian thu xếp đóng cửa hàng, ngăn nước ngập, bảo vệ tài sản, tránh nhiều thiệt hại và phiền phức.
Sân bay thông báo delay chuyến bay sớm, các máy bay khắp nơi sắp bay về thành phố nên đỗ ở sân bay thay vì cất cánh để rồi phải bay lượn lờ nhiều vòng trên trời hoặc buộc hạ cánh ở sân bay khác…
Chính quyền cử các đội cứu hộ, công nhân thoát nước đến các điểm thường ngập sâu như Nguyễn Hữu Cảnh hay Lê Đức Thọ để hỗ trợ trẻ em, người già, phụ nữ và những người cần hỗ trợ. Cảnh sát giao thông có mặt mọi “điểm đen” có thể ùn tắc để điều phối dòng lưu thông, giúp xe cộ di chuyển tốt nhất có thể.
Hai học sinh phụ mẹ đẩy xe chết máy trên đường Trường Sơn đêm 26-9 - Ảnh: HỮU KHOA
Chỉ 10 phút sau cơn mưa chiều qua là các trang tin điện tử, mạng xã hội đã có thể phản ảnh cập nhật tình hình lẫn hậu quả của cơn mưa.
Nhưng, xem qua các bản tin, dường như chúng ta mong mỏi được thấy nhiều hơn nữa bóng dáng hành động tức thời, phối hợp đồng bộ từ các cơ quan chức năng.
Tôi không thể nào quên một lần đứng xếp hàng vào bảo tàng ở London (Anh). Vào đầu hè nên các em học sinh được nghỉ học và xếp hàng dài ngoài đường chờ vào tham quan bảo tàng.
Một cơn mưa rào đổ xuống bất chợt và bỗng nhiên cảnh sát chữa cháy London xuất hiện nhanh như chớp. Họ phát các miếng bìa giấy nhôm và áo mưa cho các em học sinh để ứng phó tình hình thời tiết hệt như… trong phim.
Tôi kể chuyện mắt thấy tai nghe ở xứ người đó hoàn toàn không có ý vọng ngoại. Tôi đã và đang có nhiều cơ hội đi định cư nước ngoài nhưng tôi vẫn thích sống ở đây - Sài Gòn - TP.HCM quê mình đang phát triển thay da đổi thịt hiện đại từng ngày, với những con người hồn hậu dễ thương, những món ăn ngon và những hàng me xanh ngát...
Nhưng chúng ta phải nghĩ đến việc làm sao để không phải gánh chịu những thảm cảnh đô thị vì mưa này. Mong sao người dân được dự báo, cảnh báo trước về thời tiết xấu, về những cơn mưa lớn. Mong thành phố mình có hệ thống chống ngập tốt và có giải pháp ứng xử trước thiên tai một cách bài bản, hữu hiệu.
Một bà cụ xắn quần lội nước trên đường Lương Định Của (Quận 2) sáng 27-9 - Ảnh: Lê Phan
Để không còn ai phải lóp ngóp khổ sở trong cơn mưa ngập, rồi về nhà đành tự trào rằng các bản nhạc đêm nay nghe là:
- Tân Sân Nhất : Mưa Phi Trường
- Bến Thành : Biển Nhớ
- Bitexco : Đêm Thấy Ta Là Thác Đổ
- Takashimaya : Dòng Sông Lơ Đãng
- Thanh Đa : Quê Em Mùa Nước Lũ
- Lý Thái Tổ: Sông Quê
- Bờ Kè: Trường Ca Sông Lô
- Quận 8: Hát Với Dòng Sông
- Bùng Binh Lăng Cha Cả: Cơn Mưa Dĩ Vãng
- Ngã 5 Chuồng Chó: Mưa Trên Cuộc Tình
- Nhà Hát Hoà Bình: Bến Vắng
- Nhà Bè: Mưa Đêm Tỉnh Nhỏ
- Tân Bình - Tân Phú: Chiều trên phá Tam Giang
- Khu chế xuất Tân Thuận: Biển Nỗi Nhớ Và Em!